Mặc dù nỗ lực trong bảo vệ và phát triển rừng, công tác này ở huyện Đông Giang còn nhiều tồn tại đang được địa phương tiếp tục quan tâm khắc phục.
Thời gian qua, Đông Giang tập trung chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương và chủ rừng đẩy mạnh tuyên truyền những văn bản pháp quy về bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) và chế tài xử phạt thông qua hệ thống đài truyền thanh, họp dân và bằng xe lưu động.
Đơn cử từ họp thôn, có 6.084 hộ gia đình, hơn 40 cơ sở kinh doanh ký cam kết nghiêm túc tuân thủ; xe chở loa phát thanh đi qua 95 cụm dân thuộc địa bàn 11 xã, thị trấn tuyên truyền nội dung liên quan. Cách thức thực hiện theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” đã góp phần nâng cao nhận thức và chấp hành tốt pháp luật về bảo vệ và PCCCR nơi người dân. Vào mùa nắng nóng, hợp đồng PCCCR được ký kết tại 5 xã vùng trọng điểm có nguy cơ cao.
Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đông Giang - ông Nguyễn Hữu Sanh, quản lý bảo vệ rừng còn được triển khai bằng việc giao cho cộng đồng, hoặc đưa về tổ lực lượng chuyên trách cấp xã. Nhờ áp dụng tùy điều kiện thực tế từng địa phương, hiệu quả chuyển biến rõ rệt khi gắn trách nhiệm, đi kèm với thù lao chi trả đúng quy định.
Song song với tuyên truyền, lực lượng phối hợp của hạt kiểm lâm, ban quản lý rừng phòng hộ, khu bảo tồn cùng Công an huyện tiến hành 450 đợt tuần tra, truy quét hành vi khai thác lâm, khoáng sản trái phép. Qua đó đã phá hủy 20 lán trại, 13 máy nổ, phát hiện 1 khẩu súng tự chế, tháo gỡ 710 bẫy dây các loại.
Các ngành chức năng còn lập biên bản 22 vụ vi phạm, tạm giữ 5 máy cưa lốc, tịch thu tang vật gồm 5,181m3 gỗ các loại, thu nộp ngân sách 99,25 triệu đồng. Tại vùng giáp ranh với xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) và xã Đại Hưng (Đại Lộc), việc phối hợp tuần tra, truy quét cũng được làm thường xuyên.
Dù nỗ lực giữ rừng nhưng thực tế triển khai công tác này trên địa bàn vẫn còn gặp khó. Trước hết, việc kiểm tra, giám sát hoạt động tuần tra của các nhóm hộ nhận khoán bảo vệ rừng vẫn chưa thật sự hiệu quả. Gia tăng dân số dẫn đến tách hộ trong dân ngày càng nhiều khiến đất sản xuất bị thiếu; nhu cầu gỗ làm nhà tăng nên nếu người dân nhận thức pháp luật kém dễ rơi vào phạm pháp.
Lãnh đạo huyện thừa nhận, diện tích rừng tự nhiên lớn, địa hình phức tạp, hiểm trở, giao thông khó khăn giữa vùng giáp ranh với Nam Giang, Tây Giang, Hòa Vang (TP.Đà Nẵng), A Lưới (Thừa Thiên Huế), trong khi lực lượng quản lý, bảo vệ rừng thì mỏng, công cụ hỗ trợ thô sơ vì vậy tuần tra, kiểm soát và xử lý luôn gặp thách thức…
Để quản lý bảo vệ rừng đi vào nền nếp hơn, chính quyền huyện đã áp dụng nhiều biện pháp. Trước hết, vai trò, trách nhiệm người đứng đầu được đề cao, nhất là kiểm lâm địa bàn. Rà soát, lập phương án giao đất, giao rừng sản xuất; hoặc cho tổ chức, doanh nghiệp thuê rừng để kinh doanh du lịch, phát triển lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu dưới tán rừng theo nguyên tắc đảm bảo tất cả diện tích rừng và đất rừng phải có chủ quản lý.
Đẩy mạnh xã hội hóa, có cơ chế khuyến khích để người dân và các thành phần kinh tế cùng tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tốt hơn. Ngoài ra, huyện phối hợp với các tổ chức quốc tế, trong đó có dự án Trường Sơn Xanh thực hiện tăng cường bảo tồn hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học và hỗ trợ phát triển sinh kế cho người dân vùng đệm…