Lâm nghiệp

Phước Sơn nỗ lực giữ rừng

HỒ QUÂN - PHAN VINH 30/11/2024 10:21

(QNO) – Linh hoạt các giải pháp quản lý, bảo vệ và đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức người dân đã giúp Phước Sơn ngăn chặn hiệu quả điểm nóng phá rừng trên địa bàn.

dji_0235.jpg
Rừng đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn sạt lở ở Phước Sơn. Ảnh: Q.V

Phủ xanh lực lượng

Huyện Phước Sơn có hơn 76.000ha rừng tự nhiên và 14.000ha rừng trồng. Diện tích được chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) là hơn 47.000ha do lực lượng chuyên trách thuộc Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ huyện Phước Sơn và BQL Vườn quốc gia Sông Thanh quản lý, bảo vệ.

Ông Ung Duy Ba - Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phước Sơn thông tin, đơn vị trực tiếp quản lý, bảo vệ hơn 40.300ha rừng. Trong đó, diện tích do đơn vị này làm chủ rừng là hơn 39.100ha; diện tích UBND các xã uỷ quyền quản lý là 915ha; Vườn quốc gia Sông Thanh bàn giao 240ha. Riêng diện tích chi trả DVMTR là hơn 33.600ha.

PHUOC SON 3
Lực lượng chuyên trách tuần tra, bảo vệ rừng trong lâm phận quản lý. Ảnh: Q.V

Để quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng được giao, BQL rừng phòng hộ Phước Sơn đã hợp đồng với 125 nhân viên bảo vệ rừng chuyên trách. Nhân viên đang được bố trí công việc tại 13 chốt thuộc 7 trạm quản lý bảo vệ rừng và 1 tổ cơ động. Việc tuần tra, giám sát rừng liên tục đã giúp đơn vị này kiểm soát chặt chẽ địa bàn, kịp thời phát hiện hành vi xâm hại rừng. Đáng chú ý, vào mùa người dân phát đốt nương rẫy, BQL rừng phòng hộ Phước Sơn sẽ điều động lực lượng phối hợp với kiểm lâm địa bàn, cán bộ địa phương tuyên truyền, giám sát, nhất là “điểm nóng” từng xảy ra tình trạng phát, đốt rừng làm nương rẫy.

“Những năm qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tuần tra, theo dõi biến động rừng đã phát huy hiệu quả trong việc phủ xanh lực lượng dưới tán rừng. Đồng thời qua hình ảnh vệ tinh kịp thời phát hiện khu vực suy thoái, mất rừng” - ông Ba cho hay.

Từ đầu năm đến nay, BQL rừng phòng hộ Phước Sơn đã tổ chức 30 buổi tuyên truyền tập trung, 580 đợt tuyên truyền lưu động; tổ chức ký cam kết không vi phạm Luật Lâm nghiệp với 2.416 người. Đồng thời tổ chức 2.035 đợt tuần tra rừng, trong đó có 223 đợt tuần tra, truy quét. Qua đó, phát hiện 4 vụ việc liên quan đến xâm hại rừng xảy ra trong lâm phận và phối hợp với cơ quan chức năng xử lý kịp thời.

Diện tích còn lại của huyện gần 20.000ha giao cho cộng đồng các xã Phước Hiệp, Phước Đức, Phước Hoà, Phước Xuân, Phước Năng quản lý bảo vệ theo Nghị quyết 88 của Quốc hội. Kinh phí bảo vệ được trích từ Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Nghị quyết 22/2023 của HĐND tỉnh quy định về nội dung và mức hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên ngoài lưu vực thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2023-2025.

[VIDEO] - Phòng chống cháy rừng mùa người dân phát đốt nương rẫy là nhiệm vụ quan trọng được ngành chức năng huyện Phước Sơn tập trung thực hiện trong năm 2024:

Ông Hồ Văn Khu - Chủ tịch UBND xã Phước Năng cho biết, thực hiện theo tiểu dự án 1, dự án 3, Nghị quyết 88 của Quốc hội, từ đầu năm 2023, hai nhóm cộng đồng với khoảng 20 hộ thuộc thôn 1 và thôn 2 đang bảo vệ diện tích chỉ khoảng 12ha ở tiểu khu 677. Tuy diện tích rất nhỏ nhưng nằm rất xa địa bàn dân cư, giáp ranh với các xã lân cận, di chuyển ít nhất 3 tiếng đồng hồ khiến việc quản lý, bảo vệ rất khó khăn. Gần 2 năm qua, 2 nhóm hộ đã nâng cao ý thức trách nhiệm, thường xuyên tuần tra lâm phận quản lý. Đây cũng là sinh kế để các hộ cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống.

Giải quyết “rẫy dế” chồng lấn

Theo ông Lê Quang Trung - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, do tập quán sống dựa vào rừng, canh tác dưới tán rừng nên mỗi gia đình đồng bào Bhnong thường có nhiều rẫy. Sau một vụ canh tác, dưới dân thường bỏ hoang để phục hồi đất và sang khu vực khác để làm rẫy. Khoảng 3-4 năm sau, họ quen quay lại rẫy cũ để phát đốt, canh tác trở lại. Đồng bào Bhnong gọi đây là rẫy dế. Hoa màu trồng theo cách này phát triển tốt và được mùa.

89-4.jpg
Tập quán di canh, di cư khiến nhiều người dân vô tình xâm hại rừng. Ảnh: Q.V

Song chính tập quán này khiến người dân vô tình xâm hại rừng, khi thời gian người dân bỏ hoang, không tiếp tục canh tác, cây đã tái sinh, đủ điều kiện hình thành rừng và được đưa vào quy hoạch rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Năm 2024, BQL rừng phòng hộ Phước Sơn phát hiện 5 trường hợp thuộc các xã Phước Thành, Phước Kim và Phước Đức vào rẫy cũ (nay là lâm phận rừng phòng hộ) để phát dọn, canh tác.

Ông Ung Duy Ba cho biết, qua rà soát có hơn 100ha nương rẫy cũ, rừng trồng của người dân chồng lấn lâm phận do BQL rừng phòng hộ Phước Sơn quản lý, bảo vệ. Những hộ vi phạm đều hộ nghèo, đời sống rất khó khăn. Một vài trường hợp khi phát hiện kịp thời, đơn vị yêu cầu ký cam kết không tái phạm và bắt buộc trồng lại các loại cây bản địa để phục hồi rừng.

CAM MOC
Vườn quốc gia Sông Thanh, Ban Quản lý rừng phòng hộ Phước Sơn và cộng đồng người dân xã Phước Xuân phối hợp cắm mốc ranh giới. Ảnh: Q.V

Ngoài ra, còn xuất hiện tình trạng một số người dân còn tự ý trồng quế dưới tán rừng. Năm 2024, đơn vị rà soát, phát hiện người dân trồng quế ở 234 lô với 88,5ha trên địa bàn xã Phước Thành và đã thông báo tìm chủ sở hữu đối với diện tích này.

“Khi phát hiện tình trạng chồng lấn này, chúng tôi đã tích cực rà soát số liệu và báo cáo về UBND tỉnh, sau đó tỉnh đã tổng hợp báo cáo lên Trung ương. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 895 về phê duyệt Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, song bản đồ chi tiết vẫn chưa có. Chúng tôi đang chờ bản đồ này được công bố để xác định rõ các diện tích rừng và tiến hành cắm mốc, phân định khu vực nào là rừng phòng hộ, khu vực nào là “rẫy dế” của người dân. Trong thời gian chờ đợi, công tác tuyên truyền, vận động đang được triển khai tích cực để người dân nâng cao nhận thức, không thực hiện hành vi phát rẫy, xâm hại rừng” - ông Trung cho biết.

[VIDEO] - Ông Lê Quang Trung - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn chia sẻ về nỗ lực giữ rừng của huyện:

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phước Sơn nỗ lực giữ rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO