Nỗ lực thay đổi tư duy quản lý

NGUYÊN ĐOAN - VĂN HÀO 14/10/2020 14:14

Cải cách hành chính (CCHC) được xem như đòn bẩy cho sự phát triển. Tăng trưởng của Quảng Nam trong những năm qua bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, song CCHC chắc chắn là một nhân tố, yếu tố động lực khi góp phần giảm bớt chi phí xã hội, chi phí ngân sách, tháo gỡ khó khăn, mở ra những cơ hội cho phát triển, tạo sức hấp dẫn riêng của vùng đất đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Lãnh đạo tỉnh khai trương Trung tâm Điều hành thông minh. Ảnh: VINH ANH
Lãnh đạo tỉnh khai trương Trung tâm Điều hành thông minh. Ảnh: VINH ANH

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, năm 2019, Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh đạt 69,42 điểm, tăng 1 bậc so với năm 2018, giữ vị thứ 6/63 tỉnh, thành là thứ hạng cao nhất từ trước đến nay và là một trong số ít địa phương thuộc nhóm điều hành tốt trong 5 năm liên tiếp. Các chỉ số thành phần nổi trội phải kể đến là gia nhập thị trường, tính minh bạch, chi phí thời gian, tính năng động và thiết chế pháp lý. Kết quả này không chỉ minh chứng rõ nét cho sự nỗ lực, cố gắng vượt bậc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Nam mà còn thể hiện sinh động về sự ghi nhận, đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước về năng lực chỉ đạo, chất lượng điều hành kinh tế, CCHC, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của địa phương trong nhiều năm qua.

Giảm thời gian và chi phí

Đầu năm 2018, Trung tâm Hành chính công TP.Tam Kỳ đi vào hoạt động, tất cả thủ tục hành chính (TTHC) đưa vào thực hiện được xây dựng quy trình giải quyết đảm bảo rõ trách nhiệm, thẩm quyền và niêm yết công khai, minh bạch, được hướng dẫn đầy đủ và giải quyết nhanh gọn, không mất nhiều thời gian (giảm từ 25% - 30% so với tổng thời gian quy định của tỉnh) và chi phí. Người dân có thể truy cập tra cứu trên hệ thống phần mềm qua internet, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, công dân nắm bắt thông tin và giám sát việc giải quyết TTHC của các cơ quan liên quan. Năm 2019, Tam Kỳ nằm trong nhóm các địa phương có chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của UBND cấp huyện cao, với hơn 84%. Trong 9 tháng qua, trung tâm giao dịch với 20.655 lượt công dân, tiếp nhận 18.964 hồ sơ và đã giải quyết 17.792 hồ sơ (trong đó giải quyết nhưng trễ hẹn là 697 hồ sơ (tỷ lệ 3,92%).

Ông Bùi Ngọc Ảnh - Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ nhìn nhận, những kết quả đạt được trong CCHC là khá tích cực nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, kỳ vọng của thành phố, nguyện vọng của nhân dân, doanh nghiệp. “Tam Kỳ luôn xác định CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp quan trọng để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, thành phố không ngừng quyết tâm cải tiến, thay đổi, nhất là đổi mới phong cách, phương pháp làm việc theo tinh thần phục vụ, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo quan trọng trong CCHC” - ông Ảnh khẳng định.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khai trương Trung tâm Hành chính công tỉnh ngày 26.3.2017. Ảnh: TTHCC
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khai trương Trung tâm Hành chính công tỉnh ngày 26.3.2017. Ảnh: TTHCC

Đi vào hoạt động từ đầu năm 2017, Trung tâm Hành chính công tỉnh đã đảm nhiệm tốt sứ mệnh là đầu mối tập trung để các cơ quan, đơn vị thuộc UBND tỉnh và một số cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn bố trí công chức, viên chức đến thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn, tiếp nhận, thẩm định, giải quyết và trả kết quả giải quyết hồ sơ TTHC của cá nhân, tổ chức. Đồng thời tham gia đề xuất các giải pháp về cải cách TTHC và hiện đại hóa nền hành chính nhà nước.

Ông Đinh Văn Vũ - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Hành chính công tỉnh cho biết, hiện trung tâm thực hiện 716/1.489 TTHC mức độ 3 và 4 (đạt 48%). Qua hơn 3 năm đi vào hoạt động, bình quân mỗi năm trung tâm tiếp nhận khoảng 70 nghìn hồ sơ. Trong đó tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn năm 2017 chiếm 97,6%, 2018 chiếm 98,08%, 2019 chiếm 99% và 9 tháng đầu năm 2020 chiếm 99,7% và thực hiện nghiêm túc việc xin lỗi công khai khi để hồ sơ trễ hạn. Tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn tăng đều qua các năm phần nào minh chứng cho sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, công chức nhằm tạo đột phá trong cải cách TTHC theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” hiện đại. Nhằm tạo kênh tương tác, trung tâm đã xây dựng và vận hành tổng đài hành chính công 19001021 - địa chỉ tiếp nhận, hỗ trợ, cung cấp các thông tin liên quan đến công tác giải quyết TTHC. Hầu hết cá nhân, tổ chức đều hài lòng khi đến giao dịch - thước đo quan trọng để đánh giá chất lượng, hiệu quả của trung tâm.

“Trung tâm tiếp tục rà soát, bổ sung TTHC mức độ 3, 4 và TTHC theo quy trình 4 bước nhằm tiết giảm hơn nữa thời gian đi lại, chi phí thực hiện. Đẩy mạnh triển khai ứng dụng các giải pháp công nghệ như ứng dụng chữ ký số trong giao dịch thay thế sử dụng giấy tờ và lắp đặt bàn ký điện tử để người dân ký khi nộp hồ sơ hoặc nhận kết quả” - ông Đinh Văn Vũ nói.

Chuyển từ “quản lý” sang “phục vụ”

Có thể khẳng định, nền hành chính của tỉnh đã từng bước chuyển dịch từ “quản lý” sang “phục vụ” theo mục tiêu Nghị quyết số 03 về đẩy mạnh CCHC của Tỉnh ủy (khóa XXI) đã đề ra. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu phân tích, cải cách thể chế đi vào những trọng tâm về động lực phát triển giúp môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh chuyển biến rõ nét.

Việc rà soát TTHC được thực hiện trên tất cả lĩnh vực, trong đó tập trung vào một số lĩnh vực trọng tâm liên quan nhiều đến người dân, doanh nghiệp, như đầu tư, tài nguyên môi trường, xây dựng, tư pháp - hộ tịch, chế độ chính sách... Tất cả TTHC và TTHC liên thông được phân kỳ thời gian giải quyết, xây dựng quy trình nội bộ điện tử; TTHC (trừ các TTHC đặc thù) của các cấp chính quyền đều được đưa vào tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Hành chính công tỉnh, Trung tâm Hành chính công/Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã với cơ chế theo dõi, giám sát chặt chẽ.

Quảng Nam đã ban hành nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp như: Mô hình “3 trong 1”  khi giải quyết đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; thực hiện cấp đổi giấy phép lái xe có thể thực hiện tại bưu cục trung tâm huyện, thị xã, thành phố nơi người dân đang cư trú (chỉ mất 15 phút khai hồ sơ), kết quả giải quyết hồ sơ sẽ được chuyển đến tay người dân; đến tận nhà làm chứng minh nhân dân cho người già yếu, tàn tật; trả hồ sơ hộ tịch tại nhà... Gắn với cải cách bộ máy hành chính, các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai nhiều biện pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm tra việc chấp hành quy định của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hoạt động công vụ.

“Với những kết quả đạt được trong thời gian qua, CCHC chắc chắn là một nhiệm vụ trọng tâm cần được tiếp tục đặt ra trong giai đoạn đến. Nội dung CCHC nhà nước cần gắn với những yếu tố trụ cột của nền hành chính, đó là thể chế, tổ chức bộ máy, công vụ, công chức, hiện đại hóa hành chính và tài chính công. Tuy nhiên, những vấn đề này cần có các cách tiếp cận mới trong thiết lập định hướng, tư duy cải cách. Trong xu hướng phát triển mới, đòi hỏi phải tăng cường tính liên thông trong giải quyết TTHC, tạo ra cơ sở dữ liệu quốc gia trên các lĩnh vực, chia sẻ trong các cơ quan nhà nước để giảm thời gian giải quyết TTHC. Tăng cường lắng nghe ý kiến của người dân, doanh nghiệp về kết quả cải cách TTHC. Mức độ hiệu quả của giải quyết TTHC phải được tính trên cơ sở chi phí xã hội thực hiện TTHC thấp nhất và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp cao nhất” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nỗ lực thay đổi tư duy quản lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO