Môi trường

Nỗ lực xử lý nước thải đô thị

LÊ QUÂN 16/06/2024 08:00

Dù Quảng Nam đã ban hành “Quy định quản lý hoạt động thoát nước, xử lý nước thải trên địa bàn”, tuy nhiên, vệ sinh môi trường đô thị, đặc biệt với các giải pháp xử lý nước thải vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

dji_0674.jpg
Hồ điều hòa tại TP.Tam Kỳ góp phần làm sạch môi trường đô thị. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Hiệu suất xử lý thấp

Các chuyên gia nhận định, việc xây dựng và đưa vào vận hành các nhà máy xử lý nước thải đã cải thiện đáng kể vệ sinh môi trường ở các khu vực đô thị. Thống kê từ Chương trình Môi trường đô thị Việt Nam cho biết, các nhà máy xử lý nước thải cho các đô thị ở Việt Nam đã được bắt đầu từ năm 2004.

Hiện tại, ước tính lượng nước thải đô thị được xử lý vào khoảng 700.000 mét khối /ngày tại khoảng 40 nhà máy xử lý nước thải. Công suất cấp nước qua đường ống là 7 triệu mét khối /ngày. Như vậy, chỉ khoảng 10% nước thải sinh hoạt được xử lý phù hợp trước khi xả thải vào môi trường.

Các công nghệ xử lý được áp dụng ở cộng đồng vẫn đang gặp những trở ngại nhất định. Đơn cử như công nghệ hồ sinh học, dù quản lý vận hành đơn giản, kiểm soát được sự tăng tải đột ngột vào mùa mưa nhưng ở thời điểm nắng nóng, hiệu suất xử lý thấp và phát sinh vấn đề ô nhiễm mùi do tái ô nhiễm. Chưa kể, ở nhiều khu vực đông dân cư tại các thị xã, thị trấn, hạng mục xử lý nước thải ở địa phương vẫn còn yếu và thiếu.

Mới đây, cử tri phường Điện Dương (thị xã Điện Bàn) phản ảnh về tình trạng nước thải của các dự án du lịch, mương thoát nước đường ven biển, khu phố chợ... tại địa phương đổ ra sông Cổ Cò với khối lượng lớn, gây ảnh hưởng môi trường.

Gần hơn, cuối tháng 3 này, nhiều du khách và người dân Hội An phàn nàn về tình trạng nước thải đen ngòm trào lên mặt đường ở tuyến phố Nguyễn Phúc Chu - Nguyễn Hoàng (khối phố An Hội). Tại TP.Tam Kỳ, cứ đến mùa nắng nóng người dân lại thấy cảnh cá chết nổi lẫn các mùi hôi bốc lên ở các hồ điều hòa trong khu vực trung tâm thành phố.

Theo các chuyên gia, hầu hết hộ gia đình ở đô thị đều sử dụng công trình vệ sinh tại chỗ không được bảo dưỡng thích hợp, ví dụ như các bể tự hoại. Các công trình này chỉ xử lý một phần và làm ô nhiễm nước ngầm cũng như nước mặt. Việc tiếp tục xả nước thải sinh hoạt và công nghiệp không được xử lý hoặc chỉ được xử lý một phần là nguy cơ đối với vấn đề vệ sinh môi trường đô thị, đặc biệt là nguồn nước.

Quan trọng khâu quy hoạch

Chia sẻ từ Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng, việc thoát nước và xử lý nước thải, vệ sinh môi trường là những nội dung quan trọng trong quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị. Điều này nhằm giảm thiểu những mặt tiêu cực do chất thải phát sinh từ các hoạt động của đô thị, cũng như từ các quá trình tự nhiên, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

dsc_0094-1-.jpg
Nước thải tràn lên mặt đường hồi tháng 3 tại Hội An. Ảnh: NGUYỄN QUỲNH

“Luật Quy hoạch đô thị quy định cụ thể về thoát nước và xử lý nước thải là đối tượng, nội dung của quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị, đề ra yêu cầu đối với quy hoạch đô thị phải đáp ứng nhu cầu sử dụng hạ tầng kỹ thuật chuyên ngành thoát nước và xử lý nước thải.

Luật Xây dựng quy định rõ quy hoạch xây dựng phải ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm đầu tư xây dựng công trình theo quy hoạch, thiết kế, bảo vệ cảnh quan, môi trường phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội, đặc điểm văn hóa của từng địa phương” - nhận định từ Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng.

Tháng 1/2024, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành quy định quản lý hoạt động thoát nước, xử lý nước thải trên địa bàn tỉnh. Trong đó yêu cầu đối với khu vực đô thị, phải có hệ thống thu gom, xử lý nước thải riêng biệt với hệ thống thoát nước mưa, trừ trường hợp đặc thù do Chính phủ quy định.

Cụ thể, nước thải sinh hoạt đô thị, khu dân cư tập trung đã có hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung, phải được đấu nối với hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung.

Tại thị xã Điện Bàn, trước phản ánh của cử tri, đại diện UBND thị xã cho biết, trong quá trình xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng đô thị, địa phương rất quan tâm đến vấn đề thoát nước thải tại các dự án khu dân cư, đô thị.

Hiện tại, Điện Bàn đã có các trạm xử lý nước thải tại Điện Dương, Khu dân cư dịch vụ Cầu Hưng - Lai Nghi, cũng như các trạm xử lý nước thải tại Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, các cụm công nghiệp Trảng Nhật, An Lưu. Trong tương lai, Điện Bàn sẽ có các trạm xử lý nước thải cho từng cụm đô thị.

Đối với các địa phương ven biển phía bắc của Điện Bàn, năm 2019, UBND tỉnh phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình hệ thống thoát nước cho các dự án ven biển phía bắc thị xã Điện Bàn với tổng mức đầu tư 85,8 tỷ đồng.

Đại diện UBND thị xã Điện Bàn cho biết, địa phương này đã yêu cầu trong khi chờ hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải theo quy hoạch, các dự án dân cư đô thị, khu phố chợ đều xây dựng hệ thống xử lý cục bộ trước khi đổ ra ngoài nhằm không để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường.

Huy động các nguồn lực vào đầu tư xây dựng, quản lý vận hành hệ thống thoát nước đô thị là vấn đề quan trọng đối với yêu cầu phát triển đô thị bền vững.

Ở góc độ người dân, việc chia sẻ chi phí thông qua áp dụng giá dịch vụ thoát nước hợp lý, cũng là cách để nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân đối với câu chuyện môi trường đô thị.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nỗ lực xử lý nước thải đô thị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO