(QNO) - Trước đà tăng giá nhanh của hạt cà phê những năm gần đây, nhiều hộ nông dân bang Johor của Malaysia thay thế một phần diện tích dầu cọ sang trồng cây cà phê.
Giá hạt cà phê cao kỷ lục có thể khiến những người yêu thích thức uống cà phê trên thế giới "cau mày", nhưng chủ các trang trại cà phê ở Johor thì khấp khởi.
Ông Esham Salam (68 tuổi) sở hữu trang trại 7ha diện tích cây trồng cho biết, những năm gần đây nông dân Johor có trang trại nhỏ bắt đầu chặt bỏ cây cọ dầu và thay vào đó trồng cà phê, dừa và các loại trái cây khác.
"Khi chúng tôi bắt đầu làm việc ở đây cách đây 8 năm, hầu như không có trang trại cà phê nào dù huyện Batu Pahat của bang Johor từng được biết đến là trung tâm sản xuất cà phê trong quá khứ" - ông Esham nói.
Những nhà trồng cà phê tại địa phương thường xuyên gửi hạt cà phê đến cơ sở chế biến của ông Esham - nơi hạt cà phê thô được lên men, sấy khô và phân loại theo từng loại trước khi rang và đóng gói cho người mua.
Thị trường cà phê Malaysia dậy sóng khi thương hiệu địa phương nổi tiếng ZUS Coffee thông báo vào ngày 3/2 vừa qua rằng sẽ tăng giá 30 xu (100 xu bằng 1 ringgit) cho hầu hết loại đồ uống với lý do giá hạt cà phê arabica và ca cao tăng vọt.
Ông Loh Kah Kheng - chủ điều hành quán cà phê có tên KK Koffee tại Johor cho biết đang trả cho các nhà cung cấp khoảng 90 ringgit/kg đối với arabica nhập khẩu - tăng từ mức 70 ringgit/kg của một năm trước và trả 80 ringgit/kg đối với hạt cà phê liberica địa phương - loại hạt phổ biến nhất được trồng ở Malaysia.
Malaysia là một nhà sản xuất nhỏ với sản lượng khoảng 4.241 tấn cà phê vào năm 2020 - tương đương 0,04% sản lượng toàn cầu trong khi tổng lượng cà phê nhập khẩu là 136.250 tấn vào năm 2019, theo Viện Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp Malaysia.
Trên thực tế, người trồng cà phê cho biết giá cả toàn cầu tăng cao giúp ích cho hoạt động kinh doanh. Những người trồng cà phê Malaysia chủ yếu trồng hạt liberica vì có thể trồng ở độ cao thấp hơn và có khả năng chống chịu thời tiết ấm hơn trong khi hạt arabica được trồng ở vùng khí hậu mát hơn ở vùng cao nguyên.
Tổ chức Cà phê thế giới thống kê liberica chiếm khoảng 87% sản lượng của Malaysia vào năm 2022 trong khi robusta chiếm 10% và arabica chiếm 3%.
Malaysia là quê hương của khoảng 2.000 nhà sản xuất cà phê, chủ yếu ở Kedah, Johor và Sabah.
Chính phủ Malaysia đang thúc đẩy việc trồng cà phê ở Johor bằng cách giới thiệu một bản sao hạt giống liberica năng suất cao do các phòng nghiên cứu của Viện Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp Malaysia sản xuất vào năm 2023.
Tuy nhiên, ông Esham nhận định trồng cà phê là một cách để nông dân có thể tối đa hóa thu nhập trong suốt cả năm thay vì chỉ dựa vào việc thu hoạch một loại cây trồng duy nhất.