Nhờ tiếp cận vốn ưu đãi, tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, thú y..., người dân trên địa bàn Quảng Nam có điều kiện phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo phương thức hàng hóa, an toàn dịch bệnh.
Những kết quả nổi bật
Mô hình nuôi bò 3B của hộ ông Phạm Dũng ở thôn Bến Đền (xã Điện Quang, Điện Bàn) được xây dựng tại khu chăn nuôi tập trung, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Thời gian qua, bình quân mỗi lứa ông Dũng thả nuôi 20 con bò 3B và có 2 lao động thường xuyên chăm sóc. Để đảm bảo nguồn thức ăn cho bò, gia đình ông Dũng trồng 15 sào cỏ voi nguyên liệu và 10 sào bắp lai, kết hợp với thức ăn chăn nuôi chế biến sẵn. Trung bình mỗi năm, ông Dũng đầu tư cho mô hình chăn nuôi bò 3B hơn 500 triệu đồng. Sau khi xuất bán bò, thu nhập đạt 840 triệu đồng.
Ông Trần Quang Khải - Phó Chủ tịch UBND xã Điện Quang cho biết, tính đến thời điểm này tổng đàn bò của địa phương khoảng 5.500 con, chủ yếu sử dụng giống bò ngoại thương phẩm 3B. “Hiện nay trên địa bàn xã Điện Quang có khoảng 50 mô hình nuôi bò 3B với số lượng từ 15 - 20 con trở lên. Bình quân hằng năm, 1 con bò 3B cho lãi ròng từ 20 - 30 triệu đồng” - ông Khải chia sẻ.
Tại Quế Sơn, chăn nuôi gia súc và gia cầm theo phương thức sản xuất hàng hóa tập trung, an toàn dịch bệnh cũng phát triển khá mạnh. Tính đến tháng 7/2024, địa phương có 13.214 con trâu và bò, 41.572 con heo, 492.200 con gia cầm các loại.
Ông Hồ Ngọc Mai - chuyên viên Phòng NN&PTNT Quế Sơn cho biết, ngoài mô hình chăn nuôi gia trại với số lượng tương đối nhiều, hiện nay trên địa bàn Quế Sơn có 15 trang trại chăn nuôi bò lai, heo thịt, gà thương phẩm… quy mô vừa và nhỏ.
Tại xã Quế Long của huyện Quế Sơn đã có 4 hộ chăn nuôi gà thả vườn được Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản Vùng 3 thuộc Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) cấp giấy chứng nhận VietGAP.
Thiết thực hỗ trợ nông dân
Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn cho biết, nhờ tiếp cận nhiều kênh vốn ưu đãi và được tập huấn chuyển giao rộng rãi kỹ thuật chăn nuôi, thú y nên thời gian qua người dân trên địa bàn thị xã có điều kiện đầu tư phát triển mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm theo phương thức hàng hóa, an toàn dịch bệnh.
Hiện nay, tổng đàn gia súc của Điện Bàn ước khoảng 64.725 con, trong đó có 395 con trâu, 25.744 con bò (tăng 1.285 con so với cùng kỳ năm 2023), 38.586 con heo (tăng 13.811 con so với cùng kỳ năm trước); tổng đàn gia cầm khoảng 1.476.000 con.
“Tính đến thời điểm này, Điện Bàn có 37 trang trại chăn nuôi, gồm 24 trang trại quy mô vừa và 13 trang trại quy mô nhỏ. Trong đó, tập trung chủ yếu tại các địa phương Điện Hồng, Điện Hòa, Điện Phong, Điện Quang, Điện Dương, Điện Ngọc, Điện Nam Trung” - ông Chơi nói.
Thực hiện cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022 - 2025, các đơn vị liên quan của huyện Quế Sơn cũng đã chi hơn 675 triệu đồng hỗ trợ triển khai dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm gà thịt thương phẩm với HTX Nông nghiệp Đèo Le và HTX Nông nghiệp Lạc Sơn.
Tại hội nghị sơ kết sản xuất nông nghiệp vụ đông xuân 2023 - 2024 vừa qua, ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay, hiện nay tổng đàn gia súc của Quảng Nam đạt 556.800 con. Những năm qua phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo phương thức sản xuất hàng hóa tập trung và an toàn dịch bệnh của Quảng Nam có bước chuyển biến tích cực.
Thống kê cho thấy, tổng đàn chăn nuôi quy mô trang trại chiếm 19,5% trong tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh. Trong đó, đàn heo chiếm 21,7% (69.607 con/tổng đàn heo của tỉnh 321.300 con); tổng đàn gia cầm chiếm 20% (1.645.500 con/tổng đàn gia cầm của tỉnh 8.250.000 con).
Hiện nay toàn tỉnh có 395 trang trại chăn nuôi, gồm 12 trang trại quy mô lớn, 150 trang trại quy mô vừa, 233 trang trại quy mô nhỏ. Trong đó, tập trung chủ yếu tại các địa phương Núi Thành, Phú Ninh, Tiên Phước, Điện Bàn, Đại Lộc.