Nông nghiệp

Nông dân Quảng Nam liên kết sản xuất trên cánh đồng mẫu

NHÃ PHƯƠNG 21/06/2024 10:30

Việc liên kết giữa nông dân và các công ty về nông nghiệp sản xuất lúa giống, bắp giống trên cánh đồng mẫu góp phần nâng cao năng suất, tăng giá trị cây trồng hiệu quả.

1(1).jpg
Việc hình thành các mô hình cánh đồng mẫu giúp nông dân dễ dàng đưa cơ giới hóa vào phục vụ các khâu trong sản xuất. Ảnh: PV

Vùng trọng điểm Đại Lộc

Nhiều năm nay, thông qua HTX Nông nghiệp Đại Minh, gia đình bà Trần Thị Hương ở thôn Tây Gia (xã Đại Minh, Đại Lộc) liên kết với Công ty TNHH ThaiBinh Seed - miền Trung & Tây Nguyên sản xuất các loại hạt giống lúa thuần theo hướng hàng hóa tập trung và giá trị kinh tế đạt khá cao.

Riêng vụ đông xuân 2023 - 2024, bà Hương liên kết với doanh nghiệp trên canh tác 25 sào giống lúa thuần BC15. Sau khi thu hoạch, bà Hương bán cho công ty 9 tấn lúa giống và thu về 94,5 triệu đồng, tăng hơn 33 triệu đồng so với làm lúa thường.

Ông Ngô Văn Phi - Giám đốc HTX Nông nghiệp Đại Minh cho biết, hiện nay trên địa bàn xã có 250ha đất lúa, hầu hết diện tích đã hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa.

Chính quyền địa phương đã đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thủy lợi và hệ thống giao thông nội đồng để hình thành các cánh đồng mẫu Tây Gia, Phú Phước, Gia Huệ.

Những năm qua, HTX Nông nghiệp Đại Minh đứng ra làm trung gian để hơn 1.000 hộ nông dân ở địa phương hợp tác với Công ty TNHH ThaiBinh Seed - miền Trung & Tây Nguyên sản xuất mỗi năm khoảng 180 - 200ha hạt giống lúa thuần BC15, TBR1, TBR225 trên các cánh đồng mẫu theo phương thức doanh nghiệp bao tiêu đầu ra sản phẩm. Riêng vụ đông xuân năm nay, nông dân Đại Minh liên kết với công ty canh tác 165ha hạt giống lúa thuần các loại.

luy.jpg
Những năm qua, số lượng doanh nghiệp vào Quảng Nam liên kết với nông dân sản xuất giống lúa hàng hóa ngày càng tăng mạnh. Ảnh: PV

Ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện có tổng cộng 4.250ha đất lúa. Trong đó, khoảng 90% diện tích đã thực hiện công tác dồn điền đổi thửa, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất để hình thành cánh đồng mẫu lớn. Đại Lộc trở thành vùng trọng điểm sản xuất lúa giống của Quảng Nam với diện tích khá lớn.

Riêng vụ đông xuân vừa qua, thông qua các HTX nông nghiệp, nông dân toàn huyện liên kết với hơn 15 công ty sản xuất 1.450ha hạt giống lúa thuần và 250ha hạt giống lúa lai F1 các loại. Trong đó, thị trấn Ái Nghĩa và các xã Đại Đồng, Đại Minh, Đại Quang, Đại Nghĩa, Đại Cường, Đại Thắng là những địa phương có nhiều diện tích.

“Thực tế cho thấy, liên kết với doanh nghiệp sản xuất hạt giống lúa thuần, thu nhập của nông dân Đại Lộc tăng khoảng 25 - 30% so với gieo sạ lúa thường; còn nếu sản xuất hạt giống lúa lai F1 thì thu nhập tăng gấp 4 - 5 lần” - ông Mẫn chia sẻ.

“Đất lành” của doanh nghiệp

Nhận thấy Quảng Nam hội đủ các yếu tố thuận lợi trong sản xuất lúa giống, bắp giống nên tháng 10/2007 Tập đoàn ThaiBinh Seed quyết định thành lập Công ty TNHH ThaiBinh Seed - miền Trung & Tây Nguyên có trụ sở đóng tại Quảng Nam.

4.jpg
Liên kết với doanh nghiệp sản xuất hạt giống lúa thuần, thu nhập của nông dân tăng thêm 25 - 30% so với làm lúa thường. Ảnh: PV

Ông Triệu Tấn Phú - Giám đốc Công ty TNHH ThaiBinh Seed - miền Trung & Tây Nguyên cho biết, trong 17 năm qua, việc liên kết sản xuất lúa giống, bắp giống hàng hóa giữa đơn vị với các HTX nông nghiệp và nông dân Quảng Nam không ngừng đẩy mạnh; quy mô sản xuất liên tục được mở rộng.

Chỉ tính riêng vụ đông xuân 2023 - 2024, Công ty TNHH ThaiBinh Seed - miền Trung & Tây Nguyên liên kết với 23 HTX nông nghiệp trên địa bàn các huyện Đại Lộc, Thăng Bình, Phú Ninh tổ chức cho ít nhất 19 nghìn hộ nông dân sản xuất các loại hạt giống lúa thuần và 2 loại hạt giống bắp nếp.

“Vụ vừa rồi, ngay sau khi thu hoạch, công ty chúng tôi đã tiến hành thu mua của nông dân Quảng Nam 6.000 tấn hạt giống lúa thuần và 110 tấn bắp giống với tổng giá trị khoảng 73 tỷ đồng. Qua đó, giúp thu nhập của nhà nông tăng thêm 18 - 19 tỷ đồng so với sản xuất lúa thường và bắp thường” - ông Phú nói.

Mới đây, tại cuộc làm việc với Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết, ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NN&PTNT nhìn nhận, dấu ấn nổi bật của ngành nông nghiệp tỉnh là việc nỗ lực hình thành các mô hình cánh đồng mẫu, tích cực kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư, đẩy mạnh liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị sản phẩm.

5.jpg
Tham quan mô hình liên kết sản xuất hạt giống bắp nếp TBM18 tại xã Đại Thắng (Đại Lộc). Ảnh: PV

Ông Phạm Viết Tích cho biết, trong vụ đông xuân năm nay toàn tỉnh có 28 công ty liên kết với nhiều HTX và tổ hợp tác ở các địa phương Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình, Quế Sơn, Phú Ninh tổ chức cho nông dân sản xuất một số loại giống cây trồng chủ lực theo phương thức doanh nghiệp bao tiêu đầu ra sản phẩm.

Trong đó, diện tích sản xuất giống lúa khoảng 3.878ha (gồm 3.550ha lúa thuần và 328ha lúa lai F1), tăng 665,5ha so với cùng vụ sản xuất năm trước; diện tích sản xuất giống bắp là 53,7ha và giống đậu phụng là 40ha.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nông dân Quảng Nam liên kết sản xuất trên cánh đồng mẫu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO