Nông dân Quế Sơn tập trung phát triển kinh tế vườn

DUY THÁI - MAI LINH 27/08/2019 09:43

Những năm qua, nông dân huyện Quế Sơn nỗ lực cải tạo đất để đầu tư phát triển kinh tế vườn nhằm nâng cao nguồn thu nhập, từng bước cải thiện cuộc sống.

Vườn thanh long ruột đỏ của anh Đinh Văn Trí ở thôn Phú Cường 2 (xã Quế Cường) cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: T.L
Vườn thanh long ruột đỏ của anh Đinh Văn Trí ở thôn Phú Cường 2 (xã Quế Cường) cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: T.L

Chúng tôi đến thăm vườn thanh long ruột đỏ của gia đình anh Đinh Văn Trí ở thôn Phú Cường 2 (xã Quế Cường) đúng vào mùa thu hoạch rộ. Anh Trí cho biết, hiện thanh long ruột đỏ có giá 30 nghìn đồng/kg, tất cả đều được người dân xung quanh và công nhân ở các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn xã đặt mua.

Anh Trí kể, sau 2 năm trồng thử nghiệm, nhận thấy cây thanh long ruột đỏ phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai ở địa phương và ra trái rất nhiều nên năm 2016 anh vay 10 triệu đồng từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân của xã Quế Cường để nhân rộng mô hình trên cơ sở chuyển đổi đất trồng keo lá tràm.

Đến nay, vườn thanh long của anh có hơn 200 trụ, được trồng trên diện tích hơn 3 sào đất. Thanh long ra trái tự nhiên từ tháng 4 đến tháng 8 âm lịch. Mỗi năm vườn thanh long cho thu hoạch 4 đợt, mỗi đợt từ 6 - 7 tạ quả. Với giá bán ổn định như hiện nay thì mô hình đem lại cho gia đình anh mức thu nhập không dưới 75 triệu đồng/năm.

“Để nâng cao hiệu quả kinh tế từ mô hình thanh long ruột đỏ, tôi dự định trong thời gian đến sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng thanh long lên 500 trụ. Hiện nay, tôi đang tích cực phối hợp với Hội Nông dân xã Quế Cường đưa sản phẩm thanh long đến các hội chợ để quảng bá thương hiệu, tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Ngoài ra, tôi cũng chiết cành để bán giống và chia sẻ kinh nghiệm trồng thanh long với các hộ dân xung quanh” - anh Trí nói thêm.

Ông Lương Văn Ánh - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quế Sơn cho biết, nhờ được tiếp cận nhiều kênh vốn ưu đãi và thường xuyên được tập huấn chuyển giao các gói kỹ thuật sản xuất tiên tiến nên những năm qua nông dân trên địa bàn huyện có điều kiện khai hoang, cải tạo đất để đầu tư xây dựng mô hình kinh tế vườn.

Theo ông Ánh, từ năm 2017 đến nay Hội Nông dân huyện đã phối hợp với các ngành liên quan tổ chức 165 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 8.766 lượt cán bộ, hội viên nông dân và mở 24 lớp dạy nghề nông nghiệp với 725 người theo học. Đặc biệt, hội nông dân các cấp đã hướng dẫn gần 4.000 hộ nông dân lập hồ sơ vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với số tiền hơn 104 tỷ đồng để đầu tư phát triển.

“Hiện nay, phần lớn mô hình kinh tế vườn của huyện chủ yếu là trồng tiêu chuyên canh, rau sạch và những loại cây ăn quả như xoài, thanh long, nhãn lồng, ổi không hạt, dừa xiêm, mãng cầu, cam, bưởi da xanh... Nhờ hiệu quả kinh tế của mô hình này mang lại khá cao nên đã góp phần tăng nhanh số hộ nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi trên toàn huyện. Theo số liệu thống kê mới nhất, tính đến thời điểm này Quế Sơn có tổng cộng 5.146 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp, tăng 150 hộ so với cuối năm 2017” - ông Ánh nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nông dân Quế Sơn tập trung phát triển kinh tế vườn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO