(QNO) - Các địa phương trong tỉnh đang chạy đua với thời gian để hướng dẫn nhân dân tiếp cận cơ chế hỗ trợ từ Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh, phấn đấu trước 30/6 sẽ hoàn thành giải ngân 100% kế hoạch vốn.
Năm 2025, huyện Tiên Phước đưa ra kế hoạch hỗ trợ xây dựng gần 400 mô hình kinh tế vườn - kinh tế trang trại. Trong đó, phấn đấu xây dựng 2 trang trại với quy mô 2,5ha, hỗ trợ trồng mới 45,6ha măng cụt cho 219 chủ vườn, hơn 4ha sầu riêng cho 20 chủ vườn...
Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước Nguyễn Hùng Anh cho biết, năm 2025 có 361 hộ đăng ký hưởng cơ chế Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh (gọi tắt Nghị quyết 35). Các cơ quan hữu quan đã tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ, hiện trạng thực tế và tổ chức thẩm định.
“Hiện nay, huyện đang thẩm định các nội dung, hồ sơ, thủ tục, kinh phí liên quan đến phương án, dự án sản xuất - kinh doanh của chủ vườn, chủ trang trại. Sau đó, sẽ nghiệm thu kết quả thực hiện phương án của nhân dân và tiến hành giải ngân. Và chúng tôi đã dự toán kinh phí hơn 49,2 tỷ đồng để hỗ trợ làm các công trình cấp nước, phân bón, giống cây trồng…” - ông Nguyễn Hùng Anh nói.
Là hộ dân đã được thẩm định đạt hồ sơ về phương án sản xuất để nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 35, ông Phan Xinh (thôn 3, xã Tiên Hiệp) rất vui mừng. Vì đây sẽ là cơ hội giúp ông cải tạo 0,6ha đất trồng keo xa nhà kém hiệu quả thành một mảnh vườn thâm canh cây ăn quả.
“Gia đình đã trồng 1 ít bưởi da xanh, sầu riêng và đã xây bể chứa nước. Tuy nhiên, do không đủ kinh phí cải tạo nên đây cũng chỉ là vườn tạp, hiệu quả thấp. Tuy nhiên, từ trợ lực của Nhà nước thì mảnh vườn này sẽ trồng thêm nhiều măng cụt, bưởi da xanh và khi có được hệ thống giếng bơm thì năng suất cây trồng sẽ đạt hơn” – ông Xinh nói.
[VIDEO] - Tiên Phước là điểm sáng trong triển khai Nghị quyết 35:
Còn tại Thăng Bình việc đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại là giải pháp khuyến khích nhân dân đẩy mạnh xây dựng vùng sản xuất tập trung, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa. Trong năm 2025, địa phương này phấn đấu hỗ trợ trồng mới khoảng 10ha cây ăn quả, cây dược liệu, cây cảnh, rau màu…
Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình Nguyễn Văn Húy cho biết: "Thăng Bình sẽ tập huấn nâng cao năng lực cho chủ vườn, chủ trang trại và hỗ trợ các hộ gia đình thực hiện cải tạo, đóng giếng tưới… với kinh phí 500 triệu đồng. Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương đẩy mạnh truyền thông, thông tin các cơ chế chính sách hỗ trợ để đưa Nghị quyết 35 về cơ sở”.
Ông Nguyễn Thế Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho hay, giai đoạn này đơn vị thường xuyên theo dõi, đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đảm bảo đúng đối tượng hưởng lợi. Ngành nông nghiệp cũng đang rà soát, đánh giá tổng kết Nghị quyết 35 để có cơ sở tham mưu cơ chế, chính sách giai đoạn 2026 - 2030 phù hợp với tình hình mới.
Theo đó, sẽ nghiên cứu đề xuất xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý kinh tế vườn, kinh tế trang trại trong thời gian tới. Định hướng cho các địa phương phát triển sản phẩm từ vườn, trang trại theo hướng đặc trưng từng vùng miền và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các tiêu chuẩn sản xuất tiên tiến để tạo đầu ra cho sản phẩm theo hướng chế biến, chế biến sâu, sản phẩm OCOP và gắn kết với phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.
Đồng thời, khi thực hiện phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, các địa phương cần làm tốt công tác quản lý giống cây trồng và nguồn nước, nhất là nước ngầm...
“Mục tiêu Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh đặt ra là trước 30/6/2025 phải giải ngân 100% kinh phí được bố trí. Chúng tôi ưu tiên hỗ trợ cho những vườn chưa được cải tạo, chỉnh trang, vườn có hiệu quả kinh tế thấp và lồng ghép tốt các nguồn lực để phát huy hiệu quả nhằm tạo được vùng sản xuất tập trung, chuyên canh có quy mô lớn”
Ông Nguyễn Thế Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh