Nông nghiệp - Nông thôn

Tìm hướng gỡ khó cho kinh tế vườn

ĐÔNG YÊN (hoangdaopv@gmail.com) 14/02/2025 15:57

(QNO) - Các mô hình kinh tế vườn ở một số địa phương trong tỉnh như Núi Thành, Đại Lộc dù có hiệu quả bước đầu khả quan song vẫn còn số nơi còn nhỏ lẻ, chưa áp dụng khoa học tiên tiến vào trồng trọt dẫn đến chưa thể hình thành các vùng nguyên liệu.

Tam My tay 1
Kinh tế vườn đang giúp gia đình ông Trần Xuân Sang (ở giữa) có được thu nhập tốt hơn. Ảnh: ĐÔNG YÊN

Quy mô vườn còn nhỏ lẻ

Năm 2019, được hỗ trợ từ Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh và Nghị quyết 01 của HĐND huyện Núi Thành để đầu tư cây giống, phân bón và hệ thống nước tưới, ông Trần Xuân Sang (thôn Trung Thành, Tam Mỹ Tây, Núi Thành) trồng được 100 cây bưởi da xanh. Ngoài ra, ông Sang cũng trồng xen canh cây cau, ổi, dứa để tăng thu nhập và tận dụng trên cùng một diện tích canh tác.

Sau 5 năm trồng, 100 gốc bưởi đã cho những vụ trái bói đầu tiên giúp gia đình ông thu nhập khoảng 10 triệu đồng. Tuy chưa có lợi nhuận cao nhưng tương lai cây bưởi khi trưởng thành và cho năng suất cao hơn thì tôi tin đó là nguồn thu nhập bền vững, cao hơn so với trồng keo nguyên liệu” - ông Sang nói.

Tuy nhiên, theo ông Trần Xuân Sang khó khăn của phát triển kinh tế vườn của các hộ dân tại thôn Trung Thành là việc bao tiêu sản phẩm. Do chưa có nhiều hộ cùng trồng bưởi nên sản lượng ít, thương lái không mặn mà đến thu mua. Việc này dẫn đến chuyện người nông dân phải bán rẻ nông sản hoặc bán ở chợ.

“Chính quyền cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân thấy được lợi ích lâu dài của kinh tế vườn, cùng phát triển các giống cây chủ lực phù hợp thổ nhưỡng. Từ đó sẽ tạo được vùng trồng cây nông nghiệp lớn, thu hút thương lái thu mua tập trung hoặc các doanh nghiệp buôn bán nông sản về cùng liên kết với nông dân” - ông Trần Xuân Sang đề nghị.

[VIDEO] - Ông Trần Xuân Sang chia sẻ về hiệu quả của các chính sách hỗ trợ kinh tế vườn:

Theo UBND huyện Núi Thành, để hướng đến các vùng trồng cây nông nghiệp lâu năm, Núi Thành đang thực hiện dự án trồng cây ca cao tại các xã Tam Sơn, Tam Thạnh và Tam Trà, tổng diện tích trồng cây ca cao là 37ha cho 70 hộ dân.

Tổng kinh phí hỗ trợ thực hiện các dự án trong năm 2024 là gần 1,4 tỷ đồng và hiện nay cây ca cao được trồng trên địa bàn xã Tam Sơn phát triển xanh tốt.

Ngoài ra, địa phương này đã ban hành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhưng việc chuyển đổi còn nhỏ lẻ chưa mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.

“Diện tích đất nông nghiệp manh mún, khó hình thành vùng sản xuất tập trung, hàng hóa, xây dựng mã số vùng trồng. Quy mô nông nghiệp nhỏ lẻ khiến khó thu hút doanh nghiệp đầu tư, liên kết trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành Ngô Đức An

kinh te vuon Dai Loc
Phần lớn các vườn cây ăn quả tại Đại Lộc là vườn nhà. Ảnh: ĐÔNG YÊN

Còn tại huyện Đại Lộc, hiện nay chủ yếu phát triển các mô hình vườn cây ăn quả lâu năm. Đại Lộc phổ biến nhất là các loại cây ăn quả lâu năm như mít, bưởi, ổi dừa...

Các vườn trồng cây lâu năm chủ yếu trong giai đoạn kiến thiết ban đầu và chưa có vườn nào có tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Một số vườn cây đã cho năng suất thì chủ yếu bán sản phẩm tươi, không qua chế biến.

“Số vườn nhiều nhưng đất đai manh mún, phân tán, vườn có diện tích nhỏ không phù hợp để phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa. Trong 250 vườn thì chỉ có một số ít vườn mang lại hiệu quả tương đối nhưng chưa thực sự nổi bật, còn lại là kiểu vườn nhà” - ông Trần Việt Phương, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc cho biết.

Hướng đến vùng trồng trọt quy mô lớn

Thời gian đến huyện Núi Thành sẽ tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong đó, tập trung triển khai các đề án phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại và ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Núi Thành sẽ ưu tiên phát triển các sản phẩm nông sản chủ lực của huyện và xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm.

“Phải hướng đến việc hình thành các vùng trồng quy mô lớn thông qua việc tăng cường hoạt động khuyến nông công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp tiên tiến. Và đẩy mạnh liên doanh, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản để nâng cao giá trị nông sản, hình thành vùng nguyên liệu để hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP” - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành Ngô Đức an nói.

ktv - Tam My tay 2
Các mô hình kinh tế vườn, kinh tế trang trại là hướng đi để phát triển vùng nông thôn. Ảnh: ĐÔNG YÊN

Ông Trần Việt Phương - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc cho biết, ngoài việc số lượng vườn nhà manh mún nhiều thì nhiều chủ vườn vẫn sản xuất theo cách truyền thống, chưa chú ý áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, chưa tìm hiểu thị trường đầu ra cho sản phẩm dẫn đến năng suất, chất lượng sản phẩm làm ra chưa cao, sản phẩm làm ra có lúc khó tiêu thụ. Ngoài ra, những năm gần đây, thời tiết diễn biến ngày càng bất lợi, thiên tai, dịch bệnh thường xuyên xảy ra ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển kinh tế vườn của địa phương.

“Chúng tôi sẽ có giải pháp quy hoạch phát triển hàng hóa theo vùng có liên kết tiêu thụ dựa trên việc khai thác các tiềm năng, kinh nghiệm, nguồn lực sẵn có. Và nhất là hoàn thiện quy hoạch nông thôn để hình thành các vùng sản xuất tập trung, tạo ra khối lượng hàng hoá lớn”.

Ông Trần Việt Phương - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tìm hướng gỡ khó cho kinh tế vườn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO