Địa phương đã bàn giao nhiều vị trí mặt bằng đường dẫn cầu Văn Ly, song việc thi công khó thực hiện do không có đường tiếp cận. Đáng lo hơn, vị trí thuộc đường găng của dự án lại chưa khơi thông xong, khiến tiến độ bị ảnh hưởng.
Nỗ lực của địa phương
Cầu Văn Ly và đường dẫn được khởi công xây dựng vào ngày 16/9/2023, qua địa phận thị xã Điện Bàn và huyện Đại Lộc. Dự án có tổng chiều dài 7,78km; bao gồm cầu Văn Ly và 2 nhánh đường dẫn.
Đường dẫn nhánh N1 có chiều dài 3,65km với điểm đầu tại cuối tuyến ĐT610B (xã Điện Quang, Điện Bàn), vượt sông Thu Bồn đến điểm cuối thuộc nút giao giữa ĐT609B với ĐT609C (ngã ba Quảng Huế mới, xã Đại Hòa, Đại Lộc).
Thuộc xã Điện Hồng, nhánh N2 bắt đầu từ nút giao với nhánh N1 đến nút giao giữa ĐT609 với ĐT605 (ngã ba Cẩm Lý, Điện Bàn) có chiều dài 4,13km.
Đường dẫn qua xã Đại Hòa dài khoảng 2,8km (đất nông nghiệp chiếm 2,6km). Đường dẫn thuộc Điện Bàn gồm 2 xã Điện Quang và Điện Hồng. Trong đó, đường dẫn qua xã Điện Quang có phạm vi giải phóng mặt bằng (GPMB) dài khoảng 0,34km, chủ yếu là đất nông nghiệp; đường dẫn qua xã Điện Hồng dài khoảng 4,43km.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam (chủ đầu tư) cho biết, mặt bằng đường dẫn phía xã Điện Quang đã bàn giao cơ bản xong; còn nhà điều hành Trạm bơm Tư Phú đang làm thủ tục di dời xây dựng tại vị trí mới.
Ngoài ra, Điện Bàn bàn giao được một đoạn qua xã Điện Hồng là đất nông nghiệp, dài khoảng 1,1km. Mặt bằng đoạn còn lại dài 2km, thị xã mới phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ phần đất nông nghiệp. Chủ đầu tư đã chuyển tiền chuẩn bị chi trả cho các hộ dân.
Với diện tích GPMB bị ảnh hưởng một phần đất ở và các hộ bị ảnh giải tỏa trắng, địa phương đang kiểm đếm, chưa triển khai xét nguồn gốc đất. Để tái định cư cho hộ bị ảnh hưởng nhà ở, thị xã sẽ xây dựng khu dân cư mới Thanh An.
Đơn vị tư vấn thiết kế lập dự án nhưng giá trị kinh phí vượt tổng mức đầu tư so với chủ trương đầu tư được duyệt (tăng khoảng 30%), vì vậy phải lập điều chỉnh chủ trương đầu tư hoặc đầu tư phân kỳ giai đoạn. Thế nên, công tác GPMB chưa thể triển khai, do chưa có hồ sơ thiết kế được phê duyệt.
Tại xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc đã phê duyệt được một phương án bồi thường, hỗ trợ phần đất nông nghiệp với chiều dài bàn giao khoảng 1,85km. Mặt cắt ngang nền đường dẫn còn vướng 2 ngôi mộ nằm trong khu mộ cổ của gia tộc họ Bùi. Gia tộc đã thống nhất di dời khu mộ. Tuy nhiên, ngoài tiền bồi thường, hỗ trợ, gia tộc này đề nghị hỗ trợ kinh phí xây dựng mới và yêu cầu bố trí khu đất liền kề chỗ cũ (nằm trên phần đất tổ tiên gây dựng trước đây sát với khu mộ cũ).
Còn nhiều vướng mắc
Kỹ sư Đào Hồng Ngọc - cán bộ kỹ thuật Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương cho biết, cầu Văn Ly sắp hoàn thành. Ngược lại, giá trị xây lắp của riêng đường dẫn (kể cả cầu cạn) chiếm hơn 267 tỷ đồng, nhưng đến thời điểm này mới đạt hơn 0,5 tỷ đồng từ việc thi công đắp đường dẫn phía xã Điện Quang.
Huyện Đại Lộc GPMB được khoảng 1,85km, song nhiều vị trí còn “da beo”. Chưa kể, cuối tuyến chưa bàn giao, trong lúc đường bê tông xi măng nội vùng nhỏ hẹp, không có đường vận chuyển vào công trình.
Chủ đầu tư cho hay, các hộ dân ở xã Đại Hòa bị giải toả trắng đang được xét nguồn gốc đất, nhưng còn vướng pháp lý đất đai. Khu tái định cư xã Đại Hòa chưa triển khai xây dựng.
Địa phương còn phải chỉnh lý bản đồ đo đạc phục vụ công tác GPMB bởi vướng một phần đất thuộc xã Đại An quản lý trước đây. Tại xã Điện Hồng, thị xã dù bàn giao được 1,1km, song do đoạn cuối tuyến (nút giao ĐT609 với ĐT605) chưa GPMB được, thế nên nhà thầu không có đường tiếp cận vào công trình.
Nếu đoạn đầu tuyến được bàn giao sớm, chủ đầu tư sẽ nghiên cứu tiếp tục mượn tuyến ĐH11.ĐB để vận chuyển vật liệu, đưa máy móc vào thi công công trình.
Tư vấn giám sát trưởng của dự án, kỹ sư Bùi Huy Phú - cán bộ Trung tâm Kỹ thuật đường bộ 3 chia sẻ, điểm găng của dự án là 3 cây cầu cạn nằm trên đường dẫn qua xã Điện Hồng. Dù đã kiến nghị, đề xuất hơn 1 năm qua, nút thắt mặt bằng thuộc diện tích đất nông nghiệp vẫn chưa khơi thông xong.
Ba cây cầu nêu trên tuy là cầu nhỏ nhưng thời gian thi công lâu hơn nhiều so với đào, đắp nền đường. Chính vì vậy, nhà thầu tiếp tục mong muốn địa phương quan tâm, ưu tiên GPMB vị trí xây dựng 3 cây cầu cạn nêu trên.
Mới đây, chủ đầu tư kiến nghị cấp ủy, chính quyền thị xã Điện Bàn và huyện Đại Lộc tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, thực hiện hoàn thành công tác GPMB các mốc thời gian theo chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh.
Đi kiểm tra dự án vào ngày 7/2/2025, đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã đề nghị Ban Thường vụ Thị ủy, Huyện ủy hai địa phương cùng người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phấn đấu với quyết tâm cao nhất; bám sát kế hoạch chi tiết tiến độ công tác GPMB, bàn giao mặt bằng để chủ đầu tư thực hiện đẩy nhanh tiến độ thi công.
Vận động nhân dân đồng thuận nhận kinh phí bồi thường, hỗ trợ. Trường hợp đã áp dụng đầy đủ chính sách theo quy định, đã vận động và đối thoại nhiều lần mà vẫn chây ỳ không chịu bàn giao mặt bằng thì kiên quyết thực hiện bảo vệ thi công, hoặc cưỡng chế (nếu cần thiết).