Môi trường

Nông dân Thăng Bình giữ xanh, sạch, đẹp cảnh quan môi trường đồng ruộng

GIANG BIÊN - TRUNG THỰC 11/04/2025 10:35

Hơn 10 năm nay, mô hình dân vận khéo “Hố rác đồng ruộng” của Hội Nông dân xã Bình Phục (Thăng Bình) triển khai và duy trì tại nhiều cánh đồng, góp phần bảo vệ cảnh quan môi trường nông thôn và sức khỏe của người dân.

binh phuc 2
Các chi hội trưởng nông dân thôn là người trực tiếp thu gom rác nguy hại từ các hố bi chuyển về nơi tập kết. Ảnh: GIANG BIÊN

Ra đồng gom rác

Nhặt, gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật là công việc thường xuyên của những người trong tổ thu rác nguy hại đồng ruộng hơn 10 năm qua. Họ là chi hội trưởng nông dân ở các thôn trên địa bàn xã Bình Phục. Công việc diễn ra mỗi năm 2 lần theo chu kỳ sản xuất, nhưng mỗi lần kéo dài 3-4 ngày.

Ông Dương Minh Điệu - Chi hội trưởng nông dân thôn Bình Hiệp cho hay: “Sau khi được phân công rõ ràng, mỗi vụ mùa chúng tôi phải lo thu gom rác thải để bảo vệ môi trường không bị ô nhiễm bởi rác thải từ bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Hồi trước thu từng cánh đồng, giờ thu ở từng hố bi đặt dọc cánh đồng lúa cũng đỡ vất vả hơn”.

“Lúc mới thành lập, do là mô hình mới nên người dân chưa quen, chúng tôi phải nhặt nhạnh từng vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng vương vãi khắp nơi. Sau thời gian, bằng phương pháp mưa dầm thấm lâu, vừa tuyên truyền vừa vận động nên công việc thu gom hiện nay thuận lợi hơn nhiều” - ông Trần Ngọc Quân, Chi hội trưởng nông dân thôn Ngọc Sơn Đông nói.

bp.jpg
Nông dân Bình Phục đã thay đổi thói quen, tích cực hưởng ứng bảo vệ môi trường trong sản xuất. Ảnh: GIANG BIÊN

Cũng như nhiều nông dân khác trên địa bàn xã, sau một thời gian được tuyên truyền, ông Mai Văn Thể (thôn Ngọc Sơn Tây) đã ý thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường. Đến nay, mỗi khi dùng thuốc hóa học cho cây lúa, tất cả bao bì, chai lọ được ông thu gom bỏ vào hố rác đồng ruộng.

Ông Thể chia sẻ: “Có sẵn mấy cái hố bi cạnh đồng ruộng nên sau khi phun thuốc, bón phân cho lúa nông dân chúng tôi gom rác bỏ vào sạch sẽ, không xả ra môi trường như trước đây”.

Thiết thực bảo vệ môi trường

Bình Phục có diện tích trồng lúa hơn 270ha và có đến 80% hộ dân sống bằng nghề nông. Để canh tác hiệu quả, nông dân địa phương sử dụng rất nhiều biện pháp bảo vệ lúa và cây trồng, đặc biệt là sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Hằng năm lượng rác từ chai, lọ, vỏ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân rất lớn.

binh phục 3
Vận chuyển các hố bi bố trí thực hiện mô hình thu gom rác trên đồng ruộng. Ảnh: TRUNG THỰC

Trước thực tế đó, nhiều cuộc họp dưới sự chủ trì của Khối Dân vận Đảng ủy xã được triển khai để hiến kế, xây dựng mô hình, gắn với dân vận khéo trong công tác bảo vệ môi trường, thực hiện 19 tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới. Từ đây, mô hình “Hố rác đồng ruộng” đã ra đời.

Năm 2013 mô hình “Hố rác đồng ruộng” được Hội Chữ thập đỏ xã Bình Phục thành lập, sau đó khoảng 2 năm thì chuyển giao lại cho Hội Nông dân quản lý và duy trì bây giờ.

Ông Lê Văn Thái - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Phục chia sẻ, kế thừa và phát huy mô hình, thời gian qua, Hội Nông dân xã thường xuyên kiện toàn nhóm thu gom tại các thôn vừa tuyên truyền, vừa vận động nhân dân tham gia.

Mỗi “Hố rác đồng ruộng” được hội khảo sát, lắp đặt tại những vị trí phù hợp, dễ nhìn, dễ thấy để nông dân cùng thực hiện. Ngoài ra, các hố rác được bàn giao cho chi hội nông dân thôn quản lý, phụ trách và trực tiếp thu gom.

binh-phuc-5.jpg
Nông dân ra quân lắp đặt, tu bổ các hố rác đồng ruộng. Ảnh: GIANG BIÊN

“Hội Nông dân xã đã lắp đặt gần 60 hố rác ở khắp các cánh đồng. Ngoài kinh phí của địa phương hỗ trợ, hội tích cực kêu gọi doanh nghiệp và hội viên nông dân tham gia đóng góp để tu bổ, duy trì và mở rộng quy mô. Đến nay, nông dân đã ra quân thu gom gần 40 đợt, với khối lượng rác thải nguy hại gần 10 tấn” - ông Lê Văn Thái cho hay.

Ông Nguyễn Thanh Phong - Phó Bí thư kiêm Trưởng khối Dân vận Đảng ủy xã Bình Phục nói: ““Hố rác đồng ruộng” của Hội Nông dân xã Bình Phục đã tồn tại hơn 10 năm. Điều đó cho thấy mô hình phù hợp với địa phương, từng vùng và dễ thực hiện. Dân vận khéo là dễ vận động, dễ thực hiện và sức lan tỏa rộng được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Đây cũng là mô hình dân vận khéo được huyện công nhận trong năm 2024”.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nông dân Thăng Bình giữ xanh, sạch, đẹp cảnh quan môi trường đồng ruộng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO