Kỳ vọng nông nghiệp công nghệ cao

NGUYỄN QUANG 21/06/2021 06:42

Quảng Nam đặt nhiều kỳ vọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao để chủ động sản xuất, đáp ứng yêu cầu hội nhập về chất lượng, thị trường nông sản, qua đó nâng cao năng suất, giá trị gia tăng.

Quảng Nam cần có cơ chế hỗ trợ thiết thực để khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: NGUYỄN QUANG
Quảng Nam cần có cơ chế hỗ trợ thiết thực để khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: NGUYỄN QUANG

Triển vọng

Khu công nghiệp phục vụ nông, lâm nghiệp Tam Anh Nam (Công ty CP Ô tô Trường Hải - Thaco đầu tư ở huyện Núi Thành) có diện tích hơn 451ha, tổng vốn đầu tư hạ tầng 8.118 tỷ đồng, thực hiện nhiều chức năng nghiên cứu về giống, vật tư nông nghiệp, công nghệ sinh học, nông nghiệp hữu cơ, khép kín theo chuỗi sản xuất - thu hoạch - bảo quản - chế biến xuất khẩu...

UBND tỉnh đã chấp thuận cho Công ty CP Tập đoàn T&T thực hiện dự án Khu nông nghiệp công nghệ cao Đông Quảng Nam (xã Bình Dương, huyện Thăng Bình) với tổng mức đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng. Theo quyết định phê duyệt dự án Khu nông nghiệp công nghệ cao Đông Quảng Nam bao gồm khu dịch vụ hỗ trợ có quy mô 22,18ha, trong đó khu thu gom, sơ chế và nhà kính vườn ươm với tầng cao xây dựng trung bình là 2 tầng, quy mô 5,11ha; khu trung tâm nghiên cứu và dịch vụ tổng hợp diện tích 16,27ha; khu trang trại quy mô 175,78ha… Hiện tại, chủ dự án tiếp tục thực hiện các thủ tục, chưa công bố quy hoạch chi tiết 1/500, dự án chưa có mặt bằng để triển khai.  

Theo kế hoạch, ở khu nông nghiệp công nghệ cao này, quá trình sản xuất nông, lâm nghiệp đều được áp dụng cơ giới hóa đồng bộ và quản trị số. Ngoài ra còn có các khu chăn nuôi thực nghiệm, khu kho lạnh tập trung chuyên dụng cho trái cây, nhà máy chế biến trái cây các loại để bao tiêu sản phẩm...

Nơi đây còn là đầu mối thu hút các nhà đầu tư cung cấp nguyên liệu, chế biến sâu gỗ thông qua việc nhập khẩu và phát triển vùng trồng nguyên liệu tại miền Trung, Tây Nguyên, Lào, Campuchia. 

Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Thaco cho biết, cốt lõi hoạt động của Khu công nghiệp phục vụ nông, lâm nghiệp Tam Anh Nam là kiểm soát toàn bộ chuỗi khép kín, từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.

Doanh nghiệp dẫn dắt thị trường, liên kết với nhiều công ty, nông dân tham gia trong chuỗi liên kết, mục đích là xây dựng, từng bước nâng cao thương hiệu sản phẩm nông, lâm nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân. Nhà đầu tư kỳ vọng đưa 90% hàng hóa nông, lâm nghiệp xuất khẩu trong phân khúc thị trường cao cấp tại Trung Quốc và các nước khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.

“Chúng tôi chủ động làm thị trường, kiểm soát chất lượng để bảo đảm hàng hóa của mình đáp ứng các tiêu chí vào phân khúc thị trường cao cấp. Khẩu hiệu của chúng tôi là đột phá, nâng tầm, đưa nông, lâm sản lên tầm cao mới. Chúng tôi chú trọng đột phá về thị trường, công nghệ, quản trị, đào tạo nhân lực” - ông Trần Bá Dương nói.

Không ít những dự án nông nghiệp công nghệ cao được đầu tư lớn, tạo đà phát triển trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh như Công ty CP QNTEK, Công ty TNHH Đầu tư thủy sản công nghệ cao Nam Mỹ tại xã Bình Hải (Thăng Bình). Hay như mô hình sản xuất rau củ quả sạch theo hướng hữu cơ của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp công nghệ cao Trường Thành ở xã Tam Thành (Phú Ninh).

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đánh giá, các dự án này đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, nhất là chuyển nền nông nghiệp từ sản xuất nhỏ sang sản xuất hàng hóa gắn với chế biến sâu, nguyên liệu an toàn. Bên cạnh đó, thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai, liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với các HTX và nông dân, nâng cao dần đời sống của nông dân.

Cần tháo gỡ vướng mắc

Khu công nghiệp phục vụ nông, lâm nghiệp Tam Anh Nam hiện mới được bàn giao 66,2/451ha đất, phần lớn diện tích chưa thể giải phóng mặt bằng (GPMB). Theo chủ đầu tư, trong năm 2021, các đơn vị bồi thường, GPMB cần đẩy nhanh quá trình thực hiện các thủ tục về thu hồi đất. Địa phương cần nhanh chóng xử lý các trường hợp người dân xây dựng nhà, công trình để... chờ bồi thường.

Mô hình trồng rau hữu cơ trong nhà lưới của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Trường Thành. Ảnh: NGUYỄN QUANG
Mô hình trồng rau hữu cơ trong nhà lưới của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Trường Thành. Ảnh: NGUYỄN QUANG

Cùng với đó, huyện Núi Thành cần phối hợp với các bên liên quan thi công 3,8km còn lại của tuyến đường nối Khu công nghiệp Việt - Hàn để từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật phục vụ cấp nước, cấp điện, thông tin liên lạc...

Ông Lê Tùng Vương - thành viên sáng lập HTX Nông nghiệp công nghệ cao Trường Thành cho rằng, thách thức lớn nhất trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao là rào cản về vốn. Trong khi HTX cần nguồn vốn lớn thì vay vốn theo Nghị định 55 lại rất khó khăn.

Ông Vương phân tích, để thành lập trang trại với công nghệ hiện đại, chi phí gấp từ 4 - 5 lần so với xây dựng trang trại theo mô hình truyền thống. Đầu tư một héc ta nhà kính có đầy đủ hệ thống tưới nước, bón phân tự động hóa cần ít nhất 10 tỷ đồng... “HTX có phương án kinh doanh hiệu quả thì ngân hàng nên cho vay không thế chấp tài sản, thế chấp bằng trang trại để khơi thông thế mạnh, phát triển nông nghiệp công nghệ cao” - ông Vương nói.  

Có thể nhận diện các điểm nghẽn khác trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh là thiếu liên kết giữa doanh nghiệp với nông hộ, HTX; hạ tầng còn nhỏ lẻ; đất đai khó tích tụ, tập trung; cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư công nghệ mới, hiện đại còn chưa đi vào cuộc sống.

Bởi vậy, để thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trong thời gian tới, các cơ quan nhà nước cần quan tâm hoàn thiện chính sách, cơ chế khuyến khích, đưa các chính sách phát triển nông nghiệp công nghệ cao vào thực tiễn, phát huy tính thiết thực, tạo đà phát triển nông nghiệp bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kỳ vọng nông nghiệp công nghệ cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO