(QNO) - Trồng sen lấy hạt, nuôi cá lồng bè, ép dầu phộng... quần quật quanh năm với sông nước, ruộng vườn, anh Châu Văn Cư (SN 1977, xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) đã gầy dựng cơ ngơi ổn định bằng sự chăm chỉ, nỗ lực không mệt mỏi của mình.
Lớn lên cùng cây sen trên sông Đầm từ những năm 1990, đến khi lập gia đình, anh vẫn bền bỉ gắn bó với loài cây mang vẻ đẹp thanh khiết này. Hơn 20 năm nay, anh cùng với người dượng của mình góp công, góp sức trồng sen. Đến nay, với diện tích gần 20ha sen trên sông Đầm thì dượng cháu nhà anh có đến hơn 8ha sen hồng.
Anh Cư cho biết, trồng sen nhiều năm giúp cuộc sống gia đình anh khá giả hơn nhờ những vụ sen đầy hạt. Từ trước đến nay, gia đình anh chỉ trồng sen để thu hạt. Sen được trồng mới từ tháng Giêng, đến khoảng tháng Tư thì bắt đầu cho hạt. Thời tiết thuận lợi anh thu hạt đến khi mùa lũ về (khoảng tháng 9, 10 hàng năm).
Cứ đến mùa thu hạt, từ sáng sớm, anh chèo thuyền ra đầm sen thu hái các đài sen có hạt già. Sau 5 - 6 giờ đồng hồ lội bùn hái sen, anh có thể hái được 70 - 80kg đài sen. Sau đó được đưa về nhà và tách hạt để kịp giao cho khách hàng.
Công đoạn tách hạt sen mất khá nhiều thời gian vì làm hoàn toàn thủ công. Có những ngày hái gần 2 tạ sen, anh Cư phải nhờ thêm người giúp tách hạt cho kịp. Những đôi tay thoăn thoắt tách những hạt sen già khỏi đài sen, phải tách ngay lúc còn tươi. Hôm nào có thời gian, vợ anh còn bóc vỏ hạt sen, bán với giá cao hơn.
Anh Cư cho biết, hiện nay hạt sen tươi còn vỏ có giá 50 nghìn đồng/kg, nên với số lượng nhiều thì mỗi ngày có thể thu về từ 1 - 2 triệu đồng. Mỗi năm thu nhập từ trồng sen khoảng 200 triệu đồng/2 người.
“Không phải năm nào thời tiết cũng thuận lợi, năm nay, trận lụt trái mùa hồi tháng 2 làm hư hại toàn bộ diện tích sen trồng đầu năm. Hai dượng cháu phải trồng mới hoàn toàn, với mức chi phí hạt giống, công gieo trồng gần cả trăm triệu đồng. Phải đến tháng 6 mới bắt đầu thu hoạch vụ đầu tiên. Chưa kể năm nay năng suất không cao, hạt lép cũng nhiều nên nguồn thu từ sen giảm đáng kể” - anh Cư chia sẻ.
Tuy vậy, anh vẫn rất lạc quan: “Làm nông phụ thuộc vào thời tiết và nhiều yếu tố khác, không phải năm nào cũng cho năng suất cao. Chỉ cần cần cù, chăm chỉ, rút kinh nghiệm qua những lần hư hại thì tin rằng năm sau sẽ tốt hơn”.
Năm nay, được thành phố hỗ trợ, anh Cư dựng 3 chòi nhỏ trên sông Đầm để du khách có nơi tham quan, trải nghiệm vẻ đẹp sông nước trong Tuần du lịch trải nghiệm sông Đầm. Cùng với Tổ cộng đồng của xã, anh dùng ghe chở khách quanh sông khám phá vẻ đẹp nơi đây. Vậy là anh Cư có thêm nguồn thu từ việc đưa kháhc đi dạo trên sông Đầm hoăc bán hoa sen, đài sen cho khách chụp hình...
“Đây là hướng đi mới, nhưng người dân rất khó có thể tự làm được. Mong thành phố có sự quan tâm, hỗ trợ để vừa phát triển du lịch địa phương, vừa giúp người dân có thêm công việc, thêm thu nhập cải thiện cuộc sống” - anh Cư nói.
Không chỉ trồng sen, hiện anh có 4 lồng bè nuôi hơn 30 nghìn con cá lóc thương phẩm. Với giá 80 nghìn đồng/kg, mỗi năm anh thu hơn 100 triệu đồng từ mô hình này. Anh cho biết, diện tích hồ khá rộng, nguồn nước tự nhiên, nguồn thức ăn cũng dồi dào nên các lồng bè cá lóc phát triển khá tốt.
Cạnh đó, gia đình anh còn có nghề ép dầu phộng 20 năm nay. Vào mùa đậu, từ mờ sớm đến tối mịt, vợ chồng anh Cư quần quật với những mẻ dầu, phải gọi thêm 2 - 3 người thợ mới làm kịp. Anh kể, vào mùa là phải thức dậy từ 1 giờ sáng, bởi nhiều bà con đã mang đậu đến từ trước đó. Cứ thế làm mãi đến 8 - 9 giờ tối mới được nghỉ ngơi.
Tháng Giêng trồng sen, tháng 2 đến tháng 4 ép dầu phộng, từ tháng 4 đến tháng 8, 9 tập trung thu hoạch sen, vào mùa mưa thì làm thêm nghề cá... Cứ thế, cả năm anh chẳng có thời gian nào rãnh rỗi. Chính sự cần cù, chăm chỉ ấy đã giúp anh có được nền tảng kinh tế ổn định.
[VIDEO] - Mô hình kinh tế hiệu quả của anh Châu Văn Cư:
Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Cư còn rất quan tâm, giúp đỡ mọi người. Ai cần gì là anh sẵn sàng ngay với nụ cười vui vẻ, thường trực trên gương mặt rám nắng. Vào mùa mưa lũ, gia đình anh cũng như bà con trong xã lại sống với cảnh sông nước. Sau khi sắp xếp đồ đạc trong nhà lên cao, anh và con trai chèo ghe quanh xóm để giúp đỡ bà con vận chuyển người, tài sản đến nơi an toàn.
Năm 2016, anh đã cứu được 2 người dân khi bị lật úp ghe giữa sông. Không những thế, anh còn là gương mặt nổi bật với các hoạt động thể thao, đua thuyền của địa phương.
Ông Nguyễn Văn Mười - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Thăng cho biết, anh Châu Văn Cư là một nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tại địa phương.
“Anh Cư vừa làm kinh tế giỏi, lại luôn gần gũi, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ người khác, giúp đỡ cộng đồng, là tấm gương cần cù, vượt khó, động lực cho những nông dân khác phấn đấu, học hỏi” - ông Mười nói.