Nuôi heo cỏ theo chuỗi liên kết

ĐĂNG NGUYÊN 18/12/2022 08:14

Ở miền núi, ngoài trồng cây keo, chuối và một số dược liệu dưới tán rừng, mô hình chăn nuôi heo cỏ (heo đen địa phương) đang được xem là giải pháp hữu hiệu theo hướng “vật nuôi chủ lực” giúp người dân thoát nghèo.

Mở rộng mô hình nuôi heo cỏ được kỳ vọng sẽ giúp người dân thoát nghèo bền vững. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN
Mở rộng mô hình nuôi heo cỏ được kỳ vọng sẽ giúp người dân thoát nghèo bền vững. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

Vài năm trở lại đây, mô hình nuôi heo cỏ tập trung được triển khai tại hầu hết các huyện miền núi, từ Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang đến Phước Sơn, Bắc Trà My… theo chuỗi giá trị liên kết nhóm hộ.

Thịt heo cỏ có giá thu mua cao, nhu cầu thị trường ngày càng đa dạng..., nên mô hình nuôi heo cỏ được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội, trở thành sản phẩm đặc trưng giúp người dân miền núi giảm nghèo hiệu quả.

Ông Hồ Viết Căn - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nam Giang cho biết, từ nhu cầu thị trường về heo cỏ, những năm gần đây địa phương mở rộng mô hình chăn nuôi mới theo hướng tập trung, triển khai rộng tại các xã trên địa bàn huyện.

Bắt đầu từ xã Tà Bhing, với mô hình chăn nuôi liên kết gần 100 con heo cỏ địa phương theo chuỗi giá trị sản phẩm của Hợp tác xã Nông nghiệp A Liêng. Bằng hệ thống chuồng trại bán thả rông, mô hình chăn nuôi heo cỏ này vừa tạo nguồn thịt thương phẩm vừa bảo tồn nguồn gen giống đảm bảo chất lượng để tái đàn.

 

Theo ông Căn, huyện Nam Giang hiện có khoảng 6.500 con heo cỏ được chăn nuôi rải rác trong các hộ dân, chủ yếu để lấy thịt và bảo tồn gen giống chất lượng. Để đẩy mạnh chăn nuôi tập trung, ngăn ngừa dịch bệnh, từ nguồn ngân sách của Nhà nước về mục tiêu giảm nghèo bền vững, thời gian qua địa phương đã triển khai thí điểm quy hoạch các vùng chăn nuôi theo hướng liên kết nhóm hộ; xem đó là hướng đi mới giúp nâng cao giá bán thịt heo cỏ ra thị trường tiêu thụ.

“Hiện nay nếu bán tại chỗ thì khoảng 180 - 200 nghìn đồng/kg thịt tươi. Chúng tôi có hẳn một hợp tác xã chuyên thu mua và chế biến sản phẩm thịt heo xông khói, liên kết với các chương trình, dự án hỗ trợ đầu ra sản phẩm tại đồng bằng, giúp mô hình nuôi heo cỏ đạt hiệu quả cao nhất” - ông Căn nói.

Tín hiệu đáng mừng là những năm gần đây rất nhiều dự án hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng cũng được triển khai theo hướng trao heo cỏ giống kết hợp trồng rừng gỗ lớn. Từ định hướng mở rộng quy mô liên kết chăn nuôi theo nhóm hộ, trong tương lai, heo cỏ được kỳ vọng sẽ trở thành sản phẩm đặc trưng của miền núi xứ Quảng trong hành trình giảm nghèo bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nuôi heo cỏ theo chuỗi liên kết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO