(QNO) - Gần đây, nhiều nông dân xã Đại Nghĩa (Đại Lộc) không lại rơi vào tình cảnh khi được mùa nhưng giá cả giảm sâu, đầu ra thiếu ổn định, vắng bóng thương lái thu mua...
Bắp nếp ngọt rớt giá
Đi dọc cánh đồng hoa màu thôn Hòa Mỹ, xã Đại Nghĩa, thời điểm này, nông dân đang thu hoạch vụ bắp nếp đông xuân 2023 - 2024 và chuẩn bị làm đất để gieo trồng vụ mới. Đầu vụ, bắp nếp ngọt ở đây rớt giá thê thảm, mỗi chục (12 trái) bắp nếp tuyển lựa được thương lái thu mua tại ruộng chỉ với giá 25-30 ngìn đồng, số còn lại bán với giá thấp hơn cho con buôn chạy chợ bán tươi, nấu chín bán. Với giá thu mua từ 25-35 nghìn đồng/chục bắp nhất tại ruộng, bà con chỉ đủ trang trải tiền thuê đất, phân bón, giống, nhân công, thuốc…
Theo nông dân Hòa Mỹ, những năm trước, giá bắp nếp bán tại ruộng lên tới 50-60 nghìn đồng/chục, thậm chí 70-80 nghìn đồng/chục. Với giá bán này, nông dân có lãi ròng mỗi sào bắp nếp chừng 3 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Bà Lê Thị Mai (thôn Hòa Mỹ) chia sẻ, mọi năm trái bắp đầu ra ổn định thì thương lái tranh nhau mua tại đám dù đêm khuya hay rạng sáng, tự bẻ bắp tại đám rồi chất hết lên bao chở đi các nơi. Còn năm nay, rất ít thương lái các nơi đến mua.
“Rẻ mắc, lỗ lãi gì cũng bán để dọn đất, trồng cây khác chứ không thể để lâu được vì bắp nếp ngọt không thể để già. Đó là vụ này trồng bắp thời tiết thuận lợi, ít sâu bệnh, chứ vụ hè thu thì vì sâu bệnh, dịch hại ghê lắm, phải tưới nước nhiều đợt” - bà Mai nói.
Cạnh đó, ông Phạm Bài (trú cùng thôn Hòa Mỹ) cũng trồng 3 sào bắp nếp. So với nhiều hộ, đám bắp ông Bài trúng nhất, to trái, do trồng sau nên giá bán đỡ hơn, tầm 35 nghìn đồng/chục, nhưng giá bán đó cũng chẳng lời được bao.
“Nhà nông cứ thấp thỏm miết. Gia đình tôi trồng cả mẫu đất, hơn 3 sào bắp, hơn 3 sào đậu phụng, 3 sào dưa hấu. Cứ bỏ công sức trồng rồi bán, xoay xở qua ngày thôi” - ông Bài nói.
Ớt tươi vắng bóng thương lái
Cánh đồng Hòa Mỹ, Mỹ Thuận, Đại Phú, Phiếm Ái của xã Đại Nghĩa là vùng chuyên canh trồng cây ớt. Có thời điểm trái ớt tươi (xanh, ớt đỏ) được thu mua ồ ạt để xuất khẩu với giá tại ruộng 10-12 nghìn đồng/kg. Thời điểm này, ớt được mùa, trái trĩu cây nhưng chẳng thấy thương lái tới mua.
Bà Nguyễn Thị Chín (thôn Hòa Mỹ) nói: "Trái ớt xanh bán tại ruộng với giá 5-7 nghìn đồng/kg là nông dân vui rồi. Ớt chín đỏ bán tươi chỉ tầm 10 nghìn đồng/kg thì cũng có lãi. Chỉ cần trái ớt tươi mà chạy là coi như vụ mùa trúng rồi. Mỗi sào ớt lãi ròng cả chục triệu đồng là bình thường".
Theo nhiều nông dân, mọi năm, thời điểm này thương lái đã săn lùng thu mua ớt khắp đồng nhưng năm nay người mua ớt thưa vắng dần.
Ông Hồ Dũng (thôn Phiếm Ái 2, xã Đại Nghĩa) tâm sự: "Cả cánh đồng ớt ai nấy ngóng dài cổ cũng chẳng thấy thương lái đến thu mua, đành để chín cây. Coi như vụ này ớt xanh, ớt chín không bán được là lỗ nặng”. Không chỉ ông Dũng, mà hàng chục hộ trồng ớt của thôn Phiếm Ái cũng chưa tìm được chỗ tiêu thụ ổn định, trong khi chi phí đầu tư lớn.
Ông Trương Ớ - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Phiếm Ái 2 cho biết, dịp Tết Nguyên đán 2024 vừa qua và đầu vụ đông xuân này, nhiều loại rau quả như đậu tây, dưa leo, đậu cô ve, bắp, ớt của nông dân Phiếm Ái rớt giá nghiêm trọng. Trái đậu tây chỉ có giá bán 5-10 nghìn đồng/kg, trong khi thường là 15-30 nghìnđồng/kg. Mỗi ký dưa leo bán chợ tầm 5 nghìn đồng/kg, bán tại ruộng thì 10 nghìn đồng/3kg.
“Cây ớt là cây trồng chủ lực của vùng nhưng năm nay, 5ha ớt tươi của thôn không ai hỏi mua, giá rẻ bèo, mỗi ký ớt chín đỏ tại ruộng chỉ được bán với giá 5 nghìn đồng. Giá quá thấp, bán ớt không đủ công hái nên ai nấy bỏ mặc tại ruộng.
Nhiều loại nông sản đồng loạt rớt giá, không có đầu ra khiến nông dân gặp khó khăn. Cả cánh đồng chỉ được mỗi cây thuốc lá nâu có giá ổn định do có đầu ra. Tuy nhiên, đây là cây trồng đòi hỏi kỹ thuật, nhân công, tốn nhiều thời gian nên nông dân không mặn mà trồng” - ông Trương Ớ thông tin.
Theo ông Nguyễn Văn Vĩnh - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Nghĩa, toàn xã có tổng cộng khoảng 130ha đất sản xuất cây màu, trong đó chủ yếu cây ớt, bắp, đậu phụng, đậu xanh, thuốc lá, dưa hấu… Vụ đông xuân này, nhiều loại nông sản giá thu mua thấp, đầu ra bấp bênh, con đường xuất khẩu tiểu ngạch bị hạn chế, khâu liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn yếu. Chỉ có cây thuốc lá nâu là có đầu ra ổn định, có liên kết với công ty bao tiêu sản phẩm.