Năm 2021, huyện Nông Sơn đã huy động, bố trí ngân sách, lồng ghép nhiều nguồn lực phục vụ mục tiêu giảm nghèo bền vững. Huyện tập trung triển khai các nhóm giải pháp trọng tâm như: giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, lao động từ các tỉnh/thành về quê do ảnh hưởng của dịch Covid-19; triển khai các chương trình hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm, khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh cho thanh niên, phụ nữ và xóa nhà tạm cho hộ nghèo.
Tại xã Quế Lâm, theo ông Trần Văn Sang - Chủ tịch UBND xã, địa phương mới đạt 13/19 tiêu chí nông thôn mới và phấn đấu về đích vào năm 2024. Theo đó, công tác giảm nghèo, xóa nhà tạm, nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ hết sức nặng nề, cấp bách.
Năm 2022, toàn xã phấn đấu mỗi năm xóa 15 - 17 nhà tạm và xóa 13 - 15 hộ nghèo. Toàn xã còn 129 hộ nghèo (82 hộ bảo trợ xã hội). Qua rà soát, tỷ lệ hộ đã thoát nghèo có nguy cơ tái nghèo cao do ảnh hưởng bởi dịch và theo chuẩn nghèo mới.
Theo ông Sang, để nâng cao thu nhập cho người dân, địa phương vận động nhân dân phát triển chăn nuôi trâu bò, dê, heo đen bản địa, heo rừng lai, trồng bắp, trồng rừng gỗ lớn. Xã còn vận động các nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ bò giống, heo giống cho người dân, xây dựng các mô hình trồng cây ăn quả, khuyến khích phát triển ngành nghề truyền thống...
Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn, để giảm nghèo bền vững, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập, xóa nhà tạm cho người dân là nhiệm vụ hết sức quan trọng.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lao động tại TP.Hồ Chí Minh về địa phương rất đông. Huyện vận động lực lượng lao động này bám trụ ở quê, đồng thời kết nối với trung tâm dạy nghề, doanh nghiệp vào đầu tư, giải quyết việc làm cho họ.
Chỉ khi có việc làm ổn định, họ mới yên tâm bám trụ quê nhà. Huyện cũng phối hợp với một số đơn vị đào tạo nghề may, thu hút, kêu gọi lao động về địa phương hoặc làm việc ở địa bàn lân cận như Điện Bàn, Duy Xuyên, Quế Sơn.
“Toàn huyện còn 153 nhà tạm, địa phương cố gắng cùng Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện triển khai công tác xóa nhà tạm với chủ trương “Nhà nước hỗ trợ, nhân dân tự chủ, cộng đồng giúp đỡ” để người nghèo có những ngôi vững chắc hơn. Huyện hỗ trợ các hộ tham gia đăng ký thoát nghèo, nhân rộng các mô hình giảm nghèo thông qua hỗ trợ giống cây trồng, con vật nuôi...” - bà Thủy nói.
Thời gian qua, ngành chức năng huyện Nông Sơn cũng thông tin đầy đủ, kịp thời các chương trình, chính sách về xuất khẩu lao động tại các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, CHLB Đức… đến người lao động. Qua các đợt tư vấn việc làm, tư vấn xuất khẩu lao động, có 42 người đăng ký đi xuất khẩu lao động.
Ngoài ra, thời gian qua địa phương còn huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ người dân phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả. Năm 2021, Nông Sơn huy động 800 triệu đồng nhân rộng mô hình giảm nghèo như trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc.
Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã phối hợp hỗ trợ người nghèo vay vốn qua nhiều kênh ủy thác với tổng nguồn vốn cho vay 189 tỷ đồng, hỗ trợ 966 hộ vay vốn. Trong 9 tháng đầu năm 2021, huyện đã triển khai trợ giúp xã hội thường xuyên cho 2.813 đối tượng bảo trợ xã hội với tổng kinh phí đã chi trả gần 12 tỷ đồng...