Tín hiệu vui của nghề cá huyện Núi Thành là đã có mô hình tàu mẹ - tàu con đánh bắt hải sản và tàu thực hiện hậu cần trên biển. Tuy vậy, để phát triển bền vững, địa phương cần tạo chuỗi liên kết hải sản để tăng hiệu quả kinh tế.
Tín hiệu vui
Trên địa bàn huyện Núi Thành hiện có nhiều tàu cá hoạt động hậu cần trên biển. Các tàu cá này đi biển để bán dầu, lương thực, thực phẩm, các vật dụng thiết yếu cho ngư dân đang đánh bắt hải sản trên biển và thu mua hải sản từ các tàu cá đang đánh bắt để về bờ bán lại.
Với mô hình này, ngư dân không phải về bờ bán hải sản; mua được các vật dụng thiết yếu để phục vụ chuyến biển; bán hải sản tươi tại chỗ nên giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế thu được.
Ngư dân Đinh Văn Tân (thôn Diêm Phổ, xã Tam Anh Nam, Núi Thành - chủ tàu hậu cần QNa-91629) cho biết, mỗi chuyến hậu cần trên biển Hoàng Sa được thực hiện trong vòng 5 ngày. Ông Tân chở theo hơn 20 tấn dầu diesel, lương thực, thực phẩm... với tổng chi phí hơn 800 triệu đồng. “Tàu lớn nên tôi có thể thu mua 50 tấn hải sản về bán lại. Nghề này vất vả nhưng thu lợi tương đối khá” - ông Tân nói.
Ngư dân Phạm Xuân Lệ (thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang, Núi Thành) sở hữu 2 tàu cá hành nghề lưới vây là QNa-90315 và QNa-90578. Ông Lệ cho biết, 2 tàu cá hoạt động trên biển theo mô hình tàu mẹ - tàu con. Khi đến vùng biển Hoàng Sa, cả 2 tàu cá cùng phối hợp đánh bắt hải sản.
Sau đó, một tàu sẽ mang hải sản về bờ bán và thu mua nhu yếu phẩm cần thiết để ra biển cung ứng cho tàu còn lại và tiếp tục phối hợp khai thác hải sản… Với mô hình tàu mẹ - tàu con này, ông Lệ giảm chi phí chuyến biển, tăng năng lực khai thác hải sản.
“Vật tư, lương thực, thực phẩm, dầu ngày càng tăng giá nên tôi áp dụng tàu mẹ - tàu con để giảm chi phí chuyến biển. Nhiều năm qua tôi duy trì mô hình và thu được giá trị kinh tế cao hơn cho nghề khai thác hải sản ở vùng biển Hoàng Sa” - ông Lệ nói.
Ông Lê Văn Hiệp - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Núi Thành cho biết, ngành thủy sản địa phương rất khuyến khích ngư dân tiếp tục nhân rộng mô hình tàu mẹ - tàu con và tăng thêm tàu cá thực hiện hậu cần trên các vùng biển xa vì lợi ích, hiệu quả kinh tế mang lại rõ rệt.
Cần tạo chuỗi hải sản
Đến thời điểm này, hải sản ngư dân huyện Núi Thành khai thác được đều bán cho tư thương để đưa ra thị trường. Rất nhiều trường hợp ngư dân bị ép giá khi bán nên hiệu quả kinh tế thu được sau chuyến biển không cao.
Trên địa bàn huyện Núi Thành đến nay chưa tạo được chuỗi hải sản, tức là chưa thể kết nối chặt chẽ, thống nhất giữa hải sản sau đánh bắt với bảo quản, chế biến, kết nối thị trường, nhất là xuất khẩu. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, tạo chuỗi hải sản là xu thế tất yếu để nghề cá vươn xa, nhất là khi nước ta ký kết được nhiều hiệp định thương mại.
Con đường phát triển bền vững ngành khai thác hải sản không thể bỏ qua chuỗi hải sản. Một trong những lợi ích lớn nhất của việc liên kết chuỗi hải sản là gia tăng giá trị hàng hóa thông qua các giai đoạn sản xuất được tối ưu hóa.
Khi các khâu từ khai thác, bảo quản, chế biến đến phân phối được kết nối chặt chẽ, sản phẩm hải sản cuối cùng sẽ có chất lượng cao hơn, đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và dễ tiếp cận các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản. Áp dụng các công nghệ tiên tiến vào từng khâu nói trên sẽ giảm tỷ lệ hao hụt và đảm bảo sản phẩm luôn đạt tiêu chuẩn cao.
Điều cần thiết hiện nay là các ngư dân huyện Núi Thành cần quy tụ, hợp sức với nhau đánh bắt, bảo quản và lập công ty hoặc liên kết chế biến sâu hải sản, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Ngư dân Nguyễn Thanh Vương (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, Núi Thành) cho rằng: “Lâu nay, ngư dân chỉ chuyên chú vào mặt đánh bắt hải sản mà bỏ quên các khâu còn lại. Để thành lập công ty, đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại chế biến hải sản, ngư dân rất cần hỗ trợ, tiếp sức của các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện”.
Liên kết tạo chuỗi hải sản giúp ngư dân tối ưu hóa chi phí sản xuất nhờ vào việc cắt giảm các khâu trung gian không cần thiết, sử dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu và tận dụng tối đa lợi thế kinh tế.
Ông Ngô Đức An - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết, đây là hướng đi để phát triển nghề cá bền vững. Huyện khuyến khích và sẽ có hỗ trợ để ngư dân xây dựng chuỗi liên kết hải sản, nhất là xuất khẩu để tăng hiệu quả kinh tế thu được.