(QNO) - Vốn vay tín dụng chính sách đã trở thành trợ lực giúp người nghèo ở Núi Thành có điều kiện làm ăn, vượt qua khó khăn.
Thoát nghèo nhờ vay vốn
Căn nhà nhỏ của vợ chồng bà Lê Thị Nhâm nằm khuất sau trong ngõ nhỏ ở thôn Trung Toàn (xã Tam Quang, Núi Thành). Những năm qua, vợ chồng bà Nhâm sinh sống qua ngày bằng nghề bán bánh tráng, chạy việc thời vụ và chăn nuôi gà.
Bà Nhâm cho biết, tuy tiền lời không nhiều nhưng với người già thì cũng đủ sống qua ngày, không quá phụ thuộc vào con cái. Ở miền biển này đàn ông thường làm nghề biển, nhưng chẳng may chồng bà đau ốm triền miên suốt 10 năm qua khiến mất sức lao động.
“Cả vợ chồng đều sức khỏe kém nên gia đình mới rơi vào trường hợp hộ nghèo chứ thật lòng không ai muốn dựa vào chính sách của nhà nước. Năm 2013, UBND xã đề xuất và Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Núi Thành cho vay 25 triệu đồng để tạo điều kiện cho gia đình có vốn làm ăn. Nhờ đó mà có tiền mua gia cầm về chăn nuôi bán lấy lãi, đỡ vất vả hơn” - bà Nhâm kể.
Đến năm 2019, hoàn cảnh nhà bà Nhâm đỡ khó khăn hơn, lên mức hộ cận nghèo và để khuyến khích, tạo điều kiện thoát nghèo thì Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Núi Thành tiếp tục cho vay ưu đãi 50 triệu đồng. Những đồng vốn vay với lãi suất ưu đãi, thời gian trả dài đã giúp gia đình bà Lê Thị Nhâm mạnh dạn đầu tư chăn nuôi bò.
“Năm 2022 nhận thấy mình tuy chưa hết khó khăn nhưng được tạo điều kiện hưởng nhiều chính sách và các con đã lập gia đình ổn định nên tự nguyện xin thoát nghèo. Mừng khi thêm một lần nữa gia đình tôi được vay vốn chính sách với số tiền 50 triệu đồng để chăn nuôi bò. Số vốn này tôi mua 2 con bò giống và chăn nuôi thêm gà nữa nên cũng có được sinh kế. Rồi mỗi ngày tôi bỏ heo đất tiết kiệm 50 ngàn đồng để trả lãi vay và dự kiến tháng 2/2025 là tôi trả hết số nợ này” - bà Nhâm cho biết.
Theo lãnh đạo Ngân hàng CSXH huyện Núi Thành, chính sách tín dụng ưu đãi do ngân hàng này thực hiện là một cấu phần quan trọng góp phần đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện Núi Thành.
Trong đó tập trung ưu tiên đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang ven biển và nhất là các hộ nghèo, cận nghèo ở các khu vực. Những đồng vốn được người dân tiếp cận sớm, dễ dàng và sử dụng đúng mục đích đã trở thành đòn bẩy cho các hộ nghèo, cận nghèo sớm có sinh kế bền vững.
Sinh sống ở xã miền núi phía tây huyện Núi Thành nên cả đời gia đình bà Nguyễn Thị Tĩnh gắn chặt với những ngọn đồi. Vì vậy lâm nghiệp chính là lựa chọn duy nhất để gia đình bà Tĩnh có được nguồn thu nhập nhưng bài toán nan giải với hộ cận nghèo này chính là nguồn vốn đầu tư ban đầu vào trồng rừng.
“Nếu vay người thân vài triệu đồng thì được nhưng cần số tiền lớn đầu tư thì ở địa phương ai cũng khó nên chẳng thể cho mình mượn được. May mắn là tôi được tiếp cận vay vốn chính sách để trồng rừng với số tiền rất lớn là 90 triệu đồng vào cuối năm 2023. Nhờ đó, gia đình đã trồng được 3ha rừng keo gỗ nguyên liệu và chỉ khoảng 3 đến 5 năm nữa thôi là chúng tôi có thu nhập, thoát được cái nghèo” - bà Tĩnh nói.
Tăng nguồn cho vốn tín dụng chính sách
Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Núi Thành Lê Văn Lợi cho biết, riêng tổng dư nợ của 3 chương trình nghèo, cận nghèo và nông thôn mới là gần 227 tỷ đồng với 3.871 khách hàng có dư nợ.
Và từ đầu năm 2024 đến nay cho vay 3 chương trình này là 1.512 lượt hộ vay. Chất lượng tín dụng không ngừng được cải thiện qua các năm, đồng vốn được người vay sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả và thực hiện tốt nghĩa vụ vay trả cho Ngân hàng CSXH.
Nguồn vốn cho vay qua các năm cũng đã tạo việc làm cho gần 2.700 lao động, 1.800 em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn trang trải chi phí, tiếp tục con đường học tập.
Gần 20.000 công trình vệ sinh và nước sạch được xây mới, nâng cấp, 190 ngôi nhà được xây mới, sửa chữa từ chương trình cho vay nhà ở xã hội. Điều này đã góp phần giúp tỷ lệ hộ nghèo của Núi Thành từ 2,72% năm 2019 giảm xuống còn 1,38% năm 2024 và hộ cận nghèo từ 2,61% đến nay còn 1,03%.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Núi Thành sẽ tiếp tục tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương bổ sung nguồn vốn ngân sách địa phương để cùng với vốn Trung ương cho vay đáp ứng nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
“Làm tốt công tác bình xét cho vay, đảm bảo khách quan, công bằng và đúng đối tượng, tạo sự đồng thuận trong cộng đồng dân cư. Đảm bảo 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác đủ điều kiện vay vốn đều tiếp cận được nguồn vốn tín dụng chính sách” - ông Lê Văn Lợi nói.
Tổng dư nợ của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Núi Thành đến nay đạt hơn 691,5 tỷ đồng, tăng gần 54,5 tỷ đồng so đầu năm với 13.262 khách hàng có dư nợ. Núi Thành là đơn vị có quy mô tín dụng xếp thứ 2 trên 18 huyện, thành, thị của toàn tỉnh.