Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, ông Nguyễn Hữu Sáng - Giám đốc Sở Nội vụ cho biết chính quyền và cơ quan quản lý sẽ xác định nội dung, xây dựng kế hoạch cải thiện chỉ số PAPI phù hợp với điều kiện địa phương, đơn vị, quyết liệt triển khai, tạo chuyển biến mạnh mẽ.
- P.V: PAPI 2017 cung cấp gì về hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, thưa ông?
* Kết quả khảo sát PAPI 2017 cho thấy một bức tranh đa sắc. Mặc dù mức độ hài lòng với những gì tiếp cận được qua cổng thông tin điện tử khá cao, rất ít người tìm hiểu thông tin thủ tục hành chính qua cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương. Ở ba nhóm thủ tục hành chính PAPI đo lường (chứng thực, xác nhận, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, và thủ tục hành chính liên quan đến nhân dân), tỷ lệ sử dụng cổng thông tin điện tử chỉ khoảng dưới 10%. Khảo sát cho thấy xu thế đáng khích lệ lẫn lo ngại. Đáng chú ý là xu thế đảo chiều ở chỉ số “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” theo hướng khá hơn sau một thời gian dài trượt dốc từ năm 2013. Người dân có cảm nhận và trải nghiệm tốt hơn về hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng. Mặc dù vậy, điểm trung bình toàn quốc của chỉ số kiểm soát tham nhũng trong khu vực công vẫn thấp hơn so với mức điểm của năm 2012.
- P.V:Vì sao chỉ số trách nhiệm giải trình với người dân giảm sút?
* Nguyên nhân phải kể đến là việc thực hiện trách nhiệm giải trình của chính quyền địa phương đã khá hạn chế lại còn vấp phải thói quen hình thức, thiếu rõ ràng. Các hình thức giải trình chủ yếu hiện nay cơ bản thông qua kênh báo, đài địa phương và trang thông tin điện tử. Ở cấp cơ sở chủ yếu qua hệ thống loa phát thanh và bảng tin. Nhưng hiệu quả sử dụng các phương tiện này thấp, nội dung giải trình chưa phong phú và cách thức hoạt động thiếu khoa học, không gây được chú ý cho người dân, thậm chí hệ thống phát thanh xã, phường còn phản tác dụng.
Hầu hết cơ quan hành chính nhà nước địa phương đều có bảng niêm yết thông tin nhưng là bảng tin đính giấy theo cách truyền thống, không gian hẹp, khó khăn cho việc tiếp cận thông tin của người dân. Thậm chí, không ít văn bản giải trình còn phức tạp hóa bằng nhiều từ ngữ chuyên môn, khoa học, khó tiếp cận đối với phổ thông dân chúng. Cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, trong đó có số ít còn nặng tính “cửa quyền”, ý thức của họ là người chấp hành luật và chỉ có nhiệm vụ báo cáo với cấp trên. Khoảng cách của cán bộ, công chức đối với người dân còn khá lớn ở một số địa phương... Rõ hơn, điều chính yếu của sự sụt giảm này đó là việc tương tác giữa chính quyền địa phương và người dân còn hạn chế và không thường xuyên. Người dân dường như chưa ý thức được về quyền yêu cầu giải trình của mình cũng như chưa có nhu cầu về việc tham gia vào quản lý nhà nước.
- P.V: Làm gì để nâng chỉ số PAPI?
* Chỉ số PAPI của Quảng Nam đã cải thiện so với năm 2016. Tuy nhiên, vẫn là địa phương có nhiều chỉ số nằm trong nhóm điểm thấp nhất và trung bình thấp cả nước. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch về cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI năm 2018. Kế hoạch sẽ được triển khai đồng bộ ở các cấp chính quyền, đặc biệt ở 100% các xã, phường, thị trấn, đồng thời đề ra nhiều quy định cụ thể buộc các cơ quan, đơn vị phải áp dụng. Ðiều quan trọng, các cấp, ngành cần bám sát các tiêu chí đánh giá của chỉ số PAPI để xác định nội dung phù hợp, xây dựng kế hoạch cải thiện, nâng cao phù hợp với điều kiện địa phương, đơn vị, quyết liệt triển khai, tạo chuyển biến mạnh mẽ.
- P.V:Cảm ơn ông!
NHẬT PHONG (thực hiện)