Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp chuyển sang phương thức làm việc trực tuyến (online) và mở rộng dịch vụ công trực tuyến. Đây được coi là một trong những giải pháp trước mắt giúp hạn chế sự lây lan dịch bệnh, đồng thời đảm bảo công việc không bị ngưng trệ…
Vẫn đảm bảo công việc
Khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16 cũng là thời điểm nhiều cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn Quảng Nam bắt đầu “kích hoạt” chế độ làm việc trực tuyến, hạn chế tập trung đông nhân viên tại văn phòng, để phòng ngừa lây nhiễm Covid-19.
Là nhân viên hành chính, tổng hợp của một công ty xây dựng, hai tuần qua, thay vì phải đến công ty, chị Ngọc Liên (phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) ngồi tại nhà làm việc với chiếc máy tính xách tay. Kể từ khi thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, công ty chị Liên đã cho nhân viên làm việc tại nhà, trừ những trường hợp đặc biệt, những bộ phận buộc phải làm việc trực tiếp mới đến công ty.
“Tuy làm việc tại nhà nhưng công ty yêu cầu phải đảm bảo công việc được giao và chế độ báo cáo thường xuyên bằng email, điện thoại. Các cuộc họp cũng được “kích hoạt” chế độ họp online. Cho nên, năng suất làm việc vẫn đảm bảo” - chị Liên chia sẻ.
Trong những ngày không lên cơ quan, sau khi tự lo cà phê, điểm tâm buổi sáng tại nhà, hơn 8 giờ hàng ngày, anh Trần Minh - nhân viên Công ty Điện lực Quảng Nam (PC Quảng Nam) sử dụng máy tính xách tay và thao tác công việc được giao ngay tại nhà để xử lý thủ tục, nghiệp vụ theo chế độ hồ sơ trực tuyến. Làm việc tại nhà nhưng chế độ thực hiện vẫn như ở công ty. Sau khi tiếp nhận, xử lý hồ sơ ban đầu theo thẩm quyền, phần giải quyết công việc của anh được trình (trực tuyến) lên lãnh đạo phòng để phê duyệt.
Anh Minh cho biết, trong hai tuần làm việc ở nhà, khi có việc cần xử lý trực tiếp mới đến cơ quan. Mọi việc xử lý hồ sơ văn bản đều qua mạng nội bộ, áp dụng các công nghệ đã được công ty triển khai ứng dụng cho cán bộ, kỹ sư, nhân viên để hạn chế tiếp xúc gần, thực hiện quy định giãn cách xã hội.
Tương tự, thực hiện cách ly xã hội, Cục Thuế Quảng Nam đã yêu cầu các phòng, ban và đơn vị trực thuộc tiến hành phân công luân phiên mỗi ngày chỉ có ít nhất 30% công chức trực tại trụ sở để giải quyết các công việc phát sinh, số còn lại làm việc tại nhà thông qua ứng dụng công nghệ thông tin.
Cục Thuế tỉnh cho biết, đơn vị áp dụng làm việc trực tuyến nhưng có kiểm soát chặt chẽ đối với từng phòng, ban và cá nhân, cho nên mọi công việc được giao đều đảm bảo tiến độ đã đề ra, đồng thời giữ được sự an toàn cho người lao động. Dù cán bộ, nhân viên làm việc tại nhà nhưng mọi công việc đều trôi chảy, thông suốt.
Mở rộng dịch vụ công trực tuyến
Tính đến nay, hệ thống phần mềm “một cửa” điện tử dùng chung của tỉnh đã được sử dụng tại 20 sở, ban, ngành; 18 huyện, thị xã, thành phố và 244 xã, phường, thị trấn. Đến nay, đã có 516 dịch vụ công (DVC) trực tuyến mức độ 3 và 94 DVC trực tuyến mức độ 4 được đưa vào sử dụng, bước đầu khuyến khích, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Đặc biệt, trong thời điểm đang ứng phó những diễn biến ngày càng phức tạp của dịch Covid-19, nhiều cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều hình thức hỗ trợ người dân thực hiện các giao dịch thông qua hình thức trực tuyến khá thuận lợi.
Ông Lưu Đức Lợi - Phó Giám đốc PC Quảng Nam cho biết, thực hiện Chỉ thị 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, PC Quảng Nam đã tập trung cung cấp nhiều dịch vụ tiện ích cho khách hàng theo hình thức online từ tra cứu thông tin, đăng ký các dịch vụ điện, ký kết hợp đồng, thông báo chỉ số công tơ đến thanh toán tiền điện.
Đến nay EVN đã đưa 12 dịch vụ điện mức độ 4 kết nối Cổng DVC quốc gia, giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí; đồng thời góp phần phòng chống dịch Covid-19. PC Quảng Nam đã có gần 800 khách hàng đăng ký dịch vụ điện qua Cổng DVC quốc gia và được PC Quảng Nam cấp điện kịp thời.
Gần đây, hàng loạt hệ thống ngân hàng nhà nước và thương mại trên địa bàn của tỉnh tập trung phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử và giảm tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt; khuyến khích người dân thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, thuế, nộp phạt xử lý vi phạm hành chính, đóng bảo hiểm tự nguyện...
Mới đây, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) triển khai dịch vụ và nộp tiền gia hạn thẻ BHYT, đóng tiếp tiền BHXH tự nguyện trực tuyến đối với người tham gia và nộp BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp trực tuyến đối với đơn vị sử dụng lao động. Theo đó, các phương thức nộp tiền BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp được triển khai qua phần mềm có thể sử dụng trên thiết bị di động và trên website của Ngân hàng BIDV (đối với cá nhân và tổ chức có tài khoản tại ngân hàng BIDV), nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người dân và đơn vị sử dụng lao động khi giao dịch với cơ quan BHXH.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân, phát triển DVC trực tuyến là xu hướng chung trong tiến trình hiện đại hóa quản lý hành chính nhà nước và là một nội dung quan trọng trong công tác cải cách hành chính của Quảng Nam. Việc đẩy mạnh cung cấp DVC trực tuyến mức độ 3, 4 càng trở nên quan trọng và cấp bách, vì đây là một chỉ số đo lường quan trọng trong phát triển chính phủ điện tử. Tuy nhiên, để DVC trực tuyến phát triển, các đơn vị cần chú trọng giải pháp đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực thi nhiệm vụ cung cấp DVC công trực tuyến.