|
(QNO) - Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) do Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng, Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam thực hiện. Bao gồm 8 chỉ số lĩnh vực nội dung, 28 chỉ số nội dung thành phần và hơn 120 chỉ tiêu cụ thể về hiệu quả quản trị và hành chính công của toàn bộ 63 tỉnh/thành phố.
PAPI gồm 8 chỉ số nội dung. |
Đây là công cụ giám sát thực thi chính sách, phản ánh tiếng nói của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp; giúp các cấp chính quyền địa phương có những căn cứ điều chỉnh, cải thiện hiệu quả công tác và phục vụ nhân dân tốt hơn.
Theo kết quả khảo sát của PAPI năm 2018, chính quyền địa phương còn rất nhiều việc cần phải làm để đáp ứng kỳ vọng ngày một cao của người dân. Khoảng cách giữa điểm cao nhất cấp tỉnh (47,05 điểm) và mức điểm tối đa là 80 điểm (trên thang điểm từ 10 đến 80 điểm cho tất cả 8 chỉ số nội dung) còn rất xa.
Dữ liệu PAPI 2018 còn chỉ ra, mặc dù tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống và điều kiện kinh tế hộ gia đình có cải thiện, nhưng nhiều người dân, đặc biệt là những người có mức thu nhập thấp, vẫn còn quan ngại về đói nghèo. Người dân cũng chia sẻ suy tư về bất bình đẳng thu nhập gia tăng, ủng hộ bình đẳng giới trong bộ máy chính quyền các cấp (với đa số người dân cho rằng nam giới hay phụ nữ làm lãnh đạo, quản lý không quan trọng); đồng thời bày tỏ quan ngại về hiện trạng tham nhũng lớn và tham nhũng vặt.
Người dân cũng ủng hộ mạnh mẽ việc bảo vệ môi trường và chào đón đầu tư “sạch”, thay vì tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá. Họ kỳ vọng các thiết chế và chính sách công đảm bảo các nguyên tắc tham gia, công khai, minh bạch, giải trình, trong sạch, phục vụ và bảo vệ môi trường.
ĐĂNG KHOA