Chỉ số về hiệu quả quản trị hành chính công năm 2021 (PAPI 2021) Quảng Nam so năm 2020 giảm 1,18 điểm, rớt đến 14 bậc trên bảng xếp hạng vừa được UNDP công bố. Các cải cách đã không hiệu quả?
Giảm điểm, rớt hạng
Công bố mới đây, PAPI Quảng Nam chỉ đạt 42,1 điểm, xếp vị thứ 35/63 tỉnh, thành. So năm 2020, PAPI địa phương đã bị giảm 1,18 điểm, giảm đến 14 bậc trên bảng xếp hạng.
Theo phân tích, chỉ có 2/8 chỉ số nội dung tăng điểm là cung ứng dịch vụ công và quản trị điện tử (cung ứng dịch vụ công nằm trong nhóm đạt điểm cao nhất, quản trị điện tử thuộc nhóm đạt điểm trung bình cao).
Còn lại 6/8 chỉ số (tham gia của người dân ở cấp cơ sở, công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình với người dân, kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, thủ tục hành chính công và quản trị môi trường) đều bị giảm điểm.
Điều đáng quan ngại là trong các chỉ số bị giảm điểm có đến 5 chỉ số đạt điểm trung bình thấp và 1 chỉ số rơi vào nhóm chỉ số đạt điểm thấp nhất (thủ tục hành chính công).
“Bất kỳ sự cải thiện nào cũng là chỉ dấu cho sự phát triển của địa phương. Cải cách phải tạo ra sự minh bạch, có sự giám sát của người dân, hạn chế những kẽ hở tiêu cực, nhũng nhiễu... Những chính sách không thể thời vụ mà phải xuyên suốt trong cả quá trình phát triển. Điều quan trọng bậc nhất là những đề xuất, kiến nghị của người dân có được tiếp thu hay giải quyết hợp lý hay không? Nếu không, tất cả những cải cách chỉ mang tính hình thức, lấy điểm nhất thời... và vô nghĩa”.
(Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh)
Sau 13 năm tham dự vào “cuộc đua” xếp hạng hiệu quả quản trị và hành chính công, bản đồ cạnh tranh của Quảng Nam luôn diễn ra theo biểu đồ hình sin, trồi sụt bất thường.
Thống kê từ 2014 - 2018, PAPI của địa phương luôn ở mức thấp. Từ vị thứ 30 năm 2016 lên hạng 27 năm 2017 rồi lại rơi về vị thứ 44 năm 2018.
Các “mệnh lệnh” từ chính quyền như đưa việc thực hiện nhiệm vụ cải thiện chỉ số PAPI vào đánh giá, xếp hạng cải cách hành chính hàng năm của các sở, ngành, địa phương hay lồng ghép phù hợp việc kiểm tra thực hiện nội dung cải thiện chỉ số này vào nội dung kiểm tra cải cách hành chính... đã đưa Quảng Nam thăng hạng liên tục trong vòng 2 năm (2019 thăng 22 hạng, xếp vị thứ 22 và năm 2020 thăng 1 hạng, xếp vị thứ 21). Nhưng, năm 2021 lại giảm điểm và rớt hạng.
Kế hoạch chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) Quảng Nam thuộc nhóm 20 tỉnh đứng đầu cả nước kể từ năm 2021 đã không thể thực hiện được.
Điểm số, vị thứ vừa được công bố là những thống kê đáng thất vọng về hiệu quả quản trị và hành chính công dưới sự giám sát và đo lường của người dân. Kết quả này dễ dàng cho thấy hiệu quả điều hành, thực thi chính sách, cung ứng dịch vụ công còn quá nhiều điểm nghẽn chưa thể gỡ bỏ.
Làm sao thăng hạng, tăng điểm?
Kết quả này thực sự là một bất ngờ lớn. Chắc chắn sẽ có không ít câu hỏi đặt ra, tại sao không thiếu nghị quyết, quyết định, kế hoạch, đề án, nhưng càng cải cách lại càng “giậm chân tại chỗ hay đi thụt lùi”.
Tại sao những nỗ lực cải cách hành chính, hiện thực hóa các nghị quyết, chỉ thị, kiên trì mục tiêu một “chính quyền phục vụ” làm hài lòng người dân, hướng đến xây dựng một nền hành chính minh bạch, hiệu quả…. lại không thể phát huy tác dụng.
Có phải cơ quan công quyền chưa thực thi đúng các chỉ thị, nghị quyết và áp dụng luật pháp một cách nhất quán “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”…
Những chỉ thị, chủ trương đúng hướng, sẽ rất cần đến những con người thừa hành toàn tâm và có đủ năng lực. Nhưng năng lực thừa hành của đội ngũ cán bộ cần bao nhiêu thời gian để thay đổi và chuyển hóa một cách năng động hơn?
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường đã rất nhiều lần than phiền trong các cuộc họp cải cách hành chính (từ ban chỉ đạo cấp tỉnh đến các hội nghị) rằng cải cách hành chính chưa thành công bởi tự thua, không thắng nổi chính mình, mà cái gốc vẫn chính là năng lực thừa hành của mỗi cán bộ, công chức, viên chức đã không theo kịp đà chuyển đổi.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, hệ thống công vụ phục vụ nhân dân trên tinh thần năng động, sáng tạo, kiến tạo của đội ngũ hành chính các cấp chưa thể đáp ứng yêu cầu.
Cải cách hành chính vẫn chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến không thể đáp ứng sự hài lòng của người dân. Hạn chế, không đầy đủ hoặc hình thức về công khai, minh bạch trong việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.
Ý thức trách nhiệm, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân chưa tốt ở một số cán bộ, công, viên chức, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính một số lĩnh vực chậm...
”Sẽ phấn đấu xây dựng lại từ gốc cải cách để phát triển bền vững. Các lĩnh vực cải cách sẽ được đánh giá, đo lường một cách cụ thể với sự giám sát của cộng đồng. Sẽ hướng đến một cuộc tổng lực cải cách với sự tham gia, vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và xã hội.
Hy vọng từ sự giám sát của toàn xã hội thông qua bản đồ thể chế (“bandotheche.quangnam.gov.vn”) và sự kiện toàn năng lực của đội ngũ công bộc địa phương, cải cách sẽ tốt, hiệu quả hơn” - ông Bửu nói.