Tác phẩm, tác giả

Phạm Thế Chất và thể nghiệm thơ 1-2-3

MỘC NHÂN 19/01/2025 10:14

Sau tập thơ thứ nhất: “Tiếng gàu va trăng khuya” (NXB Hội Nhà Văn, 2020), Phạm Thế Chất trình làng tập thơ thứ hai: “Hạt sương ngủ gối cánh đồng” (NXB Đà Nẵng, 2024). Lần này là tập thơ gắn nhãn “thơ 1-2-3” như một thể nghiệm cá nhân...

z6224298692466_cf5a39712ea5741032aaabc2d84498b1.jpg

Thơ 1-2-3 được khởi xướng gần đây, có diễn đàn riêng. Đây là lối thơ ngắn gọn, chỉ có 6 câu kể cả nhan đề, chia làm ba khổ thơ. Có một lực lượng sáng tác thử thách ngòi bút của mình với lối thơ mới này, kéo theo lượng bạn đọc mới.

Điều này khiến sinh quyển thơ ca thêm phong phú. Thơ nói chung vốn đã là câu chuyện đòi hỏi sự cô đọng. Thơ 1-2-3 tiếp nối câu chuyện ấy thành một phiên bản mới - với những quy ước của nó.

Trong “Hạt sương ngủ gối cánh đồng”, Phạm Thế Chất vận dụng linh hoạt những ưu thế của thơ 1-2-3 để diễn tả các trạng thái của mình. Ưu thế ấy là tính cô đọng mà không quá ràng buộc khuôn khổ; tự do trong thể tài nhưng bố cục lại chặt chẽ: “Phía cuối xóm, hàng tre như cỏ, mặt trời hồng tròn lăn/ cánh đồng lúa được khảm vào muôn hạt sương long lanh/… em gánh ban mai tinh khôi về nhà” (Bài 10).

Mỗi bài thơ tự nó là một diễn ngôn; một chủ đề được gợi ý trong tựa ở câu đầu của bài thơ 6 câu. Điều này có vẻ đơn giản nhưng lại là thách thức khi kiến tạo kết cấu, chủ đề.

Từ việc khơi mở cảm xúc của người đọc ở câu 1, nó đưa người đọc đến không gian thi ảnh hay một trải nghiệm cảm xúc ở câu 2, 3 và cuối cùng là một lập ngôn, nỗi niềm hay triết lý: “Lối này rồi sẽ thênh thang/ Cuộc sống ngày càng muôn màu, năng động/ con đường thơ dường như chật/ yêu những con người đi trước tách lối/ song hành và mang theo bản lĩnh nghệ thuật/ Thơ 1-2-3, tôi say đắm đi cùng” (Bài 15).

Tất cả đều thúc đẩy những trường liên tưởng mở ra cả hai phía: hướng nội/ sâu lắng - hướng ngoại/ bùng nổ: “biển ngày sóng êm/ con cá gọi mãi không nghe tiếng trả lời/ ông lão ở xa (Bài 18).

Sự dồn nén, lắng đọng của thơ, suy cho cùng là để cảm xúc bùng nổ trong lòng người đọc. Ở một chừng mực nào đó, Phạm Thế Chất đã làm được điều này: “phù sa kết thúc cuộc hành trình về với ruộng/ đôi bờ xanh biếc vươn lên/ hạt sương ngủ gối cánh đồng” (Bài 25).

Với tập thơ 1-2-3 “Hạt sương ngủ gối cánh đồng” Phạm Thế Chất đã mạnh dạn đánh một tiếng chuông trữ tình cho riêng mình bằng những câu thơ dịch chuyển giữa ẩn dụ và hình ảnh cụ thể, sống động, tinh tế.

Những hàng cây, bến thuyền, trăng quê, hoa cỏ, màu sắc, đồng nội, làng quê… có đời sống riêng trong không gian, thời gian của nó, trong ký ức tác giả và tái sinh thành thơ ca khi trái tim muốn quay về cố xứ; không cần sự trang điểm cầu kỳ nào: “lặng lẽ thân cò như mưa, như nắng/ thương nhớ miết một rằm tháng Tư âm lịch/ bà không nói gì về bữa nghỉ ở nhà” (Bài 4).

Thơ 1-2-3, suy cho cùng cũng là một kiểu “tân hình thức”. Chúng ta khoác cho thơ ca chiếc áo mới trên hành trình sáng tạo. Tất nhiên, những giá trị thẩm mỹ mà nó mang lại không phải ở chiếc áo mới ấy mà là khả năng, bút lực của người nghệ sĩ.

Thơ Phạm Thế Chất khá đẹp, không sáo, trầm lắng như đất đai - như chính câu chuyện tác giả: “từng gánh hàng rong qua - lại phố/ tiếng rao hun hút hẻm gầy vọng về mùa xưa” (Bài 51). Điều này khiến tôi nhớ đến câu trích của nhà thơ người Nga, Yevgeny Yevtushenko: “Tự truyện của một nhà thơ chính là thơ ca. Mọi thứ khác chỉ là chú thích.”

Khi đọc thơ của nhau, viết cho nhau trong trạng thái chia sẻ, chúng ta hiểu tác giả không bao giờ đơn độc trên hành trình sáng tạo. Đôi khi, điều này tạo ý hướng thiết lập quan hệ giữa tác giả - thơ và người đọc. Tôi tin, mỗi tác phẩm luôn khơi mào cho những câu chuyện, khi kết thúc nó, họ lại mở ra một câu chuyện khác: “Nhìn lau triền sông trổ trắng/ yên tâm gieo những hạt vàng”.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phạm Thế Chất và thể nghiệm thơ 1-2-3
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO