(QNO) - Sáng nay 1.7, tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 4 (khóa XXII), Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh trình bày báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; định hướng một số dự án quan trọng tại vùng tây của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025.
Từ báo cáo của Tỉnh ủy có thể thấy, thời gian qua, mặc dù công tác phát triển kinh tế - xã hội miền núi được thực hiện một cách đồng bộ và đạt nhiều kết quả nổi bật, song vẫn còn một số hạn chế cần tiếp tục chú trọng, nhất là về công tác giảm nghèo. Vì thế, để miền núi có cơ hội phát triển mới, bên cạnh tập trung mọi nguồn lực, các cơ chế chính sách cũng cần được nghiên cứu phù hợp theo chiến lược đầu tư các nhóm dự án mới, trên cơ sở định hướng phát triển miền núi toàn diện trong thời gian đến với mục tiêu, quyết tâm giảm nghèo bền vững.
Tập trung nguồn lực
Trình bày báo cáo tại hội nghị, đồng chí Lê Trí Thanh nhấn mạnh, giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh tập trung nguồn vốn đầu tư khá cao cho khu vực miền núi với hơn 9.350 tỷ đồng, chiếm 36,59% tổng vốn đầu tư của toàn tỉnh. Một số chương trình trọng điểm đầu tư phát triển miền núi theo các nhóm dự án thực hiện Nghị quyết số 05 của Tỉnh ủy, thông qua việc sắp xếp bố trí dân cư và phát triển sản xuất đã góp phần tích cực cải thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, từng bước thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo, đảm bảo an ninh - quốc phòng…
Thực tế, sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 05, bằng sự nỗ lực của hệ thống chính trị, kinh tế - xã hội khu vực miền núi đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Trong đó, nổi bật là công tác quy hoạch, bố trí và sắp xếp dân cư, đảm bảo ổn định cuộc sống người dân trong điều kiện thiên tai, bão lũ liên tục hoành hành. Đến cuối năm 2020, miền núi đã sắp xếp, di dời chỗ ở cho hơn 6.900 hộ dân khỏi vùng thiên tai, nguy cơ sạt lở, rừng phòng hộ… đến nơi ở mới an toàn với tổng kinh phí 385 tỷ đồng.
Các chính sách đầu tư cho miền núi cũng được tập trung vào các lĩnh vực phát triển kinh tế; hạ tầng cơ sở; các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; trồng rừng gỗ lớn; phát triển du lịch… Như chính sách giảm nghèo bền vững, trong 5 năm qua đã huy động nguồn vốn hơn 1.616 tỷ đồng để thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo cho miền núi.
Trong đó, riêng chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững của tỉnh gần 193 tỷ đồng giúp hỗ trợ cho 8.566 hộ nghèo và 4.860 hộ cận nghèo. Nhờ vậy, đời sống người dân được cải thiện rõ nét, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi. Đến cuối năm 2020, miền núi còn 15.357 hộ nghèo, tỷ lệ 18,09% (giảm 22,76% so với cuối năm 2015).
Cơ hội cho miền núi
Xác định phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là nhiệm vụ quan trọng, những năm qua, từ nguồn ngân sách phân bổ theo Nghị quyết 05, các địa phương miền núi đã tập trung đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở, xây dựng các nhóm dự án động lực về phát triển kinh tế, sắp xếp ổn định dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới… Đây được xem là chiến lược “tổng lực”, mở ra cơ hội để miền núi phát triển, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Theo báo cáo của Tỉnh ủy, thời gian qua, ngoài đầu tư phát triển kinh tế, ngân sách của tỉnh đã hỗ trợ miền núi trong tổ chức thực hiện việc rà soát quy hoạch các điểm dân cư, vùng phân bố dân cư thưa thớt, thiếu đất sản xuất, nước sinh hoạt và nguy cơ cao về thiên tai để sắp xếp dân cư ổn định, phù hợp với tình hình thực tiễn gắn với xây dựng nông thôn mới. Đến cuối năm 2020, khu vực miền núi có 29/94 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 100% so với Nghị quyết 05 đề ra.
Ngoài ra, từ việc lồng ghép, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn từ các chương trình, dự án đã giúp đồng bộ hóa hạ tầng cơ sở, từng bước phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề gắn với du lịch tại các địa phương. Trên cơ sở nâng cao hiệu quả kinh tế rừng trồng, các dự án đầu tư phát triển dược liệu, trồng rừng gỗ lớn... cũng dần phát huy giá trị, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân miền núi trên hành trình giảm nghèo bền vững.
“Để tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh, trong giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030, bên cạnh tập trung thực hiện tốt các nhóm dự án bảo vệ, phát triển rừng và bảo tồn đa dạng sinh học, cần tiếp tục thực hiện tốt sắp xếp dân cư, ổn định chỗ ở phòng tránh thiên tai và biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế rừng, dược liệu, lâm sản ngoài gỗ; phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, sản phảm OCOP gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Đồng thời phát triển các khu du lịch, nghỉ dưỡng chất lượng cao và phát triển kết cấu hạ tầng trọng điểm về giao thông, thủy lợi, công nghệ thông tin...” - đồng chí Lê Trí Thanh nhấn mạnh.