Không có nhiều di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia như các địa phương lân cận, nhưng TP.Đà Nẵng đã đưa được các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống tiếp cận công chúng, phát triển du lịch.
Bằng nhiều cách làm sáng tạo, các loại hình nghệ thuật biểu diễn tại TP.Đà Nẵng thời gian gần đây đã gây ấn tượng trong lòng du khách.
Liên tục làm mới sản phẩm
Suốt 2 năm nay, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã đưa rất nhiều tiết mục tuồng phục vụ du khách quốc tế, nằm trong chương trình biểu diễn nghệ thuật “Con đường di sản”, tại nhà ga T2 sân bay Đà Nẵng. Dư âm về một thành phố biển hiếu khách được nhân lên, khi họ được chứng kiến những trích đoạn tuồng đặc sắc - nghệ thuật truyền thống của Việt Nam.
Nguyên Giám đốc Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh - NSƯT Trần Ngọc Tuấn, cho biết chương trình “đưa tuồng vào sân bay” có thời gian biểu diễn khoảng 30 phút (vào thứ 5 và thứ 7 hàng tuần).
Theo ông Tuấn, quảng bá tuồng ở sân bay rất hiệu quả, tạo được ấn tượng tốt đối với du khách quốc tế, các hãng thông tấn nước ngoài... Các khách sạn ở Đà Nẵng cũng đã kết nối với nhà hát để đưa tuồng vào khách sạn diễn cho du khách xem.
Để có được những sản phẩm tạo hiệu ứng tốt, từ gần 10 năm trước, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã quảng bá di sản văn hóa phi vật thể này thông qua chương trình “đưa tuồng xuống phố”.
Sau đêm thí điểm (12/7/2015), đến nay, chương trình đã biểu diễn ổn định vào các tối Chủ nhật tại bờ đông cầu Sông Hàn (từ tháng 4 đến hết tháng 9) với 13 trích đoạn tuồng súc tích, dễ hiểu như: “Đổi hồn Đát Kỷ”, “Nhị khí Chu Du”, “Lỗ Lâm đề cờ”…
Cùng “xuống phố”, di sản bài chòi được tổ chức ở bờ đông cầu Rồng vào mỗi dịp cuối tuần đã trở thành sản phẩm văn hóa đặc trưng, thu hút đông đảo du khách tham gia.
Nỗ lực tự thân của các cá nhân, tổ chức là chủ thể thực hành di sản đã góp phần làm nên sức sống cho các loại hình văn hóa phi vật thể. Đơn cử, sau khi được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2019, nghệ nhân làng mắm Nam Ô (quận Liên Chiểu) - anh Bùi Thanh Phú (chủ thương hiệu nước mắm Hương Làng Cổ) đã có nhiều sáng tạo quảng bá và phân phối sản phẩm.
Năm 2016, anh Phú mở cơ sở làm mắm để giữ nghề sau đó kết hợp với các tour du lịch đón khách đến tham quan, trải nghiệm. “Tôi thấy nhiều du khách thích thú với nước mắm nên nảy ra ý tưởng đưa nước mắm vào chai nhỏ 60ml để dễ dàng mang theo”, anh Phú kể: “Mới đây, tôi cho ra đời bột mắm để làm nên những tách cà phê mắm được du khách yêu thích”.
Tăng tính kết nối điểm đến
Một hành trình mới, chắp cánh để thương hiệu mắm Nam Ô phát triển mạnh hơn, từ đề án “Bảo tồn làng nghề nước mắm Nam Ô gắn với phát triển du lịch TP.Đà Nẵng” đã triển khai trong 3 năm qua. Những kết quả khả quan từ đề án mở ra cơ hội để làng nghề bước chân vào ngành “công nghiệp không khói”.
Bí thư Quận ủy Liên Chiểu Nguyễn Hà Bắc cho biết, địa phương đã đề nghị Sở Du lịch TP.Đà Nẵng đẩy nhanh tiến độ hình thành điểm du lịch, mô hình du lịch homestay nhằm thu hút du khách đến tham quan, du lịch gắn với làng nghề nước mắm Nam Ô. Quận cũng đề nghị Sở KH-CN TP.Đà Nẵng tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn công tác quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Nam Ô” cho sản phẩm nước mắm.
Phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể gắn với du lịch, đưa chúng trở thành những sản phẩm du lịch được công chúng đón nhận, Đà Nẵng đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ bảo tồn các loại hình nghệ thuật biểu diễn này.
Ở cấp thành phố, kế hoạch triển khai các hoạt động văn hóa - lễ hội hai bên bờ sông Hàn được thực hiện gần 10 năm qua. Đây được xem là “hành lang” quan trọng để đưa những di sản như tuồng, bài chòi… ra trình diễn. Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh còn có hẳn đề án nâng cao hiệu quả hoạt động, trong đó xác định ngoài chức năng nhiệm vụ chính là bảo tồn, phát huy nghệ thuật tuồng còn phải tạo sản phẩm để phục vụ nhân dân và du khách; tự chủ một phần về kinh phí hoạt động.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.Đà Nẵng Cao Trí Dũng đánh giá, du khách nước ngoài, đặc biệt nguồn khách châu Âu, Úc, Mỹ… rất thích tìm hiểu văn hóa bản địa. Bởi vậy, 7 di sản phi vật thể cấp quốc gia (bài chòi, tuồng xứ Quảng, nghề đá Non Nước Ngũ Hành Sơn, nghề làm nước mắm Nam Ô, lễ hội cầu ngư, lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn, nghề làm bánh tráng Túy Loan) là vốn quý để Đà Nẵng kết hợp với các điểm đến xây dựng thành sản phẩm du lịch đặc trưng.
Đà Nẵng tính toán hình thành tuyến du lịch đường sông đưa khách tham quan, trải nghiệm tại làng nghề bánh tráng Túy Loan, kết hợp tham quan đình làng, nhà cổ, trải nghiệm làng rau La Hường, ăn mỳ Quảng, nghe hô hát bài chòi… Hoặc, làng nghề nước mắm Nam Ô kết hợp với tuyến tham quan di tích Hải Vân quan mới hoàn thành trùng tu.
“Di sản phi vật thể dưới góc độ văn hóa rất giá trị nhưng để khai thác được cho du lịch cần sự chung tay của nhiều bên. Trong đó, nhất thiết phải có sự đầu tư của nhà nước, phối hợp của cộng đồng dân cư để các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư nhằm tạo ra tuyến sản phẩm bền vững, giúp kéo dài ngày lưu trú, đa dạng nguồn khách… “ - ông Dũng nói.
Đây có lẽ sẽ là kênh tham vấn quan trọng để Quảng Nam đẩy mạnh việc đưa các giá trị văn hóa phi vật thể trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút du khách.