Phát triển kinh tế 2024: Phải nỗ lực trên mức bình thường

TRỊNH DŨNG 05/01/2024 08:00

Chỉ tiêu tăng trưởng GRDP năm 2024 từ 7,5 - 8% sẽ không dễ thực hiện. Theo Cục thống kê Quảng Nam, kịch bản thuận lợi nhất, cũng chỉ tăng trưởng từ 6 - 7%.

Gia tăng thi công xây dựng, giải ngân vốn đầu tư công là động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế địa phương năm 2024.
Gia tăng thi công xây dựng, giải ngân vốn đầu tư công là động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế địa phương năm 2024.

Ba kịch bản tăng trưởng

Cục Thống kê Quảng Nam đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2024. Kịch bản bất lợi nhất là tăng trưởng kinh tế vẫn giảm nhẹ từ 3 - 5% so với năm 2023. Nếu thuận lợi sẽ tăng từ 6 - 7% và kịch bản cơ sở, tăng trưởng sẽ đạt mức từ 2 - 3%.

Cơ quan này nhận định kịch bản đầu tiên ít khả năng xảy ra, kịch bản thứ hai rất khó để thực hiện. Khả thi nhất vẫn là kịch bản thứ ba (kịch bản cơ sở), dự báo tăng trưởng kinh tế địa phương sẽ tăng trưởng dương trở lại. Tuy nhiên, mức tăng trưởng sẽ yếu.

Theo Cục trưởng Cục Thống kê Lê Quý Đạt, kinh tế Việt Nam không thể tránh được những tác động từ tình hình khó khăn của kinh tế thế giới. Quảng Nam không ngoại lệ. Kịch bản tăng trưởng khả dĩ, xác thực nhất của nền kinh tế địa phương là kịch bản cơ sở, chỉ tăng khoảng từ 2 - 3%.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh: “Càng khó khăn, càng phải năng động, linh hoạt, quyết liệt”

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, để đạt chỉ tiêu GRDP tăng từ 7,5 - 8% thì phải nỗ lực trên mức bình thường.

Với mong muốn, quyết tâm sẽ thực hiện cho bằng được kế hoạch tăng trưởng kinh tế 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu các sở, ngành, địa phương xây dựng chương trình công tác, kế hoạch triển khai cụ thể.

Củng cố lại bộ máy nhân sự, động viên, khích lệ cán bộ nỗ lực vượt khó, xốc lại tinh thần làm việc, làm cho bộ máy hoạt động nhịp nhàng.

Tháo gỡ khó khăn, giải phóng nguồn lực cho cộng đồng doanh nghiệp, giải ngân vốn đầu tư công phải được ưu tiên hàng đầu.

Càng khó, càng thách thức cần phải linh hoạt, năng động, quyết liệt tháo gỡ khó khăn, lấy lại niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp, cùng nhau vượt khó để tạo năng lực kinh tế, đóng góp ngân sách, tạo việc làm...

Nếu không có phương pháp hay quyết liệt (kể cả việc siết chặt kỷ luật ngân sách, từ đầu tư công đến chi thường xuyên) ngay từ đầu năm thì khả năng sẽ không đạt được mục tiêu.

Cục Thống kê dự báo kinh tế quý I/2024 chỉ có thể tăng nhẹ 0,9%. Nông - lâm - thủy sản duy trì mức tăng trưởng ổn định (3,8%), du lịch - dịch vụ tăng 3,5%.

Tuy nhiên, công nghiệp - xây dựng vẫn còn khó khăn trong tiếp cận vốn. Các doanh nghiệp chế biến, chế tạo thiếu đơn hàng và giải ngân đầu tư công đầu năm sẽ chưa cao. Ước tăng trưởng khu vực này giảm 1,8%.

Chiều hướng tăng trưởng kinh tế sẽ thay đổi từ quý II/2024 (tăng 3%), lên 3,8% vào quý III/2024. Dự báo kế hoạch giải ngân vốn đầu tư thời gian này sẽ tác động đến phục hồi tăng trưởng ở một số ngành như thép, vật liệu xây dựng, cơ khí, xây dựng...

Nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn tiếp tục triển khai đồng bộ, sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng xúc tiến, quảng bá góp phần duy trì tăng trưởng khu vực du lịch, dịch vụ, sẽ tăng cao dịp hè, thúc đẩy doanh thu gia tăng.

Tăng trưởng mạnh nhất sẽ diễn ra vào quý IV/2024 (tăng 4%). Khu vực nông - lâm - thủy sản sẽ tăng 4%, du lịch - dịch vụ tăng 4,7%. Khu vực công nghiệp – xây dựng sẽ đạt mức tăng trưởng 3,2%.

Cục Thống kê nhận định, càng về cuối năm 2024, sản xuất công nghiệp càng được cải thiện, phục hồi tích cực. Các gói hỗ trợ kinh tế cũng như các dự án đầu tư công dần phát huy hiệu quả...

Ông Lê Quý Đạt - Cục trưởng Cục Thống kê nói không có dự án lớn ở lĩnh vực công nghiệp nào đi vào hoạt động. Không nhiều động lực kích cầu. Thương mại, đầu tư toàn cầu tiếp tục suy giảm. Doanh nghiệp vẫn còn khó, nhất là ngành chủ lực như dệt may, da giày, gỗ...

Xu hướng điện hóa ô tô tăng mạnh, cạnh tranh trực tiếp với dòng ô tô truyền thống, đặt ra không ít thách thức cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô. Thị trường bất động sản, thị trường vốn đang gặp khó khăn, ảnh hưởng đến việc duy trì nguồn thu ngân sách cũng như thanh khoản cho các hoạt động kinh tế.

Dịch bệnh, biển đổi khí hậu, thiên tai... diễn biến phức tạp, khó lường. Khó khăn nội tại của nền kinh tế vẫn kéo dài sang năm 2024. Trong ngắn hạn, không thể có được động lực để đẩy tốc độ GRDP tăng trưởng mạnh.

Động lực từ đầu tư công

Ông Đặng Phong - Giám đốc Sở Tài chính nói chưa có giải pháp thực sự hữu hiệu để vực dậy sự khả quan của nền kinh tế. Cần xúc tiến đầu tư, bù đắp vào giá trị tăng thêm của nền kinh tế đang bị ảnh hưởng và tăng chi đầu tư để vực dậy tăng trưởng.

Du lịch dịch vụ sẽ phục hồi mạnh mẽ năm 2024, kéo theo tăng trưởng của các ngành kinh tế khác.
Du lịch dịch vụ sẽ phục hồi mạnh mẽ năm 2024, kéo theo tăng trưởng của các ngành kinh tế khác.

Đầu tư công được xem là động lực tăng trưởng chính, dẫn dắt thu hút tối đa các nguồn lực. Tổng vốn đầu công năm 2024 sẽ rất lớn (kể cả vốn kéo dài từ 2023 chuyển sang). Chính quyền đã phân bổ trên 90% kế hoạch vốn. Chỉ cần tung tiền ra, giải ngân hết vốn cho các công trình, dự án thì có thể thúc đẩy tăng trưởng. Nhưng điều này không dễ.

Ông Nguyễn Hưng - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT cho rằng ngay từ bây giờ phải hoàn tất các thủ tục đầu tư. Vốn cấp về địa phương phải được phân bổ chi tiết trước ngày 31/3 thì mới có thể tiêu hết tiền được.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn nói các sở, ngành, địa phương cần rút kinh nghiệm năm 2023. Từ nay đến cuối năm âm lịch, hoàn thành các thủ tục hồ sơ, phân bổ nguồn vốn, xác định danh mục để sau đó ra Tết âm lịch tiến hành lựa chọn nhà thầu ngay, tiến hành thi công xây dựng công trình. Ông Tuấn khuyến cáo các địa phương không lựa chọn những dự án khó đưa vốn đến, nhất là giải phóng mặt bằng không được.

“Không lấy đá ghè chân mình. Từng chương trình, dự án đều phải có kế hoạch triển khai cụ thể, xác định thời gian, lộ trình, trách nhiệm theo nhu cầu nguồn lực. Nếu không thì 2024 sẽ không thể xài hết vốn. Lấy gì tạo động lực tăng trưởng kinh tế?” - ông Tuấn nhấn mạnh.

Cục Thống kê chỉ ra nhiều điểm tựa, động lực mang đến tăng trưởng dương của địa phương. Đó là nỗ lực cải cách hành chính mạnh mẽ của địa phương sẽ giúp khai thông nguồn vốn ngân sách, thu hút đầu tư xã hội.

Đầu tư công là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khi các dự án trọng điểm hoàn thành, đi vào vận hành. Mặt bằng lãi suất cho vay giảm, các gói tín dụng hỗ trợ (miễn giảm gia hạn thuế phí, tiền sử dụng đất...) sẽ hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Sản xuất nông lâm thủy sản tiếp đà tăng trưởng ổn định, đóng vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế khi tăng cường áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tăng năng suất, sản lượng cây trồng và tận dụng cơ hội các FTA xuất khẩu hàng nông sản.

Việc tăng lương cơ sở sẽ tạo nên sức cầu lớn, kích thích tăng trưởng, kích cầu tiêu dùng. Phát triển du lịch mạnh mẽ sẽ thúc đẩy, lan tỏa đến các ngành, lĩnh vực kinh tế khác, nhất là lưu trú, ăn uống, vận tải, kho bãi...

Kế hoạch sản xuất ô tô của Trường Hải sẽ khả quan. Tập đoàn này đang hợp tác với các đối tác để nghiên cứu các sản phẩm ô tô năng lượng mới, nhằm cung cấp các sản phẩm thông minh, xanh, sạch cho thị trường trong nước, hướng đến xuất khẩu...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát triển kinh tế 2024: Phải nỗ lực trên mức bình thường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO