Nông nghiệp

Phát triển kinh tế tập thể thích ứng thị trường

HOÀNG ĐẠO - MINH KHÔI - VIỆT NGUYỄN - MỸ LINH 21/07/2024 07:24

Từ ngày 1/7/2024, Luật Hợp tác xã 2023 chính thức có hiệu lực, góp phần tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng cho các hợp tác xã, tổ hợp tác, liên hiệp hợp tác xã phát triển. Liệu các mô hình kinh tế tập thể này ở Quảng Nam có vượt qua được những rào cản từ các quy định cũ và bắt nhịp thích ứng thị trường từ cơ chế mới?

htx-duy-loi.jpg
Nhân lực chất lượng để đáp ứng theo tình hình mới của thị trường và hoạt động đúng theo Luật HTX 2023 có hiệu lực. Ảnh: H.Đ

Hợp tác xã nông nghiệp - đụng đâu cũng khó

Hàng loạt vấn đề về công tác quản lý hợp tác xã (HTX), chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể... tại Quảng Nam được ghi nhận từ các HTX trên địa bàn.

Theo Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam, tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 624 HTX và 1 liên hiệp HTX đang hoạt động, bao gồm 398 HTX nông nghiệp, chiếm 63,8%; 34 HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, chiếm 5,4%; 132 HTX thương mại - dịch vụ, chiếm 21%; 3 quỹ tín dụng nhân dân, chiếm 0,5% và 58 HTX khác, chiếm 9,3%.

Khó trăm bề

“Mặc dù nhà nước có rất nhiều chính sách hỗ trợ đối với HTX, tuy nhiên nhiều HTX ngại tiếp cận vì thủ tục quá rườm rà, phức tạp. Theo quy định thì HTX nào hưởng được cơ chế này không được cơ chế khác, trong khi nhu cầu của HTX rất nhiều, vì vậy nên ưu tiên hỗ trợ và tạo điều kiện cho HTX có yêu cầu chính đáng bằng nhiều nguồn vốn khác nhau” - đại diện HTX nông nghiệp Điện Hồng 2 (thị xã Điện Bàn) nêu.

Nhiều HTX đã vượt qua giai đoạn khó khăn do suy thoái kinh tế sau đại dịch COVID-19. Ảnh: H.Đ
Nhiều HTX đã vượt qua giai đoạn khó khăn do suy thoái kinh tế sau đại dịch COVID-19. Ảnh: H.Đ

Nguồn vốn vay cùng các thủ tục phức tạp đẩy nhiều HTX vào thế khó... tiếp cận. Chưa kể, các HTX nông nghiệp gặp phải câu chuyện về giá dịch vụ công ích thủy lợi vẫn đứng im, trong khi giá điện đã tăng gần gấp đôi.

“Đề nghị Nhà nước hỗ trợ giá sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi cho HTX nông nghiệp theo Nghị định số 67/2012/ NĐ - CP ngày 10/9/2012 của Chính phủ. Hỗ trợ giá sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi của Nhà nước hơn 10 năm qua không thay đổi nhưng giá điện EVN tăng gần gấp đôi, gây khó khăn cho HTX có tưới tiêu bằng động cơ điện” - kiến nghị từ HTX Nông nghiệp Duy Thành (huyện Duy Xuyên).

Các vấn đề liên quan đến chính sách đất đai cũng là vướng mắc của rất nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn. Từ câu chuyện HTX thành lập năm 1978 đến nay, diện tích trụ sở làm việc, nhà kho chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như HTX Nông nghiệp Điện Thọ 2 (thị xã Điện Bàn) cho đến việc khó thuê đất khi mở rộng nhà xưởng ở các HTX khác...

Rắc rối thay đổi mô hình

Thành lập từ năm 1977, HTX nông nghiệp Duy Phước là mô hình kinh tế tập thể đầu tiên của tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng trước đây. Thời hoàng kim, HTX có hơn 4.000 thành viên hoạt động trên nhiều lĩnh vực mang về tổng doanh thu gần 7 tỷ đồng, lãi ròng hơn 60 triệu đồng/năm. Thế nhưng, sau thời gian, nhiều ngành không còn phù hợp trong khu dân cư, phải tái cơ cấu. Đến nay, HTX này chỉ còn hoạt động ở các mảng dịch vụ nông nghiệp, sản xuất lúa giống, dịch vụ thủy lợi với gần 700ha lúa, màu.

Thay đổi mô hình hoạt động là điều các HTX nông nghiệp cần phải thực hiện. Ảnh: Đ.Đ
Thay đổi mô hình hoạt động là điều các HTX nông nghiệp cần phải thực hiện. Ảnh: Đ.Đ

Năm vừa qua, HTX nông nghiệp Duy Phước doanh thu chỉ còn khoảng 3 tỷ đồng, trong đó có 1 tỷ đồng từ nguồn tiền cấp bù thủy lợi phí, lãi ròng 30 triệu đồng. Dù tài sản hơn 22 tỷ đồng nhưng chủ yếu do nhà nước đầu tư, đến nay đã cũ kỹ, xuống cấp trầm trọng.

Ông Lê Trung Nam - Giám đốc HTX Duy Phước chia sẻ, từ HTX “kiểu cũ” chuyển sang theo Luật 2012, số tài sản của HTX này thuộc về nhà nước nên không thể thế chấp để vay vốn.

“Hiện chúng tôi có quản lý 4 trạm bơm nhưng khoản cấp bù thủy lợi phí giữ nguyên đơn giá từ năm 2010 đến nay trong khi giá điện đã tăng gấp đôi. Càng làm càng lỗ, HTX phải dùng các nguồn kinh doanh khác hoặc thậm chí giảm lương để bù vào phần lỗ này” - ông Lê Trung Nam nói.

Ưu đãi về thuế cũng là điều các HTX nông nghiệp ưu tư. “Đối với những HTX nông nghiệp được chuyển đổi mô hình từ HTX kiểu cũ sang Luật HTX 2012 còn gặp rất nhiều khó khăn. Các dịch vụ nông nghiệp phần lớn chịu tác động của thời tiết, rủi ro cao và mang tính chất phục vụ là chính, hoạch toán có năm phải chịu lỗ, vì vậy có dịch vụ này phải gánh bù các khoản chi phí cho dịch vụ khác, nhưng cuối năm các dịch vụ chịu thuế vẫn phải thực hiện đóng thuế thu nhập theo luật định” - HTX Nông nghiệp Điện Hồng 2 kiến nghị được xem xét các hỗ trợ ưu đãi về thuế thu nhập cho các HTX.

Kỳ vọng từ luật mới

Yêu cầu các HTX phải củng cố tổ chức bộ máy hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, nhất là khi Luật HTX 2023 có hiệu lực được đặt ra. Đây là điểm cốt yếu để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các HTX nhằm đáp ứng yêu cầu hoạt động trong tình hình mới.

Cụ thể, Luật HTX 2023 hoàn thiện các quy định về bản chất HTX, phát triển thành viên cũng như trao quyền cho HTX, liên hiệp HTX tự quyết định mức cung ứng sản phẩm, dịch vụ ra bên ngoài sau khi đáp ứng nhu cầu của thành viên, đa dạng hóa hình thức huy động vốn góp của thành viên.

Luật HTX 2023 cũng bổ sung quy định về kiểm toán HTX, liên hiệp HTX; đa dạng hóa hình thức tổ chức quản trị, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành để phù hợp với quy mô, trình độ HTX.

z5642613978653_fbe42d6ae7065584ab9eb64cfe1ce388.jpg
Nhiều HTX có cơ sở vật chật đã xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Đ.Đ

Trong năm 2023, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh đã giải ngân 45,2 tỷ đồng cho 114 đơn vị, đạt 108% so với kế hoạch năm do UBND tỉnh giao. Nguồn vốn vay ưu đãi từ quỹ hỗ trợ đã giúp cho các HTX phát triển sản xuất kinh doanh, đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất, chăn nuôi…

Đây được xem là điểm tựa quan trọng trong việc hỗ trợ vốn cho khu vực kinh tế tập thể của tỉnh. Thông qua nguồn vốn hỗ trợ vay từ Quỹ, các tổ hợp tác, HTX đã mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh và đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Những năm qua, Quảng Nam cũng ban hành nhiều chính sách hỗ trợ các HTX. Từ Nghị quyết số 17 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, UBND tỉnh đã phân bổ kế hoạch vốn triển khai thực hiện với kinh phí 21 tỷ đồng cho đến hỗ trợ 8 tỷ đồng thu hút lao động trẻ về làm việc tại HTX, chính sách tín dụng và hỗ trợ thành lập mới 41 HTX theo Nghị quyết số 25.

Năm 2025, Quảng Nam đặt mục tiêu thành lập mới khoảng 40 - 50 HTX, 4 liên hiệp HTX cũng như sẽ phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, xây dựng ít nhất 2 mô hình HTX kiểu mới liên kết sản gắn với chuỗi giá trị, kỳ vọng doanh thu bình quân của HTX tăng khoảng 4% - 5%/ năm...

Ông Võ Tấn Sanh - Giám đốc HTX Nông nghiệp Bình Đào (Thăng Bình) cho biết, đất đai là vấn đề lớn đối với HTX. Hiện nay, trụ sở HTX chỉ là khu đất UBND xã Bình Đào cho mượn, không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do đất đai không thể “chính danh” nên khó khăn rất lớn trong đầu tư hạ tầng và ứng dụng công nghệ mới phục vụ sản xuất.

Cạnh đó, hầu hết HTX trên địa bàn tỉnh đều rất cần vốn vay để đầu tư lớn hơn cho sản xuất kinh doanh. HTX Nông nghiệp Bình Đào chỉ có thể vay vốn của ngân hàng thương mại bằng cách thế chấp đất đai của hộ gia đình.

“Luật HTX năm 2023 có nội dung mới về hỗ trợ vốn vay, mong nội dung này thực sự hữu ích cho các HTX. Ông Sanh nói, sản xuất nông nghiệp thời gian qua tiềm ẩn rất nhiều rủi ro do dịch bệnh, thiên tai. Luật HTX năm 2023 có nội dung về bảo hiểm nên rất mong chính sách mới có ích cho các HTX. Lâu nay không hề có bảo hiểm nông nghiệp. Luật HTX năm 2023 có nội dung này, các cơ quan chức năng cần đưa ra các quy định để Luật mới thực sự hỗ trợ các HTX” - ông Sanh nói.

QUANG VIỆT

43-farm.jpg
HTX Nông nghiệp công nghệ cao Thăng Bình mong muốn liên kết mở rộng diện tích sản xuất nhưng không được do không có quỹ đất. Ảnh: M.L

Rào cản phát triển hợp tác xã kiểu mới

Mô hình hợp tác xã (HTX) kiểu mới đang phát triển mạnh tại Quảng Nam với các sản phẩm khởi nghiệp, OCOP, nông sản chế biến sâu... Nhưng họ đang gặp phải khó khăn nhất định trong việc tiếp cận các cơ chế, chính sách về nguồn vốn, quỹ đất để phát triển.

Khó mở rộng quy mô

Thành lập từ năm 2021, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Thăng Bình (xã Bình Dương, Thăng Bình) có diện tích 3.000m2, trồng các loại rau, hoa hữu cơ, kết hợp du lịch trải nghiệm.

Anh Nguyễn Quốc Tuấn - Phó Giám đốc HTX nông nghiệp công nghệ cao Thăng Bình cho biết, ngay từ khi xây dựng, HTX nghiên cứu rất kỹ các văn bản, cơ chế, chính sách liên quan nên gặp nhiều thuận lợi trong tiếp cận các cơ chế mới. Tuy vậy, khó khăn lớn nhất của HTX là mong muốn được liên kết người dân địa phương mở rộng quy mô sản xuất nhưng không thực hiện được.

dscf6844(1).jpg
HTX Nông nghiệp công nghệ cao Thăng Bình đang phát triển các sản phẩm rau, hoa hữu cơ rất hiệu quả. Ảnh: M.L

“Hiện diện tích đất ở xã Bình Dương đã có quy hoạch cụ thể, dù là quy hoạch treo nhưng chúng tôi không thể tiếp cận được. HTX muốn mở rộng quy mô thêm 2ha, liên kết với người dân địa phương, cung cấp cây giống, phân bón, chuyển giao kỹ thuật và thu mua nông sản của người dân. Mục tiêu rõ ràng, nhưng khi trình dự án này thì không được chấp nhận vì không có quy hoạch đất cho nông nghiệp. Điều này chúng tôi đã không dự lường trước, nên hiện chỉ duy trì chứ không mở rộng được quy mô” - anh Tuấn nói.

Theo anh Tuấn, việc phụ thuộc vào quỹ đất sẽ hạn chế sự phát triển của HTX, do đó cần có cơ chế mở để HTX tiếp cận thuê, mượn đất, liên kết cùng người dân phát triển sản xuất.

Tương tự, chị Võ Thu Thủy - Giám đốc HTX Nông nghiệp - dược liệu Tam Anh Nam (Núi Thành) cho biết, khi vay vốn để phát triển sản xuất thì buộc phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

“HTX kiểu mới đa số là người trẻ, chưa có đất đảm bảo điều kiện vay vốn từ nguồn quỹ HTX nên gặp nhiều khó khăn. Đến trụ sở HTX cũng chưa có, phải mượn tạm nhà ở để đặt nơi làm việc. Mong muốn của chúng tôi là được hỗ trợ thuê, mượn đất để có một trụ sở khang trang và liên kết người dân mở rộng diện tích trồng dược liệu, vì hiện nay nhu cầu lớn nhưng đất quy hoạch không thể trồng được” - chị Thủy nói.

Mong tiếp cận khoa học công nghệ

HTX Địch Yên (xã Tiên Phong, Tiên Phước) lại gặp khó về năng lượng. Anh Hứa Đại Dương - Giám đốc HTX cho biết, HTX hiện có quy mô sản xuất tương đối lớn, cần nguồn điện ổn định phục vụ sản xuất, chế biến bánh tráng. Tuy nhiên, khu vực này có nguồn điện yếu, HTX đã kéo dây từ trạm hạ thế về, nhưng cũng chỉ phục vụ được 1 máy, nếu 2 máy hoạt động cùng lúc thì yếu, không sản xuất được.

HTX Địch Yên khắc phục bằng cách chạy luân phiên, hết máy này đến máy kia nên rất tốn nhân công, hiệu suất không cao.

dscf2357.jpg
HTX Địch Yên gặp khó về năng lượng điện phục vụ sản xuất. Ảnh: M.L

“Việc đặt một trạm hạ thế riêng HTX đã nghĩ đến, tuy nhiên với năng lực hiện tại, HTX chưa thể làm được, rất cần sự quan tâm bổ sung thêm cơ chế phù hợp, để các HTX tương tự có thêm động lực đầu tư phát triển quy mô hơn” - anh Dương nói.

Hiện nay, các HTX kiểu mới gần như không tiếp cận được đất đai dù nhu cầu thực tế rất lớn. Việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng cũng nhiều khó khăn. Quảng Nam đã ban hành Nghị quyết số 25 (ngày 22/7/2021) của HĐND tỉnh quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có các quy định về hỗ trợ cho HTX khởi nghiệp.

Theo đó, yêu cầu các thành viên sáng lập hoặc đồng sáng lập giữ vị trí lãnh đạo, quản lý không quá 40 tuổi và lần đầu tham gia; HTX hỗ trợ phát triển sản phẩm địa phương, giải quyết việc làm cho 10 lao động trở lên và ưu tiên tham gia chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa, sản xuất sản phẩm sạch, ứng dụng công nghệ cao thì được hỗ trợ không quá 200 triệu đồng/HTX để đầu tư cơ sở vật chất thiết yếu, máy móc, trang thiết bị ban đầu.

Tuy nhiên, nhìn nhận từ Liên minh HTX tỉnh, từ khi Nghị quyết có hiệu lực đến nay chưa có HTX nào thụ hưởng chính sách này…

Đối với các HTX mới thành lập, việc huy động vốn và tìm kiếm nguồn vốn ưu đãi, các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của HTX. Bà Mai Thị Hà Trang - đại diện HTX Nông dược Linh Trang (Thăng Bình) nói, vì quy mô nhỏ nên vốn đầu tư cho máy móc, nhà xưởng vẫn là điều khó khăn nhất đối với các HTX. Vì vậy, câu chuyện sản xuất hàng hóa quy mô hơn và vươn tầm ra các thị trường lớn vẫn còn là tương lai xa. “Máy móc và thiết bị sản xuất còn thô sơ nên HTX chúng tôi vẫn dừng lại ở mức nhất định chứ không thể đáp ứng theo các đơn hàng lớn. Điều này cũng là trở lực để có thể đáp ứng theo các tiêu chí của các siêu thị, chuỗi bán hàng lớn khi mình muốn “lên kệ” của họ. Chúng tôi rất mong muốn Nhà nước tiếp tục hỗ trợ thêm các nguồn kinh phí, vốn ưu đãi và có điều kiện học tập kỹ năng marketing, được hỗ trợ bán hàng, quảng bá sản phẩm trên nhiều kênh”- bà Trang kiến nghị.

ĐOÀN ĐẠO

Giải thể cũng lắm nhiêu khê

Quảng Nam đang có 155 hợp tác xã ngưng hoạt động, chờ giải thể do yếu kém về tổ chức, quản lý và không đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Tuy nhiên, thủ tục để giải thể không hề đơn giản.

Ngừng hoạt động

Chúng tôi tìm cách liên hệ 1 hợp tác xã (HTX) sản xuất, kinh doanh trên lĩnh vực nông nghiệp ở huyện Phú Ninh nhưng không liên lạc được. Tương tự, không ít HTX trên địa bàn thị xã Điện Bàn cũng… bặt vô âm tín. Có thực trạng chung trên địa bàn tỉnh là nhiều HTX thành lập xong, gắn biển, hoạt động được thời gian ngắn rồi… thôi.

htx-4.jpg
Sản xuất rau quả của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Thăng Bình. Ảnh: Q.VIỆT

Ông Nguyễn Văn Húy - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, trên địa bàn có nhiều HTX hoạt động rất nổi bật, dẫn dắt lao động, đảm bảo thu nhập ổn định cho người nông dân như HTX Bình Nam, HTX Bình Đào, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Thăng Bình… Tuy nhiên, cũng khá nhiều HTX rơi vào cảnh… kiệt quệ.

Các dự án, phương án phát triển sản xuất kinh doanh của các HTX thiếu tính chủ động, không đón đầu thị trường nên bị bỏ lại phía sau. Nhiều HTX không có vốn nên không thể đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất kinh doanh.

“Số lượng HTX liên doanh với doanh nghiệp, phối hợp với người nông dân để liên kết sản xuất - chế biến – cung ứng ra thị trường còn ít nên thiếu tính bền vững” - ông Húy nói.

Ông Đặng Văn Tính - Trưởng phòng Kế hoạch - kiểm tra (Liên minh HTX Quảng Nam) cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có 155 HTX ngừng hoạt động. Nguyên nhân là do các HTX mới chỉ thực hiện được một số dịch vụ đầu vào của sản xuất; mới chỉ chế biến thô, công nghệ cũ, năng suất thấp, chất lượng sản phẩm yếu so với thị trường; chưa chú trọng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.

Các HTX không trụ được còn do hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ mang tính ngắn hạn; chưa xây dựng được phương hướng, kế hoạch sản xuất kinh doanh lâu dài. Hoạt động kinh tế của HTX thiếu ổn định, bị động

Ông Đặng Văn Tính - Trưởng phòng Kế hoạch - kiểm tra (Liên minh HTX Quảng Nam)

Theo tìm hiểu, phần lớn HTX trên địa bàn tỉnh chưa có trụ sở riêng. Nhiều tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất như các cửa hàng vật tư, cơ sở sản xuất… chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đáng nói, nhiều HTX phát triển ngành nghề nông thôn có công nghệ cũ kỹ, lạc hậu, phụ thuộc nhiều lao động chân tay và theo kinh nghiệm. Giá thành sản xuất cao, sức cạnh tranh yếu nên không đáp ứng được yêu cầu liên kết làm ăn.

Khó giải thể vì thủ tục

HTX Nông nghiệp Điện Hồng 3 (xã Điện Hồng, thị xã Điện Bàn) ngưng hoạt động từ năm 2016 đến nay. Ông Nguyễn Văn Hồng - Phó Chủ tịch UBND xã Điện Hồng cho biết, nguyên nhân HTX Điện Hồng 3 ngưng hoạt động là do liên kết sản sản xuất lúa giống theo chuỗi không hiệu quả, thua lỗ.

Nhìn nhận từ Liên minh HTX tỉnh, có rất nhiều HTX mang nặng tính hình thức, đội ngũ quản lý HTX không ý thức được trách nhiệm, quyền lợi đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội cũng như thành viên HTX chưa thực hiện hết quyền và nghĩa vụ đối với HTX. Khi các HTX hoạt động không hiệu quả, trong khi các thành viên, đội ngũ quản lý đi làm ăn xa dẫn đến khó khăn trong việc tập trung tổ chức các cuộc họp để tiến hành các thủ tục giải thể theo quy định.

htx.jpg
Hoạt động quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm của các HTX trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Q.VIỆT

Giải thể các HTX ngưng hoạt động trên địa bàn tỉnh không dễ. Ông Đoàn Ngọc Trung - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Quảng Nam cho biết, tại Điều 54, Luật HTX 2012, nếu HTX muốn giải thể thì phải thành lập được hội đồng giải thể gồm đại diện hội đồng quản trị, ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên, ban điều hành và thành viên HTX.

Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày ra quyết định giải thể, hội đồng giải thể phải có trách nhiệm thực hiện các công việc gồm thông báo về việc giải thể tới cơ quan quản lý Nhà nước đã cấp giấy chứng nhận đăng ký cho HTX; đăng báo địa phương 3 kỳ báo liên tiếp về việc giải thể; thông báo tới các tổ chức, cá nhân có quan hệ kinh tế với HTX về việc giải thể và thời hạn thanh toán nợ, thanh lý các hợp đồng, xử lý tài sản và vốn chung của HTX. “Rất nhiều HTX gặp khó khăn trong thực hiện các phần việc trên nên chưa giải thể” - ông Trung nói.

Có thực tế là các HTX đã ngừng hoạt động trong thời gian dài, cơ quan cấp đăng ký kinh doanh là UBND huyện, thành phố, thị xã không còn lưu giữ hồ sơ tài liệu phục vụ giải thể. HTX không còn người đại diện, không có người tham gia hội đồng giải thể theo quy định.

“Liên minh HTX tỉnh tiếp tục phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố đôn đốc, hướng dẫn các HTX tiến hành các thủ tục củng cố các HTX có khả năng phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh; đồng thời tiến hành các thủ tục giải thể các HTX ngừng hoạt động theo đúng tiến độ đề ra.

Riêng các phòng tài chính - kế hoạch các huyện, thành phố phải rà soát, phân loại các HTX theo nhóm có thể tái hoạt đông, giải thể tự nguyện, giải thể bắt buộc để đáp ứng các yêu cầu về phát triển hoặc giải thể các HTX trên địa bàn tỉnh” - ông Đoàn Ngọc Trung nói.

Ông Lê Ngọc Trung: Khuyến khích thành lập các hợp tác xã quy mô lớn

Quảng Nam đặt mục tiêu phát triển đa dạng các tổ hợp tác, HTX cũng như sẽ kịp thời điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi các quy định cho phù hợp với tình hình thực tế hoặc kiến nghị với Trung ương những vấn đề bất cập về cơ chế, chính sách trong thực hiện hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX theo đúng quy định của Luật HTX 2023.

Đây là nhận định của ông Lê Ngọc Trung - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam, trong cuộc trao đổi cùng PV Báo Quảng Nam.

trung.jpg
Ông Lê Ngọc Trung - Chủ tịch Liên minh HTX Quảng Nam. Ảnh: LM.HTX cung cấp

* Thưa ông, dù Quảng Nam đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng các khó khăn mà HTX gặp phải vẫn không ít. Nếu các HTX kiểu cũ gặp khó về mô hình thì các HTX kiểu mới cũng khá khó khi tiếp cận chính sách. Theo ông, nguyên nhân từ đâu?

Ông Lê Ngọc Trung: Cơ chế chính sách thì rất nhiều, nhưng các HTX tiếp cận các chính sách còn ít. Lý do vì các cơ chế chính sách được hỗ trợ từ 100% tiền của ngân sách nhà nước. Vì vậy, cần phải có các điều kiện ràng buộc cụ thể.

Ví dụ, muốn tiếp cận vốn vay của Quỹ HTX thì yêu cầu tổ hợp tác, HTX phải có tài sản có tính thanh khoản để thế chấp. Vấn đề này gây khó đối với các HTX đang gặp khó khăn, các HTX không có tài sản riêng để thế chấp; muốn thế chấp thì thành viên HTX phải cho HTX mượn tài sản (sổ đỏ) để thế chấp vay vốn từ Quỹ. Nếu thành viên thật sự tâm huyết và mong muốn góp sức, góp vốn đồng hành với HTX để phát triển thì dễ dàng và ngược lại.

Các HTX muốn được thụ hưởng chính sách hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật thì yêu cầu: HTX thuộc địa bàn các huyện miền núi cao phải có từ 20 thành viên trở lên; HTX thuộc địa bàn các huyện miền núi thấp phải có từ 30 thành viên trở lên; HTX thuộc địa bàn các huyện, thị xã, thành phố khu vực đồng bằng phải có từ 50 thành viên trở lên.

Đa số HTX kiểu mới thành lập trong thời gian qua chưa đảm bảo nguồn lực về tài chính, tài sản. Quy mô hoạt động cũng như số lượng sản phẩm, dịch vụ các HTX kiểu mới cung cấp ra thị trường còn quá nhỏ so với yêu cầu thực tiễn. Nếu có các đơn hàng lớn, thời gian ngắn thì các HTX gặp lúng túng trong việc đáp ứng yêu cầu của đối tác đưa ra.

Lãnh đạo của nhiều HTX kiểu mới chưa có kinh nghiệm quản trị, cũng như chưa tìm hiểu, nghiên cứu các văn bản liên quan đến chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX. Vì vậy, có rất nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ nhưng các HTX chưa tiếp cận được.

* Gần như các HTX kiểu mới chưa thể tiếp cận được các hỗ trợ từ Nghị quyết 25 của HĐND tỉnh quy định một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, giai đoạn 2021 - 2025. Lý do là gì, thưa ông?

Ông Lê Ngọc Trung: Chưa có HTX nào tiếp cận chính sách này vì các lý do:

Thứ nhất, chính sách quy định HTX phải giải quyết việc làm cho 10 lao động trở lên và phải tham gia chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng công nghệ cao. Đây là rào cản lớn đối với các HTX mới khởi nghiệp, trên thực tế, các bạn trẻ khởi nghiệp từ HTX đa số có nguồn vốn ít, quy mô hoạt động nhỏ và đang trong quá trình vừa làm vừa học nên còn rất nhiều khó khăn. Việc yêu cầu đáp ứng ngay các tiêu chí như trên HTX khó đáp ứng được.

Thứ hai, đối với chính sách hỗ trợ HTX ứng dụng công nghệ thông tin, theo tinh thần Nghị quyết số 25 sẽ hỗ trợ khoảng 250 HTX áp dụng phần mềm theo dõi, quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh với mức tối đa 5 triệu đồng/HTX. Tuy nhiên đến nay chưa có HTX nào tiếp cận chính sách này. Do khoản hỗ trợ này thấp, chỉ 5 triệu đồng thì rất khó để xây dựng trang thông tin điện tử; hơn nữa, trình độ công nghệ thông tin của cán bộ HTX còn hạn chế nên các HTX chưa triển khai tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức và hoạt động của HTX.

htx-nn.jpg
Lãnh đạo tỉnh tham quan mô hình HTX nông nghiệp công nghệ cao Quế Sơn. Ảnh: LM.HTX cung cấp

* Hiện Luật HTX 2023 đã có hiệu lực, Quảng Nam cần phải làm gì tiếp theo để mô hình HTX phát triển bền vững?

Ông Lê Ngọc Trung: Luật HTX 2023 có hiệu lực cũng là lúc phải tăng cường củng cố, đổi mới, phát triển kinh tế hợp tác, HTX, bảo đảm các giá trị, nguyên tắc cơ bản và quy định của pháp luật trong tổ chức và hoạt động.

Quảng Nam đặt mục tiêu phát triển đa dạng các tổ hợp tác, định hướng phát triển nòng cốt là HTX tiếp tục có những đóng góp quan trọng trong xây dựng và phát triển nông nghiệp nông thôn, chương trình OCOP, góp phần phát triển sản xuất hàng hóa, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho thành viên và người lao động, ổn định chính trị - xã hội, tích cực tham gia thực hiện an sinh xã hội và phát triển cộng đồng.

Liên minh HTX tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tư vấn, hướng dẫn giải thể HTX không hoạt động, ngừng hoạt động, khó khăn trong giải thể, chưa đăng ký và tổ chức.

Ngoài ra, để thực hiện hiệu quả Luật HTX 2023, sẽ tiếp tục thực hiện và hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn phát triển kinh tế tập thể, HTX, rà soát lại các chủ trương của Trung ương, của tỉnh về phát triển kinh tế tập thể, HTX, kịp thời đề xuất và giải quyết những khó khăn cho từng vấn đề cụ thể ở các cơ sở.

Thông qua đó, chúng tôi sẽ đề xuất UBND tỉnh kịp thời điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi các quy định phù hợp với tình hình thực tế hoặc kiến nghị với Trung ương những vấn đề bất cập về cơ chế, chính sách trong thực hiện hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX.

Luật HTX 2023 còn khá mới mẻ nên công tác nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, hướng dẫn các HTX, Liên hiệp HTX tổ chức lại theo đúng quy định của pháp luật.

Nội dung: HOÀNG ĐẠO - MINH KHÔI - VIỆT NGUYỄN - MỸ LINH

Trình bày: MINH TẠO

Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát triển kinh tế tập thể thích ứng thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO