(QNO) - Các địa phương trong tỉnh đang tập trung hỗ trợ các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp vì đơn vị kinh tế này đóng vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới.
Hiện nay trên địa bàn huyện Núi Thành có 50 HTX đang hoạt động, trong đó có 38 HTX nông nghiệp sản xuất kinh doanh hiệu quả, góp phần quan trọng vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới của huyện. Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành Ngô Đức An cho biết, có nhiều HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, áp dụng các thiết bị khoa học kỹ thuật, tự động hóa, cơ giới hóa vào quy trình sản xuất và chế biến, nâng cao năng suất, chất lượng cho sản phẩm nông nghiệp.
“Toàn huyện có 15 HTX nông nghiệp gắn liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho thành viên HTX và nông dân tham gia dự án hưởng lợi. Đặc biệt, số lượng sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP của các HTX ngày càng tăng, đến nay đã có 14 sản phẩm đạt OCOP của 11 HTX” – ông An cho biết.
Thời gian qua, Núi Thành tranh thủ vận dụng các cơ chế chính sách hỗ trợ cho HTX từ Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam, chương trình OCOP, nguồn kinh phí khuyến công, kinh phí thực hiện các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị theo Nghị quyết 17 và Nghị quyết 24 của HĐND tỉnh...
Đồng thời, tăng cường công tác đào tạo, tập huấn để củng cố bộ máy quản lý HTX, công tác liên doanh, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo sản xuất kinh doanh có hiệu quả nhằm duy trì và phát triển HTX.
Năm 2022, để đồng hành cùng xã Tam Anh Nam trong xây dựng nông thôn mới, Cơ sở sản xuất nấm đông trùng hạ thảo của bà Võ Thu Thủy phát triển thành HTX Nông nghiệp – dược liệu Tam Anh Nam. Việc phát triển thành HTX, tham gia OCOP của HTX này luôn được chính quyền quan tâm, hỗ trợ các cơ chế, chính sách. Nhờ đó, HTX này đã phát triển được nhiều dòng sản phẩm từ đông trùng hạ thảo, xây dựng chuỗi liên kết bao tiêu lá dầu tràm cho các hộ dân với diện tích 1,2ha.
“HTX được hỗ trợ gần 1 tỷ đồng từ các nguồn hỗ trợ thành lập HTX mới, thu hút nhân lực trẻ, OCOP... Điều này đã giúp chúng tôi củng cố nhân sự, có vốn tái đầu tư và phát triển quy mô” – bà Võ Thu Thủy - Giám đốc HTX Nông nghiệp – dược liệu Tam Anh Nam nói.
Còn tại huyện Phú Ninh, việc phát triển kinh tế tập thể được xem là mấu chốt đi đến thành công cho việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới nâng cao. UBND huyện Phú Ninh đã ban hành Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp huyện giai đoạn 2021 - 2025 nhằm tạo ra một số mô hình sản xuất có giá trị kinh tế cao, liên kết sản xuất gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.
Sau 3 năm triển khai, nhiều mô hình sản xuất công nghệ cao, mô hình mới đã được hình thành như sản xuất rau an toàn tại các xã Tam Phước với diện tích 3ha, mô hình chăn nuôi gà đẻ trứng an toàn dịch bệnh tại xã Tam Vinh với 30.000 con, mô hình chăn nuôi lợn tại các xã Tam Vinh, Tam Lộc, Tam Phước, sản xuất nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu tại xã Tam Phước với diện tích 30ha, mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm bưởi da xanh tại xã Tam Lãnh...
Địa phương này đang tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác, nâng số HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện đang hoạt động lên 37 HTX.
Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh Huỳnh Xuân Chính thông tin: “Đến nay địa phương đã phê duyệt danh mục nhiều dự án, kế hoạch gồm kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây ớt; dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị đối với cây ớt trên địa bàn Tam Thành, Tam Phước; dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rau, củ, quả theo chuỗi giá trị trên địa bàn xã Tam Phước”.
[VIDEO] - Chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm ớt Phú Ninh: