Nhiệm vụ của ngành bảo hiểm xã hội (BHXH) trong 3 tháng cuối năm 2020 là phải hoàn thành kế hoạch thu, giảm nợ đọng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện bằng quyết tâm cao nhất.
Ba tháng còn lại của năm 2020, ngành BHXH toàn tỉnh đã phát động phong trào thi đua nước rút, nhằm hoàn thành các kế hoạch, mục tiêu đã đề ra. Từ đầu năm đến nay, 2 đợt dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển người tham gia BHYT, thu, giảm nợ đọng BHXH cũng như phát triển BHXH tự nguyện. Tính đến ngày 30.9.2020, toàn tỉnh đã thu đạt 68,9% kế hoạch BHXH Việt Nam giao (thấp hơn so với cùng kỳ 2019). Số người tham gia BHXH tự nguyện toàn tỉnh là 9.087 người, đạt 48,35% so với kế hoạch của BHXH Việt Nam giao.
Theo cơ quan BHXH tỉnh, không tổ chức được các đợt tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, BHTN để đưa chính sách đến với người dân, công nhân lao động, BHXH phải thực hiện theo cách khác. Đó là tổ chức những đợt cao điểm ra quân, với 100% cán bộ, viên chức có nhiệm vụ vận động, tuyên truyền chính sách đến với từng người dân để phát triển đối tượng. Mới đây nhất, vào đầu tháng 10.2020, BHXH tỉnh đã phát động đợt thi đua nước rút. Đợt thi đua chia thành 2 nhóm, nhóm chỉ đạo điều hành gồm Phòng Quản lý thu và BHXH các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc BHXH tỉnh với 18 đơn vị, thực hiện từ ngày 1.10.2020 đến 31.12.2020. Nhóm nhân viên đại lý thu của các xã, phường, thị trấn thuộc tỉnh chia thành 3 đợt thi đua cho các tháng 10, 11, 12.2020.
Ông Hồ Hữu Tuấn - Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết, việc tổ chức ra quân lần này nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đưa chính sách BHXH, BHYT đến với người dân. Ông Tuấn cho biết: “Đợt ra quân sẽ tuyên truyền, vận động trực tiếp đối với đối tượng là nông dân và người lao động khu vực phi chính thức, đặc biệt là các đối tượng thuộc nhóm chưa tham gia BHXH tự nguyện. Quyền và lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện, những rủi ro khi không tham gia BHXH tự nguyện sẽ được nhấn mạnh, từ đó thay đổi nhận thức và hành động của người dân, chủ động tham gia BHXH tự nguyện, để đảm bảo an sinh, ổn định cuộc sống khi về già. Đồng thời qua đó cũng phát huy vai trò của cơ quan BHXH và UBND các xã, phường trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện để gia tăng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện nhằm hoàn thành tốt các chỉ tiêu được giao tại địa phương”.
BHXH tỉnh giao chỉ tiêu phấn đấu mỗi Tổ tuyên truyền vận động phát triển mới ít nhất 15 người tham gia chế độ BHXH. BHXH tỉnh sẽ tổ chức trao thưởng cho 3 tổ tuyên truyền có số người tham gia BHXH tự nguyện nhiều nhất. Để đạt được thành tích thi đua, mỗi lãnh đạo, từng cán bộ BHXH phải phát huy tính năng động, sáng tạo trong công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, trong công tác phối hợp chỉ đạo điều hành với năng suất, chất lượng, đạt hiệu quả cao nhất.
95% dân số Tiên Phước tham gia BHYT
Trong 9 tháng đầu năm 2020, số người tham gia BHXH bắt buộc của huyện Tiên Phước là 3.443 người (đạt 84,22% kế hoạch UBND huyện giao); BHXH tự nguyện là 751 người, tăng 200 người so với cuối năm 2019 (đạt 59,6% kế hoạch UBND huyện giao); trong đó Bưu điện huyện phát triển 511 người, UBND xã phát triển 240 người. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 2.785 người (đạt 83,18% kế hoạch UBND huyện giao), số người tham gia BHYT là 65.837 người (tăng 811 người so với cuối năm 2019).
Nếu tính luôn số người đi làm ăn xa, học tập ngoài huyện được cấp thẻ BHYT ở nơi khác là 10.163 người thì tổng người có thẻ BHYT là 76.000 người, đạt tỷ lệ bao phủ 95% dân số. Công tác rà soát, hoàn chỉnh dữ liệu hộ gia đình được triển khai đúng kế hoạch, các địa phương đã tích cực trong việc kiểm tra, rà soát thông tin nhân khẩu theo từng hộ, địa chỉ; đến ngày 5.10.2020 đã có 1 xã hoàn thành 100%, các xã khác hoàn thành từ 30 - 50%. Công tác BHYT học sinh năm học 2020 - 2021 được phối hợp triển khai đồng bộ giữa các ngành, địa phương và đơn vị trường học, sau 1 tháng nhiều trường đã thu đạt hơn 60%, bình quân toàn huyện đạt hơn 30% học sinh tham gia BHYT.
Xử phạt nặng vi phạm trong lĩnh vực BHYT
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 117/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, có hiệu lực thi hành từ ngày 15.11.2020.
Theo đó, hành vi cho người khác mượn thẻ BHYT hoặc sử dụng thẻ BHYT của người khác trong khám bệnh, chữa bệnh sẽ bị xử phạt theo một trong các mức sau: từ 1 - 2 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm nhưng chưa làm thiệt hại đến quỹ BHYT; từ 3 - 5 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm làm thiệt hại đến quỹ BHYT. Trong trường hợp cho người khác mượn hoặc sử dụng thẻ BHYT của người khác mà làm thiệt hại đến quỹ BHYT thì buộc phải hoàn trả số tiền đã vi phạm vào quỹ BHYT. Mức xử phạt tối đa cho các vi phạm hành chính lĩnh vực BHYT được điều chỉnh lên tới 70 triệu đồng, cao hơn mức tối đa 50 triệu đồng đang được áp dụng hiện nay. Các hành vi vi phạm cụ thể ở 5 nhóm, bao gồm vi phạm các quy định về y tế dự phòng và phòng, chống HIV/ AIDS; vi phạm các quy định về khám chữa bệnh; vi phạm các quy định về dược, mỹ phẩm; vi phạm các quy định về trang thiết bị y tế; vi phạm các quy định về BHYT; vi phạm các quy định về dân số.