(QNO) - Chiều 30/8, UBND TP.Đà Nẵng tổ chức hội nghị kết nối cung cầu nhân lực vi mạch bán dẫn thuộc sự kiện "Ngày vi mạch bán dẫn Đà Nẵng 2024".
Theo các chuyên gia, ngành công nghiệp bán dẫn là nền tảng cho hạ tầng tính toán, lưu trữ và xử lý; là công nghệ lõi để thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất thiết bị điện tử, vi mạch cùng với các linh kiện điện tử khác được tích hợp trong các ứng dụng rộng rãi và lĩnh vực này rõ ràng đã thúc đẩy phát triển kinh tế số của các quốc gia.
Để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, bên cạnh hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù đảm bảo cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực, đồng bộ hạ tầng, công nghệ thông tin... thì phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa cốt lõi và đóng vai trò quyết định trong thu hút đầu tư vào ngành vi mạch bán dẫn.
Sở TT-TT Đà Nẵng cho biết, nhân lực công nghệ thông tin tại Đà Nẵng ước tính đến cuối năm 2023 hơn 52.000 người (chiếm khoảng 8,7% trong tổng lực lượng lao động toàn thành phố); trong đó có 22.000 lao động trong lĩnh vực phần mềm và nội dung số (chiếm 45% trong tổng số lao động). So với tương quan tổng thể nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn của Việt Nam, nguồn nhân lực thiết kế vi mạch của Đà Nẵng chiếm gần 10%.
Theo ông Lê Quang Đạm - Tổng Giám đốc Công ty Marvell Việt Nam, Việt Nam có 5 yếu tố đặc biệt để thu hút các doanh nghiệp trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn gồm: nguồn nhân lực; sự hiệu quả trong việc thu hút đầu tư (chi phí thấp hơn so với các nước phát triển); ổn định chính trị; cơ sở hạ tầng đủ để phát triển được ngành vi mạch bán dẫn và cuối cùng là sự đa dạng, ham học của con người Việt Nam.
Theo đại biểu tham dự hội nghị, bức tranh phát triển ngành vi mạch bán dẫn khả thi đối với Việt Nam nói chung cũng như Đà Nẵng nói riêng. Hiện nay, tại miền Trung đã có 3 trường của Đại học Đà Nẵng đã tổ chức tuyển sinh ngành vi mạch bán dẫn.
Để tiếp tục phát triển nguồn nhân lực cho ngành vi mạch bán dẫn, đại biểu cho rằng Đà Nẵng cần tăng cường định hướng tầm quan trọng của lĩnh vực công nghệ trong công tác giảng dạy; có chính sách giữ chân, thu hút người học giỏi theo học vi mạch bán dẫn; có nguồn vốn đầu tư lớn cho các trường đại học đào tạo vi mạch bán dẫn...