Phát trực tiếp - nghề "hot" tại Trung Quốc

QUỐC HƯNG 18/08/2023 13:56

(QNO) - Nhiều người trong giới trẻ Trung Quốc đang đổ xô chuyển sang phát trực tuyến (livestream) như một cách kiếm tiền khi bán sản phẩm cho các công ty lớn, mang về doanh thu hàng tỷ USD mỗi năm. 

 
 Giới thiệu sản phẩm và tương tác trực tiếp với khách hàng qua internet. Ảnh: Reuters

Bán hàng qua kênh phát trực tiếp (livestream) - hình thức phát sóng và tương tác trực tiếp thông qua các dịch vụ truyền thông xã hội phổ biến nhằm thuyết phục người dùng chi tiền mua sản phẩm, đặc biệt của các thương hiệu lớn hiện trở thành nghề "hái" ra tiền tại Trung Quốc. 

Zhang Jinyu (28 tuổi) - một streamer (hay người bán hàng qua hình thức phát trực tuyến) từng tốt nghiệp đại học chuyên ngành thời trang tại Trung Quốc cho biết, đến nay cô trải qua hàng trăm giờ phát trực tiếp để quảng bá sản phẩm cho YSL Beauty và một số thương hiệu khác nổi tiếng tại nước này.

Các buổi phát trực tiếp của Zhang có thể khiến cô ấy nói liên tục trước camera trong tối đa 6 tiếng đồng hồ.

Ngoài ra, quá trình chuẩn bị yêu cầu Zhang phải làm tóc, trang điểm và dành thời gian ghi lại kết quả bán hàng sau khi chương trình phát sóng trực tuyến kết thúc.

Reuters cho biết, Zhang là một trong hàng triệu thanh niên Trung Quốc hiện đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên kỷ lục hơn 21% tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. 

Zhang cho biết, phát trực tiếp bán hàng là một cách mà người dùng mạng xã hội có thể kiếm tiền mà không cần phải đi làm toàn thời gian.

"Đối với việc phát trực tiếp, ngưỡng để gia nhập ngành là rất thấp. Tôi có thể nhấc điện thoại lên và phát trực tiếp. Tuy nhiên, việc bán hàng qua các buổi phát trực tiếp hiện nay rất cạnh tranh, khiến những người mới đến rất khó để có được lượng người theo dõi lớn, ngoại trừ những người có ảnh hưởng như diễn viên, ca sĩ...". 

Những streamer nổi tiếng bậc nhất tại Trung Quốc như Vi Á hay Quốc Lý Giai Kỳ từng bán được 15 nghìn thỏi son môi chỉ trong vòng 5 phút.

Một nghiên cứu dư luận gần đây hỏi hơn 10 nghìn thanh niên trên dịch vụ truyền thông xã hội Sina Weibo của Trung Quốc xem họ cảm thấy thế nào về vấn đề này. Kết quả, hơn 60 phần trăm cho biết muốn làm việc với tư cách là người có ảnh hưởng trên internet hoặc người dẫn chương trình phát trực tiếp.

Cô Shining Li - Phó chủ tịch của Công ty Romomo có trụ sở tại Thượng Hải nói, phát trực tiếp hiện là một trong những phương thức giao tiếp quan trọng nhất đối với các thương hiệu quốc tế mà cô ấy hợp tác.

Phát trực tiếp bán hàng đang nở rộ tại Trung Quốc. Ảnh: Contagious
Phát trực tiếp bán hàng đang nở rộ tại Trung Quốc. Ảnh: Contagious

Mua sắm qua phát trực tiếp bắt đầu bùng nổ ở Trung Quốc vào giữa những năm 2010. Kể từ đó, ngành phát trực tiếp bán hàng ở Trung Quốc tăng trưởng thần tốc cùng sự phát triển của thương mại điện tử.

Theo các nhà phân tích, nếu như đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến các nhà bán lẻ trực tiếp tại Trung Quốc nói riêng cũng như tại nhiều quốc gia trên thế giới, bán hàng qua hình thực phát trực tiếp lại là điểm sáng kinh tế hiếm hoi.  

Nghiên cứu của Công ty tiếp thị iResearch có trụ sở tại Trung Quốc cho thấy, ngành công nghiệp phát trực tiếp sử dụng hơn 1,2 triệu máy chủ tính đến năm 2020. Đại dịch COVID-19 giúp thúc đẩy doanh số phát trực tiếp tăng trưởng, mang lại khoảng 480 tỷ USD ở Trung Quốc vào năm ngoái.
(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát trực tiếp - nghề "hot" tại Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO