Tại Kỳ họp thứ 15 HĐND tỉnh (khóa X) dự kiến diễn ra từ ngày 11 - 13/7, UBND tỉnh sẽ trình HĐND tỉnh sửa đổi Nghị quyết số 33 ngày 17/9/2020 của HĐND tỉnh về Đề án phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền số tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025. Thời gian qua, việc phê duyệt danh mục và bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số gặp vướng mắc do không đảm bảo cơ sở pháp lý.
Kết quả khả quan
Theo UBND tỉnh, trên cơ sở Nghị quyết số 33 của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2768 ngày 12/10/2020 về phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), xây dựng chính quyền số tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025”, trong đó xác định nhiệm vụ trọng tâm cũng như giao trách nhiệm các sở, ngành, địa phương trong việc tổ chức thực hiện nghị quyết.
Qua 2 năm triển khai, một số nhiệm vụ, chỉ tiêu đã hoàn thành vượt mức nghị quyết đề ra. Đến nay, 100% các cơ quan, đơn vị, địa phương đã thành lập ban chỉ đạo, tổ giúp việc chuyển đổi số (CĐS). Tỉnh đã phê duyệt nội dung duy trì, cập nhật kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Quảng Nam 2.0; đã triển khai thực hiện tốt hệ thống LGSP, Qoffice, IOC tỉnh, các cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành…
Điểm b được đề xuất sửa, bổ sung như sau: “Căn cứ mục tiêu, định hướng phát triển, nội dung, tổng nguồn kinh phí thực hiện Đề án Phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền số tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025; hằng năm xây dựng các chương trình, kế hoạch, danh mục nhiệm vụ ứng dụng CNTT phù hợp với tình hình thực tế để triển khai thực hiện đạt được mục tiêu, định hướng phát triển, không làm phát sinh kinh phí so với dự kiến kinh phí tại mục III Điều 1 Nghị quyết số 33/NQ-HĐND ngày 17/9/2020 của HĐND tỉnh”. Điểm c được đề xuất sửa là “Hằng năm trình HĐND tỉnh quyết định dự toán ngân sách nhà nước để thực hiện Đề án, đảm bảo cân đối nguồn lực theo đúng Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước”.
Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh đã kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia. Đến nay, Quảng Nam đã cung cấp, công khai 1.366 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia (đạt 94%); tỷ lệ hồ sơ được tiếp nhận, giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt 51,1%.
Ngoài ra, theo rà soát có 88% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 78% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 55% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng.
Bên cạnh đó, hạ tầng mạng lưới viễn thông, internet trên địa bàn tỉnh, hạ tầng công nghệ thông tin được đảm bảo; hệ thống Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh ổn định, thông suốt, đáp ứng yêu cầu về triển khai các hệ thống thông tin, CSDL dùng chung của tỉnh...
Được biết, tổng kinh phí đã phê duyệt, bố trí để thực hiện các nhiệm vụ CĐS theo Nghị quyết 33 đến nay gần 300 tỷ đồng (tổng kinh phí thực hiện Nghị quyết 33 cho cả giai đoạn 2021 - 2025 là 901 tỷ đồng).
Đề xuất sửa đổi Nghị quyết 33, vì sao?
Bên cạnh kết quả, việc triển khai Nghị quyết 33 cũng gặp những khó khăn, vướng mắc. Theo UBND tỉnh, trong quá trình thực hiện công tác CĐS theo các chủ trương, chiến lược của Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và xuất phát từ nhu cầu thực tế CĐS của các ngành, địa phương, đã phát sinh nhiều nhiệm vụ chi tiết về ứng dụng CNTT nằm ngoài Đề án phát triển ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền số tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025.
Một số nhiệm vụ CĐS phát sinh, chẳng hạn như xây dựng cơ sở dữ liệu về giá tỉnh Quảng Nam, phần mềm quản lý và khai thác báo cáo ngân sách (Sở Tài chính). Xây dựng hệ thống phần mềm đánh giá cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Quảng Nam; Đề án ứng dụng CNTT trong đánh giá cải cách hành chính, đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 (Sở Nội vụ)...
Báo cáo 120 ngày 22/6/2023 của UBND tỉnh do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu ký, nêu rõ: “Mặc dù Nghị quyết 33 không nêu cụ thể các nhiệm vụ, CSDL nhưng đề án kèm theo Tờ trình số 5048 ngày 28/8/2020 của UBND tỉnh trình HĐND tỉnh lại xác định cụ thể tên nhiệm vụ, kinh phí thực hiện từng nhiệm vụ. Do đó, khi phát sinh nhiệm vụ ngoài đề án trình HĐND tỉnh thì UBND tỉnh chưa đủ cơ sở pháp lý phê duyệt danh mục các nhiệm vụ CĐS và bố trí kinh phí thực hiện”.
Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai các CSDL chuyên ngành ưu tiên theo đề án, một số CSDL chuyên ngành phát sinh phạm vi, quy mô và kinh phí vượt nội dung dự kiến thực hiện ban đầu.
Do vậy, để đầy đủ cơ sở pháp lý triển khai thực hiện, HĐND tỉnh cần xem xét sửa đổi điểm b (khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 33) theo hướng bổ sung nhiệm vụ UBND tỉnh trong “xây dựng chương trình, kế hoạch danh mục, nhiệm vụ xây dựng CSDL cụ thể đảm bảo các yêu cầu đồng bộ, hiệu quả, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách, huy động nguồn lực”.
Thứ hai là vướng mắc về quy định ưu tiên bố trí ngân sách tỉnh chi cho an toàn, bảo mật thông tin và truyền thông, đào tạo nguồn nhân lực CNTT cho chính quyền số. Tại điểm c (khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 33) quy định: “Hoàn chỉnh hồ sơ thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước, tổng hợp trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định danh mục đầu tư công trung hạn, kế hoạch tài chính 5 năm 2021 - 2025. Trước mắt tranh thủ nguồn ngân sách trung ương để thực hiện các nội dung nêu tại điểm 1, 2 Mục II Điều 1; phần ngân sách tỉnh ưu tiên để thực hiện các nội dung nêu tại điểm 3, 4 Mục II Điều 1 nghị quyết này”.
Theo UBND tỉnh, quy định này dẫn đến khó khăn trong việc bố trí ngân sách tỉnh để đầu tư nâng cấp hạ tầng CNTT, xây dựng các phần mềm, hệ thống thông tin chuyên ngành phục vụ quản lý nhà nước và chỉ đạo điều hành của các cơ quan, đơn vị. Xuất phát từ các vướng mắc, bất cập, UBND tỉnh đã có Tờ trình 3979 ngày 23/6/2023 đề nghị HĐND tỉnh ban hành nghị quyết sửa đổi Điều 2 Nghị quyết số 33 ngày 17/9/2020. Cụ thể, UBND tỉnh đề xuất sửa đổi điểm b và điểm c (Điều 2 Nghị quyết 33).