Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng kiểm tra tình hình sạt lở tại Đông Giang và Nam Giang

NGUYÊN ĐOAN 30/10/2020 17:30

(QNO) - Sáng 30.10, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng đã đi khảo sát các điểm đồi có nguy cơ sạt lở tại thị trấn Prao (Đông Giang) và khu vực trung tâm hành chính mới của huyện Nam Giang.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng đi khảo sát thực tế các bết nứt tại đỉnh đồi Kiểm Lâm (thị trấn Prao, Đông Giang). Ảnh: N.Đ
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng đi khảo sát thực tế các vết nứt tại đỉnh đồi Kiểm Lâm (thị trấn Prao, Đông Giang). Ảnh: N.Đ

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng yêu cầu lãnh đạo hai địa phương phải theo dõi, kiểm soát chặt chẽ những điểm có nguy cơ sạt lở đất; ở những nơi cách trở thì giao trách nhiệm cho các đồng chí bí thư, chủ tịch UBND xã theo dõi thường xuyên tình hình dân cư sinh sống gần các địa điểm này. Nơi nào có nguy cơ sạt lở cần phải lên phương án di dời dân, không được chủ quan. “Lãnh đạo tỉnh rất lo lắng đối với tình hình sạt lở đất ở khu vực miền núi” - đồng chí Lê Văn Dũng nói.

Một vết nứt rộng hơn 20cm kéo dài trên đỉnh đồi Kiểm Lâm xuống phía đường quốc lộ 14G. Ảnh: N.Đ
Một vết nứt rộng hơn 20cm kéo dài trên đỉnh đồi Kiểm Lâm xuống phía đường quốc lộ 14G. Ảnh: N.Đ

Theo UBND huyện Đông Giang, đồi Kiểm Lâm (thị trấn Prao) nằm sát quốc lộ 14G trên đỉnh xuất hiện ngày càng nhiều vết nứt có nguy cơ sẽ gây sạt lở đất ảnh hưởng đến 60 hộ dân, với gần 250 nhân khẩu sống trong khu vực. Thời gian qua, khi trời có mưa lớn kéo dài thì chính quyền địa phương lại sơ tán 60 hộ dân đến tranh trú nơi an toàn. Nguy cơ sạt lở rất cao, lãnh đạo huyện rất lo lắng, đề nghị tỉnh quan tâm hỗ trợ di dời hoặc hạ độ cao của đồi Kiểm Lâm để người dân an tâm sinh sống.

Về thiệt hại do bão số 9, ông Đỗ Tài - Bí thư Huyện ủy Đông Giang cho biết, có 2 người bị thương nhẹ được đưa đi cấp cứu an toàn. Bão số 9 làm tốc mái 154 căn nhà (116 nhà chính, 38 nhà phụ); trong đó, có 14 nhà tốc mái hoàn toàn. Tổng giá trị thiệt hại ước tính trên 22 tỷ đồng.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng khảo sát tình hình sạt lở tại đồi núi sau cơ quan Huyện ủy Nam Giang. Ảnh: N.Đ
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng khảo sát tình hình sạt lở tại đồi núi sau cơ quan Huyện ủy Nam Giang. Ảnh: N.Đ

Trong khi đó, tại Nam Giang, quả đồi phía sau cơ quan Huyện ủy Nam Giang đã bị sạt lở, địa phương đã huy động phương tiện cơ giới xử lý lượng đất đá bị sạt lở. Tuy nhiên, quan sát tại hiện trường cho thấy, nguy cơ sạt lở vẫn luôn đe dọa, khả năng sạt lở đất sẽ xảy ra bất cứ lúc nào nếu không có giải pháp xử lý căn cơ.

Ông A Viết Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho biết, ứng phó với bão số 9, huyện đã di dời 148 hộ/551 nhân khẩu. Đến nay, người dân đã về nhà để khắc phục hậu quả cơn bão. Cơn bão làm hư hại hoàn toàn 4 căn nhà; 41 hộ có nhà bị hư hại từ 50 - 70%; tốc mái 43 căn nhà, ngập úng 608 nhà, không xảy ra thiệt hại về người.

Chính quyền huyện Nam Giang đã huy động xe cơ giới xử lý một lượng lớn đất lạt sở. Ảnh: N.Đ
Chính quyền huyện Nam Giang đã huy động xe cơ giới xử lý một lượng lớn đất lạt sở. Ảnh: N.Đ

Biểu dương tinh thần quyết liệt chuẩn bị và ứng phó hiệu quả bão số 9 của cấp ủy, chính quyền và nhân dân hai huyện, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng cho rằng, khó khăn do thiên tai gây ra không ai đoán định được, chính vì vậy, trước mắt trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương là phải chăm lo ổn định đời sống nhân dân sau bão.

Theo đó, đồng chí Lê Văn Dũng đề nghị chính quyền hai địa phương tập trung khắc phục nhanh thiệt hại, các hư hại về nhà cửa cho người dân, bằng mọi phương thức, không để người dân sống trong cảnh màn trời chiếu đất. Nhà nào khó khăn nhất, thiệt hại nặng nề nhất thì phải ưu tiên hỗ trợ khắc phục trước hết, để người dân có chỗ ăn, chỗ ở ổn định; tính toán lồng ghép từ các nguồn khác nhau.

Cùng với đó, chăm lo đời sống nhân dân, không để hộ nào thiếu đói, thiếu gạo, lương thực thực phẩm; phân bổ kịp thời, đầy đủ gạo hỗ trợ của Chính phủ đến từng hộ dân bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do bão lũ. Đồng thời chỉ đạo ngành y tế triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh sau bão lũ, ngập úng. Chuẩn bị tốt các điều kiện để giúp người dân khôi phục sản xuất, sửa chữa các hệ thống công trình công cộng thiết yếu, phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của nhân dân. Chủ động sẵn sàng để ứng phó với cơn bão số 10 dự báo sẽ ảnh hưởng đến khu vực Trung Trung Bộ, không được chủ quan.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng kiểm tra tình hình sạt lở tại Đông Giang và Nam Giang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO