Đời sống

Phố xa, phố gần...

HỨA XUYÊN HUỲNH 18/05/2025 08:12

Khoảng cách địa lý không quá lớn, lại từng “chung một nhà” nên chuyện phố thị ở hai nơi như Quảng Nam – Đà Nẵng đã không quá xa lạ với cộng đồng dân cư. Cuộc dịch chuyển bây giờ cũng vậy, sau chút ngỡ ngàng ban đầu, hẳn phố mới sẽ sớm trở nên thân thuộc…

pho xa-1
Người từ phía Quảng Nam lưu thông ra trung tâm TP.Đà Nẵng ngang qua con đường mang tên Quảng Nam. Ảnh: H.X.H

Những “hướng dẫn viên” bất đắc dĩ

Tin nhắn “nhảy” liên tục ở các cửa sổ chat giữa những người quen đang ở 2 đầu Quảng Nam, Đà Nẵng trong vòng hơn 1 tháng nay, kể từ khi có thông tin hợp nhất.

“Cơ quan mới của em dự kiến nằm ở đường này, vậy là xa hay gần?”, “Chỗ này có nhiều trường học không?”, “Dọ hỏi giúp chị về tình hình nhà trọ hay chung cư ở bên bờ đông sông Hàn với!”, “Giá một lô đất hay căn hộ khu vực Hòa Xuân tầm bao nhiêu nhỉ?”…

Mỗi câu hỏi đặt ra thường có nhiều câu trả lời, để người hỏi có thêm thông tin cân nhắc lựa chọn. Cứ thế, người quen đang định cư ở Đà Nẵng đã trở thành “hướng dẫn viên”, bất đắc dĩ nhưng nhiệt tình.

Có lẽ trước đó những người được cho là “thổ địa” cũng từng phải trải qua giai đoạn chân ướt chân ráo từ nơi khác chuyển đến Đà Nẵng, cũng từng ngơ ngác trước sự khác lạ về không gian sống, về thói quen sinh hoạt, đường sá…

Lúc đó, thắc mắc gì lại bấm điện thoại gọi hỏi. Người này cứ như là “Google map” (ứng dụng bản đồ số) của người kia. Phải mất nhiều thời gian để “làm quen” với phố mới, đoạn nào ngược chiều, hướng đi nào tiện nhất để đến nơi làm việc, đường vòng nào đỡ vướng nhiều đèn đỏ, chỗ nào đậu đỗ xe theo ngày chẵn - lẻ, chỗ nào phải trả phí trên app tự động…

Một cựu cán bộ ngành viễn thông ở tỉnh lỵ Tam Kỳ dù không quá lạ lẫm gì với đường phố Đà Nẵng nhưng vẫn từng đi nhầm vào đường ngược chiều. Mãi đến khi có cảnh sát giao thông chặn lại, anh mới ngớ người ra.

“Nhưng qua vài câu hỏi đáp, vị cảnh sát giao thông kia biết mình chưa quen đường chứ không phải cố ý vi phạm, nên chỉ nhắc nhở. Lại còn chu đáo mời mình một ly cà phê ở quán gần đó, bảo cứ ngồi nghỉ một chút... Mình nhớ mãi “sự cố” đó và cảm thấy rất ấm áp”, anh kể.

Ngọc, cán bộ ngân hàng trẻ có thêm nghề tay trái môi giới bất động sản, cuối tuần qua nhận lời dẫn nhóm 5 người ở Quảng Nam đi xem đất. Họ thuộc nhóm người sắp di chuyển ra Đà Nẵng làm việc.

Gần đây, đa số khách dò tìm đất là người ở các công ty, sở ngành, đơn vị thuộc diện sắp xếp và hết 60% từ Quảng Nam ra. Điều kiện kinh tế khác nhau, mỗi người tự biết nên chọn mua đất ở khu vực nào.

Ngọc mở bản đồ, chỉ cho tôi xem 2 khu dân cư ở bờ nam sông Cẩm Lệ chỉ cách nhau tầm 5km mà giá đã chênh lệch hơn 1 tỉ đồng. Có vợ chồng trẻ chọn lô đất ở kiệt bê tông tít vùng giáp ranh Đà Nẵng - Quảng Nam, cho vừa túi tiền. Biết rõ hoàn cảnh khách hàng này, Ngọc từ chối nhận khoản tiền môi giới. Hình như anh có sự đồng cảm vì cũng vừa rời quê cũ ở Phú Ninh (Quảng Nam) ra Đà Nẵng lập nghiệp chưa lâu...

“Phố xa ngỡ như thật gần…”

Từ hơn 1 tháng nay, chuyện lưu trú cho cán bộ, công chức là đề tài nóng sốt ở những nơi có chủ trương sáp nhập, do phải di chuyển xa trong quãng thời gian đầu. Địa bàn Quảng Nam - Đà Nẵng cũng không ngoại lệ. Đấy là nhu cầu có thật.

pho xa-2
Thông tin "đổi nhà lấy đất" đang được quan tâm trên các kênh. Ảnh: H.X>H

Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng đã chủ động gửi công văn gợi ý cho các đồng sự phía Quảng Nam khảo sát, tổng hợp nhu cầu thuê, mua nhà ở của cán bộ, công chức, viên chức sắp ra nhận công tác ở Đà Nẵng để lập phương án. Bao nhiêu gia đình cần nhà ở, bao nhiêu trường hợp khác cần mua nhà ở xã hội…, tất cả đang được kết nối.

Gần như cùng lúc, trên diễn đàn HĐND hồi cuối tháng 4, phía Quảng Nam đưa câu chuyện ổn định cuộc sống đối với những người dịch chuyển ra thảo luận thì ngoài Đà Nẵng cũng công bố rà soát, đôn đốc hoàn thiện hơn 13.300 căn nhà ở xã hội.

“Nhu cầu nhà ở được dự báo là tăng cao khi cán bộ công chức di chuyển ra Đà Nẵng làm việc”, vị lãnh đạo Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng trả lời tại cuộc họp báo quý 1. Hơn 2.500 căn hộ chung cư đang làm thủ tục xây dựng.

Các dự án nhà ở xã hội từ nguồn vốn đầu tư tư nhân cũng phong phú: Bàu Tràm Lakeside, Đại Địa Bảo, An Trung 2, Hòa Hiệp 4, nam cầu Cẩm Lệ, bờ đông sông Hàn… Những con số liệt kê ít nhiều cũng bước đầu gợi chút cảm giác yên tâm.

Giữa những chuyển động lớn của quá trình hợp nhất 2 tỉnh thành, còn đó một số câu chuyện riêng tư, chuyện nơi ăn chốn ở. Trong đề án sắp xếp, hợp nhất đơn vị hành chính tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng, có 5 tác động tích cực nhưng cũng có đến 4 tác động tiêu cực. “Sẽ có một số khó khăn ban đầu”, Ban Chỉ đạo đề án nhìn nhận, và chủ động đề ra giải pháp.

Trong số các nguyên do của “tác động tiêu cực” ấy, thấy có khoảng cách địa lý giữa cơ quan nhà nước và người dân, nhất là “sự chênh lệch về phân bố dân cư, hoàn cảnh, điều kiện kinh tế của người dân giữa các địa phương”. Nhiều người đang âm thầm điều chỉnh “sự chênh lệch” đó, để “phố xa phố xa ngỡ như thật gần” như ca từ trong “Phố xa” của nhạc sĩ Lê Quốc Thắng.

Đầu tuần này, có chủ tài khoản Facebook ở Tam Kỳ còn đăng status ngắn, thông báo cho những ai chuyển công tác cần đổi nhà ở Tam Kỳ lấy đất ở bờ nam sông Cẩm Lệ, gần trường Chú Ếch Con thì liên hệ. Những thông tin kết nối kiểu này chắc chắn sẽ còn nhiều, và sẽ được nhiều người quan tâm trong những ngày tới.

Gần 30 năm trước, người từ Đà Nẵng vào Quảng Nam công tác đã thuộc nằm lòng câu ca của nhạc sĩ Đoàn Ngọc Bính: “Về với Quảng Nam, như không hề có cuộc chia ly”. Giờ sum họp một nhà, lại thấy có những cuộc dịch chuyển, lại bắt đầu làm quen nơi ở mới, nhưng “mới” mà không quá “lạ”.

Vì phố vẫn cởi mở, dung nạp như xưa, và còn đó những câu chuyện san sẻ giữa người cũ - người mới.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phố xa, phố gần...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO