(QNO) – Đang vào mùa nắng nóng, ngành lâm nghiệp và các địa phương trong tỉnh đang triển khai các phương án phòng cháy chữa cháy rừng, đặc biệt là đổi mới hình thức tuyên truyền và bám sát địa bàn cơ sở nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng.
Phòng ngừa từ cơ sở
Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Trà My được giao quản lý đất rừng tương đối lớn với hơn 54.009ha, trải khắp 10 xã trên địa bàn nên vào đầu mùa khô đơn vị chủ rừng này đã chủ động triển khai các phương án phòng cháy chữa cháy (PCCC) rừng. Trong đó, bố trí lực lượng tuần tra, kiểm tra, giám sát rừng trong lâm phận quản lý; quy định trách nhiệm đối với cán bộ, viên chức, lao động được giao quản lý, bảo vệ rừng (BVR) trên địa bàn xã.
Ông Nguyễn Vĩnh Hiền – Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Trà My cho hay, chủ rừng đã phối hợp với kiểm lâm địa bàn, UBND 10 xã và ban nhân dân thôn tuyên truyền, vận động nhân dân về công tác quản lý, BVR; yêu cầu 100% số hộ dân sống gần khu vực rừng ký cam kết việc đốt thực bì làm rẫy đúng quy định.
“Từ đầu năm nay, chúng tôi đã yêu cầu lực lượng chuyên trách BVR hướng dẫn cho người dân khi đốt thực bì làm rẫy. Tuyên truyền lưu động đến các địa phương để người dân hiểu thêm về mức độ nguy hiểm cháy rừng xảy ra” – ông Hiền nói.
Tuy nhiên, ông Hiền cũng nhìn nhận những năm qua tại một số nơi, người dân khi đốt, dọn thực bì thực hiện phát dọn đường ranh cản lửa không đảm bảo, không thông báo đến chính quyền địa phương và cơ quan liên quan, nên gây ra cháy lan làm ảnh hưởng đến rừng tự nhiên và rừng trồng của nhân dân.
Tại các huyện Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn vào mùa nắng nóng, hanh khô kéo dài cũng là thời điểm người dân chuẩn bị bước vào vụ đốt nương làm rẫy, phát dọn thực bì chuẩn bị cho vụ sản xuất mới. Vì vậy, các địa phương đã thành lập, kiện toàn các tổ PCCC rừng tại thôn, xã, lực lượng chuyên trách BVR của các ban quản lý rừng phòng hộ, Vườn quốc gia Sông Thanh thường xuyên tuần tra ở các khu vực có nguy cơ cháy rừng cao. Kết hợp tuần tra gắn với hướng dẫn người dân làm đường biên an toàn khi đốt thực bì. Các dụng cụ như dao rựa, các vĩ dập lửa, bình bơm nước thủ công… đã được các trạm, tổ BVR trang bị, mua sắm đầy đủ.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, thời điểm này ngành kiểm lâm đã có nhiều văn bản chỉ đạo các chủ rừng, người dân tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp PCCC rừng; khi đốt nương rẫy phải làm vành đai đường băng cản lửa.
Đa dạng hình thức tuyên truyền
Đầu tháng 4/2025, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Quảng Nam đã triển khai tuyên truyền lưu động về PCCC rừng tại xã Duy Sơn (Duy Xuyên) và xã Phước Gia (Hiệp Đức). Ông Huỳnh Đức – Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh cho hay, mùa khô năm 2025, nhận định sẽ xảy ra nắng nóng gay gắt kéo dài, nguy cơ xảy ra cháy rừng cao nên đơn vị đã chủ động đẩy mạnh tuyên truyền bằng hình thức lưu động đến nhân dân nằm trong lưu vực được chi trả dịch vụ môi trường.
Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Quảng Nam cũng phối hợp với kiểm lâm địa bàn, đại diện lãnh đạo xã, các hội đoàn thể và ban quản lý rừng tại địa phương sử dụng xe ô tô gắn loa phát thanh, băng rôn khẩu hiệu để tuyên truyền lưu động trên các tuyến đường chính, nơi tập trung đông dân cư tại các thôn của 2 xã Duy Sơn và Phước Gia.
Nội dung tuyên truyền chủ yếu là các hành vi bị nghiêm cấm; quản lý sản xuất nương rẫy; trách nhiệm của cá nhân, hộ gia đình sinh sống, hoạt động ở trong rừng, ven rừng và các quy định của Luật Lâm nghiệp và nghị định, thông tư hướng dẫn.
Trong khi đó, Hạt Kiểm lâm huyện Hiệp Đức vừa phối hợp với UBND xã Quế Tân tổ chức buổi trình diễn mô hình kỹ thuật PCCC rừng người dân tại thôn Thuận An (xã Quế Tân). Buổi trình diễn được tổ chức tại lô 48, khoảnh 5, tiểu khu 496 - khu vực rừng trồng của 1 hộ dân thôn Thuận An vừa khai thác. Nội dung trình diễn chủ yếu là hướng dẫn quy trình kỹ thuật xử lý thực bì đúng cách sau khai thác, góp phần nâng cao kỹ năng thực hành PCCC rừng trong cộng đồng dân cư, đồng thời hạn chế nguy cơ cháy rừng từ việc đốt thực bì không tuân thủ quy định.
Tại xã Quế Tân, lực lượng tham gia PCCR gồm lãnh đạo UBND xã, lực lượng công an, Ban Chỉ huy Quân sự xã, lực lượng BVR chuyên trách, tổ BVR các thôn, Hợp tác xã Hiệp Thuận. Theo Hạt Kiểm lâm huyện Hiệp Đức, thời gian qua đơn vị đã linh hoạt, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền BVR. Tuy nhiên, hoạt động trình diễn mô hình kỹ thuật PCCC rừng là một hình thức tuyên truyền trực quan sinh động, giúp người dân dễ hiểu, dễ tiếp cận, nâng cao ý thức tự giác trong công tác PCCC rừng.
Để phòng ngừa từ sớm, từ xa cháy rừng, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh triển khai thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường và các nội dung quy định về PCCC rừng tại Quyết định số 16 của UBND tỉnh.
Trong đó yêu cầu thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thông tin cảnh báo cháy rừng trên Website của Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm; Hệ thống quản lý, giám sát tài nguyên rừng tỉnh Quảng Nam (https://quanlyrung.quangnam.gov.vn) để phát hiện sớm các điểm cảnh báo cháy rừng nhằm thông tin cảnh báo kịp thời cho các địa phương, đơn vị, chủ rừng để chủ động kiểm tra, xác minh, hạn chế thấp nhất thiệt hại khi có cháy rừng xảy ra.
Năm 2024, toàn tỉnh xảy ra 8 vụ cháy rừng, thiệt hại diện tích hơn 12ha. Nguyên nhân các vụ cháy do thời tiết nắng nóng cục bộ, người dân đốt thực bì. Từ đầu năm đến nay, Quảng Nam chưa xảy ra vụ cháy rừng nào. Tính đến cuối tháng 4/2025, các địa phương trong tỉnh đã xây dựng, củng cố, nâng cao năng lực hoạt động của 360 tổ, đội BVR và gần 3.000 thành viên tham gia BVR, PCCC rừng.