(QNO) - Tình trạng bất bình đẳng chính là rào cản trong cuộc chiến chống căn bệnh HIV/AIDS, dù thế giới có những tiến bộ về công tác điều trị trong 40 năm qua.
Theo thống kê, ước tính thế giới có khoảng 36,3 triệu người tử vong vì các bệnh liên quan đến HIV/AIDS kể từ khi bắt đầu đại dịch này. Chỉ riêng năm 2020 có gần 700.000 người tử vong.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định, đại dịch Covid-19 đang làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng và gián đoạn các dịch vụ, khiến cuộc sống của nhiều người nhiễm HIV/AIDS trở nên khó khăn hơn và thêm thách thức cho sức khỏe cộng đồng.
Ví dụ, các biện pháp kiềm chế dịch Covid-19 như phong tỏa, giới nghiêm, hạn chế đi lại... gây những tác hại lên bệnh nhân HIV/AIDS. Như trường hợp tỉnh KwaZulu Natal của Nam Phi, sau đợt phong tỏa đầu tiên vào tháng 4.2020, số xét nghiệm HIV ở tỉnh này giảm 48%.
Để phòng chống dịch Covid-19, một số nơi thậm chí huy động cả những nguồn lực dành cho việc phòng chống HIV/AIDS.
Đó là chưa kể lượng vắc xin ngừa Covid-19 ngày càng được phân bổ không cân bằng giữa các nước giàu với nước nghèo, khiến cho tình hình dịch tễ nói chung ở các nước nghèo càng thêm trầm trọng.
Như ở khu vực châu Phi cận sa mạc Sahara - nơi tập trung tới 67% số người nhiễm HIV/AIDS toàn cầu, tính đến tháng 7.2021, chỉ chưa đầy 3% dân số được tiêm ít nhất một liều vắc xin ngừa Covid-19.
WHO cho biết, những người bị nhiễm HIV/AIDS có nguy cơ gặp diễn biến nặng khi gặp Covid-19, dẫn đến tử vong cao gấp đôi so với người bình thường. Đến nay, thế giới vẫn chưa có thuốc đặc trị cũng như vắc xin phòng ngừa HIV/AIDS.
Sự kỳ thị, phân biệt, đối xử liên quan đến HIV/AIDS cũng cản trở cơ hội tiếp cận công bằng các dịch vụ y tế, từ xét nghiệm đến điều trị đối với người bệnh.
Chương trình phối hợp của Liên hiệp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) cảnh báo thêm hàng triệu ca tử vong do AIDS và tiếp tục bị đại dịch tàn phá nếu các nhà lãnh đạo không giải quyết tình trạng bất bình đẳng, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Bà Winnie Byanyima - Giám đốc điều hành UNAIDS tuyên bố: “Đây là một lời kêu gọi hành động khẩn cấp. Tiến trình chống lại đại dịch AIDS, vốn đã đi chệch hướng, giờ còn bị căng thẳng hơn nữa khi cuộc khủng hoảng Covid-19 tiếp tục hoành hành, làm gián đoạn các dịch vụ dự phòng và điều trị HIV/AIDS...”.
Trong bối cảnh đại dịch kéo dài suốt 2 năm qua, người nhiễm HIV/AIDS là đối tượng dễ bị tổn thương, phải đối mặt với mối đe dọa kép. Đại dịch Covid-19 đang khiến cộng đồng quốc tế có nguy cơ lỡ hẹn với mục tiêu phát triển bền vững về chấm dứt HIV/AIDS vào năm 2030.
Do đó, chủ đề của ngày Thế giới phòng chống AIDS (1.12) năm nay: “Chấm dứt bất bình đẳng. Chấm dứt bệnh AIDS” nhằm kêu gọi thế giới chấm bất bình đẳng trong việc tiếp cận các dịch vụ thiết yếu trong dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS, đặc biệt mở rộng tiếp cận thuốc kháng HIV là ARV, để không ai bị bỏ lại phía sau, tiến tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.