Phòng chống tham nhũng, tiêu cực: Đồng bộ giải pháp, xử lý nghiêm vi phạm

HÀN GIANG 27/12/2022 06:40

Việc ban hành Nghị quyết về nâng cao chất lượng phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Tỉnh ủy (khóa XXII) và sau đó thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh theo chỉ đạo của Trung ương đã khẳng định quyết tâm của Quảng Nam trong cuộc đấu tranh “chống giặc nội xâm” mang tính lâu dài, khó khăn và phức tạp.

Trong năm 2022, TAND hai cấp thụ lý giải quyết, xét xử 15 vụ/25 bị cáo liên quan đến hành vi tham nhũng trên địa bàn tỉnh. Ảnh: N.Đ
Trong năm 2022, TAND hai cấp thụ lý giải quyết, xét xử 15 vụ/25 bị cáo liên quan đến hành vi tham nhũng trên địa bàn tỉnh. Ảnh: N.Đ

CHÚ TRỌNG PHÒNG NGỪA, TẬP TRUNG ĐẤU TRANH

Năm 2022, các giải pháp phòng chống tham nhũng được triển khai thực hiện. Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh đã tập trung chỉ đạo xử lý, giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế theo quy định pháp luật.

Ban Nội chính Tỉnh ủy cho biết, sau 6 tháng thành lập, Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) tỉnh đã tổ chức họp 2 phiên định kỳ và 2 phiên họp của Thường trực Ban chỉ đạo. Trên cơ sở đó, quyết định phân công nhiệm vụ cho thành viên Ban chỉ đạo, quy chế làm việc, chương trình công tác đến cuối năm 2022 và các văn bản chỉ đạo về công tác PCTNTC.

Cụ thể, đề nghị Đảng ủy Công an, Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân và Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tỉnh báo cáo tiến độ điều tra, truy tố, xét xử từng vụ án tham nhũng. Đề nghị Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo rà soát công tác đầu tư mua sắm trang thiết bị lĩnh vực y tế, giáo dục, tài nguyên, môi trường…

“Nóng” lĩnh vực đấu thầu, đất đai

Theo Công an tỉnh, năm 2022, xuất hiện một số đơn thư tố cáo, khiếu nại, khiếu kiện về việc lựa chọn các nhà thầu trúng thầu không đáp ứng tiêu chí về năng lực kinh nghiệm, tiêu chuẩn kỹ thuật theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu, không đảm bảo công bằng của các chủ đầu tư,... làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự về quản lý nhà nước đối với công tác đấu thầu mua sắm tài sản công, thực hiện các dự án đầu tư phát triển.

Đại tá Nguyễn Hà Lai - Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết, trong năm, Công an tỉnh xác lập 4 chuyên án, đấu tranh trong lĩnh vực này và đã triệt phá 2 chuyên án, khởi tố 3 vụ/10 bị can về các tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Đưa hối lộ” và “Nhận hối lộ”.

Hiện nay, lực lượng công an tiếp tục xác minh thông tin, vụ việc có dấu hiệu sai phạm, khởi tố các đối tượng liên quan đến vấn đề đấu thầu. Qua công tác điều tra về đấu thấu nổi lên một số sai phạm như: nhiều chủ đầu tư, ban quản lý dự án lợi dụng việc tư vấn để đấu thầu, từ đó đưa ra những thông tin mời thầu, thẩm định thầu, trúng thầu không đúng quy định, có lợi theo ý chủ đầu tư. 

Trên lĩnh vực đất đai, một số người, có cán bộ, công chức đã lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao và công tác quản lý lỏng lẻo, đặc biệt là thiếu kiểm tra, giám sát trong thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất, bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất, cấp sổ đỏ,… để thực hiện hành vi trái pháp luật, gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, công dân.

Đấu tranh với tội phạm này, Đại tá Nguyễn Hà Lai cho hay, năm 2022 lực lượng công an đã khởi tố 5 vụ/11 bị can. Các đối tượng đã gây thiệt hại 176ha đất và 340 triệu đồng.

Gần đây, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Nguyễn Như Nhân - công chức địa chính xã Duy Trung (Duy Xuyên) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Với thủ đoạn đưa thông tin gian dối về khả năng làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tách thửa, làm thủ tục giao đất có thu tiền sử dụng đất, Nguyễn Như Nhân đã nhiều lần nhận tiền của người dân để làm thủ tục đất đai; nhận tiền đặt cọc để bán đất do UBND xã quản lý; nhận tiền để chuyển đổi mục đích từ đất màu, đất trồng cây lâu năm sang đất ở.

Cùng phối hợp giải quyết

Theo Phó Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Đặng Thị Minh Nguyệt, trong quá trình giải quyết các vụ việc, vụ án, từ giai đoạn khởi tố, điều tra đến truy tố, xét xử, các cơ quan tư pháp tỉnh đã quán triệt, chỉ đạo thực hiện nghiêm cơ chế phối hợp theo Công văn số 580 ngày 28/11/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thống nhất quan điểm xử lý, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án theo quy định. Đồng thời khắc phục triệt để việc truy tố, xét xử bị cáo phạm tội tham nhũng được hưởng án treo không đúng quy định.

Kịp thời phối hợp áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để truy tìm, thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản ngay từ giai đoạn điều tra, xác minh vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế để ngăn chặn việc chuyển nhượng, tẩu tán tài sản và tăng cường động viên người phạm tội tự nguyện giao nộp tài sản tham nhũng, khắc phục hậu quả, nhất là vụ án tham nhũng lớn.

Ông Trần Hoài Nam - Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh cho biết, năm 2022, đơn vị đã thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử 4 vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ được Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo. Các vụ án này đã được xét xử nghiêm minh và kịp thời, đúng theo quy định của pháp luật.

Trong quá trình điều tra, xét xử, liên ngành Công an - Viện Kiểm sát - Tòa án tỉnh đã tổ chức các cuộc họp để trao đổi, thống nhất xử lý đối với các vụ án, vụ việc phức tạp, có nhiều quan điểm khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, như vụ “Gian lận bảo hiểm y tế” xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam; “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Đại Lộc và Hội An; “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ban Quản lý dự án và quỹ đất TP.Hội An…

“Đây là những vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, có nhiều quan điểm khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, bị can liên tục kêu oan nhưng lãnh đạo Viện Kiểm sát tỉnh cùng Kiểm sát viên đã thể hiện bản lĩnh, kinh nghiệm trong hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, xét xử các vụ án; đồng thời đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng nên các vụ án đã được xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật” - ông Nam nói.

CHUYỂN ĐỔI VỊ TRÍ CÔNG TÁC ĐỂ PHÒNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC

Là một trong những giải pháp quan trọng của công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, song từ kết quả giám sát của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho thấy, việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức theo quy định vẫn còn chậm...

Thực hiện công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của các đơn vị, địa phương; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt; chấp hành nghiêm các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC). Đó là những giải pháp phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) đã được UBND tỉnh chỉ đạo triển khai trong thời gian qua.

Giám sát việc thực hiện quy định về định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với CBCCVC thuộc UBND cấp huyện đã được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tiến hành trong năm nay. Theo đó, tổng số CBCCVC thuộc diện định kỳ phải chuyển đổi vị trí công tác là 634 người; trong đó có 359 người đủ điều kiện nhưng chưa thực hiện chuyển đổi vị trí công tác.

Nêu ra các hạn chế dẫn đến việc thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong đội ngũ CBCCVC tại các địa phương còn chậm so với quy định, báo cáo giám sát cũng chỉ ra nhiều ưu điểm.

UBND các cấp đã xác định công tác PCTNTC là nhiệm vụ thường xuyên của địa phương. Từ đó, tập trung thực hiện quy định về định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với CBCCVC thuộc thẩm quyền quản lý.

Định kỳ hằng năm, chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch thực hiện bảo đảm quy trình, công khai, minh bạch, dân chủ, phù hợp với cơ cấu ngạch, chức danh nghề nghiệp, trình độ chuyên môn, năng lực, sở trường công tác và điều kiện thực tế của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Quá trình tổ chức thực hiện có sự giám sát Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp và các tầng lớp nhân dân.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Phi Hùng đánh giá: “Việc thực hiện quy định về định kỳ chuyển đổi vị trí công tác tại các địa phương bước đầu tạo sự thay đổi, chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, sử dụng hợp lý đội ngũ CBCCVC.

Trong đó, từng bước khắc phục tình trạng trì trệ, tăng cường đổi mới, phát huy tính sáng tạo, nâng cao hiệu quả công tác của đội ngũ CBCCVC, góp phần PCTNTC trong hoạt động của chính quyền các cấp”.

Sau giám sát, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh kiến nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp thực hiện đúng quy định của Tỉnh ủy về chuyển đổi vị trí công tác đối với CBCCVC trong hệ thống chính trị theo Quy định 455-QĐ/TU ngày 28/2/2022.

Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời chấn chỉnh, kiểm điểm trách nhiệm đối với các cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện không nghiêm túc các quy định trên. Đối với UBND tỉnh, sớm ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ hợp lý để động viên, khuyến khích CBCCVC thuộc đối tượng chuyển đổi vị trí công tác yên tâm làm việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhất là các địa phương miền núi, vùng đặc biệt khó khăn…

CỦNG CỐ NIỀM TIN, VÌ SỰ PHÁT TRIỂN

Nhận diện, tiếp tục chấn chỉnh những hạn chế và tăng cường thực hiện biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực là yêu cầu đặt ra ở thời gian tới.

Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy chủ trì hội nghị tổng kết công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp năm 2022. Ảnh: N.Đ
Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy chủ trì hội nghị tổng kết công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp năm 2022. Ảnh: N.Đ

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường - Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh: Không để oan sai, bỏ lọt tội phạm

Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) đã được tỉnh tập trung chỉ đạo rất quyết liệt, tuy nhiên, nạn tham nhũng vặt, tham nhũng có tổ chức vẫn còn xảy ra. Với tinh thần tự soi, tự sửa, ban thường vụ cấp ủy một số địa phương xảy ra các vụ việc tham nhũng, tiêu cực cần kiểm điểm, rút kinh nghiệm, có giải pháp quyết liệt hơn trong công tác PCTNTC trong thời gian tới.

Từ thực tiễn vừa qua, chúng ta nghiêm túc kiểm điểm lại những hạn chế, sai sót liên quan đến lĩnh vực đấu tranh PCTNTC để thực hiện hiệu quả hơn, củng cố niềm tin, tạo đà cho sự phát triển chung của tỉnh.

Hiệu quả PCTNTC còn ở việc tiếp tục đổi mới hoạt động của cơ quan tư pháp, nâng cao chất lượng hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Bốn cơ quan này phối hợp chặt chẽ với nhau, không để “quyền anh, quyền tôi”, thống nhất quan điểm trong xử lý các vụ án, vụ việc hướng đến mục tiêu chung nhất là vì quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người dân, đừng để oan sai, bỏ lọt tội phạm.

Ban Nội chính Tỉnh ủy cho biết, cơ quan điều tra Công an tỉnh điều tra 12 vụ/16 bị can phạm tội về tham nhũng kinh tế, chức vụ; trong đó, năm 2021 chuyển sang 2 vụ/3 bị can; khởi tố mới 9 vụ/12 bị can. Viện Kiểm sát nhân dân hai cấp đã thụ lý 7 vụ/12 bị can, đã giải quyết xong 6 vụ/11 bị can, còn lại 1 vụ/1 bị can. Tòa án nhân dân hai cấp thụ lý giải quyết, xét xử 15 vụ/25 vị cáo; cụ thể, đã giải quyết, xét xử sơ thẩm 11 vụ/19 bị cáo; xét xử phúc thẩm 4 vụ/6 bị cáo.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh: Khắc phục những sơ hở

Tỉnh sẽ kiên quyết, kiên trì thực hiện các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn. Trong đó, đề cao sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong PCTNTC.

Tập trung rà soát cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội và PCTNTC, nhất là pháp luật liên quan đến đấu giá, đấu thầu, quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, tài chính công, xã hội hóa, ngân hàng, tài chính, xây dựng, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp...

Kịp thời khắc phục những hạn chế, sơ hở dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, thi hành án; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh, đồng bộ các hành vi tham nhũng, tiêu cực; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng gây nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.

Ông Nguyễn Mạnh Hà - Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy: Kịp thời tháo gỡ vướng mắc

Để công tác phối hợp giữa Ban Nội chính Tỉnh ủy với Đảng ủy Công an tỉnh, Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát tỉnh, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tỉnh hiệu quả hơn, các cơ quan nghiên cứu, tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy sửa đổi, bổ sung các quy chế phối hợp theo hướng ban hành mới đảm bảo đầy đủ phạm vi, nội dung phối hợp đúng chức năng, nhiệm vụ được giao của mỗi cơ quan.

Cần bổ sung phạm vi phối hợp cho Ban Chỉ đạo PCTNTC tỉnh; quy định cụ thể, rõ ràng, đầy đủ hơn về cơ chế phối hợp trao đổi thông tin, tài liệu liên quan đến các vụ việc, vụ án; nội dung phối hợp tham mưu thực hiện cơ chế chỉ đạo xử lý vụ việc, vụ án; phân công đầu mối giúp việc mỗi cơ quan trong thực hiện quy chế.

Các cơ quan thường xuyên cung cấp thông tin diễn biến, tiến độ điều tra, truy tố xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ và tiến độ xử lý các vụ việc trị an xã hội trong danh mục theo dõi xử lý.

Ông Nguyễn Đức Tiến - Chánh Thanh tra tỉnh: Tăng cường thanh tra trách nhiệm

Thanh tra tỉnh chỉ đạo toàn ngành tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 23 ngày 25/4/2022 của Tỉnh ủy (khóa XXII) về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PCTNTC, lãng phí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch triển khai cụ thể hóa nghị quyết của UBND tỉnh.

Thực hiện nghiêm cơ chế phối hợp, xử lý sai phạm trong quá trình kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án theo đúng tinh thần Công văn số 529 ngày 22/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Toàn ngành sẽ thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, địa phương trong thực hiện pháp luật về PCTNTC, nhất là công tác kê khai tài sản, xác minh tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Thực hiện quy định về công khai, minh bạch trên các lĩnh vực, đặc biệt trong quy hoạch, sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, dự án đầu tư; tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phòng chống tham nhũng, tiêu cực: Đồng bộ giải pháp, xử lý nghiêm vi phạm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO