Huyện Đại Lộc nỗ lực kiện toàn các phương án, lên kịch bản sẵn sàng ứng phó với thiên tai trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Việc triển khai các phương án đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản nhân dân trong mùa mưa bão, đảm bảo an toàn dịch bệnh là nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết.
Chú trọng các vùng xung yếu
Xã Đại Lãnh nằm ở vùng thung lũng, được bao bọc bởi núi và 2 con sông Vu Gia và sông Côn, thường bị ngập sâu trong mưa lũ. Địa phương cũng thường xuyên đối diện với nạn sạt lở ven sông, ảnh hưởng tới một số nhà dân thôn Tân Hà, Hà Dục Đông và Hà Tân. Những năm gần đây lại thêm loại hình sạt lở núi đe dọa an toàn về tính mạng, tài sản nhân dân tại thôn Tân Hà.
Theo bà Trương Thị Minh Phương - Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh, hằng năm, địa phương gánh chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai. Toàn xã có 2.142 nhà kiên cố, vẫn còn 163 nhà bán kiên cố nên địa phương luôn chú trọng công tác phòng chống thiên tai. Trước mùa mưa lũ năm 2021, xã tiếp tục khảo sát nhà dân có nguy cơ sạt lở núi ở Tân Hà, lên kế hoạch sơ tán một số hộ dân khi có mưa to và xuất hiện áp thấp nhiệt đới, bão trên Biển Đông.
Xã và huyện đã khảo sát các công trình xung yếu, trọng điểm làm điểm di dời tập trung dân cư trong tình huống khẩn cấp như trường học, trụ sở cơ quan, đơn vị. Lực lượng thường trực phòng chống thiên tai cũng như phòng chống dịch Covid-19, lực lượng tại chỗ của xã đã được kiện toàn, sẵn sàng ứng phó với “thách thức kép”.
Theo ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, huyện đã chỉ đạo rà soát toàn bộ số hộ dân sống ở khu vực ven sông, ven suối, vùng đối diện với nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét, lên phương án di dời xen ghép 356 hộ dân/825 nhân khẩu và di dời tập trung 659 hộ/2.048 nhân khẩu nhằm ứng phó với thiên tai.
Hiện 15 hộ dân sống ở vùng sạt lở ven sông, ven núi thuộc khu vực Đền tưởng niệm Trường An (Đại Quang), đồi Thượng Đức thôn Tân Hà (Đại Lãnh), đồi núi ven tuyến quốc lộ 14B qua xã Đại Hồng đã được huyện chỉ đạo lên phương án sẵn sàng di dời...
Ứng phó “thách thức kép”
Theo ông Lê Văn Quang - Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) huyện Đại Lộc, phải đảm bảo 2 mục tiêu là hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gắn với đảm bảo an toàn phòng dịch Covid-19. Phải đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản, không để dịch lây lan, đặc biệt trong hoạt động sơ tán, ứng phó với thiên tai.
Huyện chỉ đạo chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, vật tư y tế phòng chống dịch Covid-19 trong thiên tai, bão lũ, chuẩn bị hàng nghìn hộp khẩu trang, hàng nghìn chai nước sát khuẩn, hàng nghìn liều thuốc sơ cấp cứu...
Các địa điểm cách ly đã được bố trí trong kế hoạch ứng phó với “thảm họa kép” khi thiên tai và dịch bệnh đồng thời phát sinh. Các phương án, kịch bản ứng phó với tình trạng ngập lụt theo các cấp độ thiên tai, tương ứng với mực nước sông Vu Gia ở các mức báo động và các cấp độ của bão lũ đã sẵn sàng.
Ông Lê Văn Quang cho biết, huyện ưu tiên triển khai tiêm vắc xin cho lực lượng làm công tác PCTT-TKCN và người dân thuộc diện sơ tán trong thiên tai. Chuẩn bị khu cách ly tập trung cho F0, F1 trong điều kiện lũ lụt chia cắt ở tuyến huyện và xã/thị trấn. Các phương án sơ tán dân cần chú trọng theo hướng tăng cường sơ tán tại chỗ, hạn chế sơ tán tập trung, phòng tránh dịch bệnh...
Xây dựng kịch bản xử lý tình huống nếu xuất hiện người có triệu chứng nghi nhiễm dịch bệnh, có F0 tại điểm tránh trú an toàn. Giao nhiệm vụ cho Trung tâm Y tế huyện phải có phương án xét nghiệm nhanh cho lực lượng PCTT-TKCN, lực lượng phòng chống dịch bệnh trước và sau thiên tai, người dân tại các điểm sơ tán khi được về nhà và có kế hoạch lấy mẫu xét nghiệm nhanh, test nhanh, cách ly trong khu sơ tán khi có “thảm họa kép” xảy ra. Phối hợp với bệnh viện tại địa phương có kế hoạch dự phòng đủ cơ số thuốc thiết yếu phục vụ phòng và điều trị bệnh cho nhân dân...