Khoa học - Công nghệ

Xây dựng cơ sở dữ liệu, Quảng Nam tăng năng lực ứng phó thiên tai

THÀNH CÔNG (thanhcongbck31@gmail.com) 18/02/2025 10:00

Trong bối cảnh thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phòng chống thiên tai tại Quảng Nam được xem là một bước tiến quan trọng nhằm tăng cường năng lực quản lý rủi ro và đảm bảo an toàn cho người dân. Triển khai cơ sở dữ liệu phòng chống thiên tai không chỉ giúp nâng cao hiệu quả giám sát mà còn hỗ trợ kịp thời trong công tác ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.

Công tác phòng chống thiên tai đòi hỏi sự chủ động trong
Cơ sở dữ liệu về phòng chống thiên tai sẽ giúp tăng cường năng lực ứng phó trong thực tiễn. Ảnh minh họa: THÀNH CÔNG

Hiện trạng hạ tầng

Tỉnh Quảng Nam hiện có 73 hồ chứa thủy lợi và 42 dự án thủy điện đang vận hành theo quy trình liên hồ, góp phần quan trọng trong điều hòa lưu lượng dòng chảy, giảm lũ và cung cấp nước tưới tiêu. Tỉnh cũng có 10 khu neo đậu tàu thuyền, trong đó có 4 khu đạt tiêu chuẩn tránh trú bão với sức chứa lên đến 1.850 tàu cá.

Bên cạnh đó, hệ thống đê điều với 124km đê ngăn mặn đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ đất sản xuất và nuôi trồng thủy sản. Hệ thống kè bảo vệ bờ sông, bờ biển đã giúp giảm thiểu tình trạng xói lở, nhưng vẫn cần được đầu tư và nâng cấp để đảm bảo hiệu quả lâu dài.

Trong khi đó, hệ thống điện và viễn thông đã có những cải thiện đáng kể nhằm duy trì thông tin liên lạc trong mùa mưa bão, hỗ trợ đắc lực cho công tác điều phối cứu hộ cứu nạn.

Một mô hình tháp cảnh báo lũ. Ảnh minh họa
Một mô hình tháp cảnh báo lũ. Ảnh minh họa: P.G

Theo ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Quảng Nam đã tập trung đầu tư phát triển mạng lưới trạm thủy văn chuyên dùng phục vụ công tác phòng chống thiên tai. Đến nay trên địa bàn tỉnh có 199 trạm khí tượng thủy văn, bao gồm 55 trạm thuộc mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia và 144 trạm quan trắc chuyên dùng phục vụ công tác phòng chống thiên tai (PCTT).

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đang thuê bao dịch vụ 17 trạm đo mưa và 3 trạm đo mưa kết hợp với đo mực nước tự động chuyên dùng từ năm 2024 đến 2027. Đồng thời, quản lý vận hành 26 trạm đo mưa chuyên dùng do các đơn vị, tổ chức tài trợ phục vụ công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, các chủ đập thủy điện đã xây dựng 27 trạm loa thông tin, mốc báo ngập lụt vùng hạ du, cùng các biển chỉ dẫn vùng ngập hạ du, cảnh báo công tác vận hành, điều tiết hồ chứa cho nhân dân vùng hạ du biết, sơ tán về những vị trí an toàn khi xảy ra các tình huống ngập lụt.

Bên cạnh đó, hệ thống giám sát thiên tai được tích hợp trên các cổng thông tin điện tử như http://vndms.dmptc.gov.vnhttps://pctt.quangnam.gov.vn, hỗ trợ theo dõi diễn biến mực nước, cảnh báo lũ, và điều phối công tác ứng phó khẩn cấp. Chi cục Thủy lợi Quảng Nam đang thuê bao dịch vụ lập phần mềm ứng dụng trên điện thoại di động, máy tính và biên tập nội dung về hoạt động PCTT nhằm nâng cao khả năng chủ động phòng tránh thiên tai cho tỉnh Quảng Nam (Apps PCTT) và quản lý vận hành phần mềm ứng dụng hỗ trợ việc điều hành, quản lý ứng phó trong công tác sơ tán dân.

“Ban Chỉ huy PCTT&TKCN đề xuất triển khai các tháp cảnh báo lũ tại các khu vực dễ bị ngập lụt nhằm tăng cường khả năng ứng phó khẩn cấp và cảnh báo sớm cho người dân. Việc tích hợp công nghệ vào cơ sở dữ liệu PCTT giúp tạo ra một hệ thống đồng bộ, nâng cao hiệu quả PCTT trên toàn tỉnh” - ông Trương Xuân Tý nói.

Thí điểm hệ thống cảnh báo

Mặc dù tỉnh Quảng Nam đã có những bước tiến đáng kể trong công tác PCTT, nhưng vẫn còn nhiều thách thức cần giải quyết. Hạ tầng giao thông chưa đảm bảo, đặc biệt tại các vùng núi cao như Bắc Trà My, Nam Trà My, Phước Sơn khiến việc cứu hộ và tiếp cận vùng bị ảnh hưởng trở nên khó khăn.

Cảnh báo lũ quét, sạt lở hoặc sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy. Ảnh minh họa: T.C
Quảng Nam sẽ triển khai thí điểm thuê dịch vụ hệ thống giám sát cảnh báo lũ, ngập lụt trên địa bàn tỉnh. Ảnh minh họa: THÀNH CÔNG

Bên cạnh đó, nhân lực PCTT cấp huyện và xã còn hạn chế, nhiều cán bộ kiêm nhiệm, chưa được đào tạo chuyên sâu, làm ảnh hưởng đến hiệu quả triển khai kế hoạch ứng phó.

Ngoài ra, nguồn lực tài chính dành cho bảo trì và nâng cấp hệ thống đê điều, hồ chứa còn thiếu hụt, dẫn đến nguy cơ hư hỏng, ảnh hưởng đến năng lực chống chịu của các công trình này. Việc đầu tư vào công nghệ giám sát, cảnh báo sớm cũng cần được ưu tiên để đảm bảo tính chính xác và kịp thời của thông tin trong các tình huống khẩn cấp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu đánh giá cao nỗ lực của Sở NN&PTNT trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo PCTT. Tuy nhiên, ông Bửu cũng cho rằng hệ thống vẫn còn những điểm cần cải thiện để đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả trong việc kết nối, tích hợp và chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan liên quan nhằm hỗ trợ người dân cập nhật thông tin kịp thời.

“Để giải quyết vấn đề này, các sở ngành phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành PCTT và triển khai thí điểm thuê dịch vụ hệ thống giám sát cảnh báo lũ, ngập lụt trên địa bàn tỉnh.

Sở TN-MT cung cấp bản đồ số và thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn, đồng thời chỉ đạo Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam tích hợp dữ liệu quan trắc vào hệ thống chung để nâng cao hiệu quả giám sát. Các huyện, thị xã và thành phố rà soát, đề xuất lắp đặt tháp cảnh báo lũ tại những khu vực trọng điểm nhằm hỗ trợ tốt hơn công tác PCTT trên địa bàn tỉnh” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu chỉ đạo.

Triển khai cơ sở dữ liệu PCTT là một bước tiến quan trọng giúp Quảng Nam nâng cao năng lực quản lý rủi ro và ứng phó thiên tai một cách hiệu quả. Với sự quan tâm đầu tư từ chính quyền, cùng với sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở ngành, tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu từng bước củng cố hạ tầng PCTT, đảm bảo an toàn cho người dân và hướng đến phát triển bền vững trong tương lai.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xây dựng cơ sở dữ liệu, Quảng Nam tăng năng lực ứng phó thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO