Nhiều ngày qua, vụ cháy chung cư mini trên phố Khương Hạ, Thanh Xuân, Hà Nội vẫn còn gây ám ảnh kinh hoàng, với 56 người chết, 37 người bị thương.
Cùng với sự chia sẻ nỗi đau trước thảm nạn đồng bào, khắp nơi dấy lên nỗi bất an khi thấy những nguy cơ cháy còn treo lơ lửng đâu đó. Câu hỏi đặt ra của nhiều người là nhà mình, khu phố mình,… có thể thoát chuyện cháy không? Chuyện này phụ thuộc nhiều điều kiện và cần giải quyết vấn đề cả ngọn lẫn gốc.
Ở phần ngọn câu chuyện chữa cháy thì “nóng đâu phủi đó” là phải rồi. Trước hết là yêu cầu tăng cường lực lượng, phương tiện chữa cháy để đủ sức dập tắt các đám cháy.
Thứ đến, chỉ thị, công văn các cấp, ngành “đổ bộ” xuống cơ sở yêu cầu thực hiện đúng quy định phòng chữa cháy; tuyên truyền vận động dân chúng sắm sửa bình chữa cháy (cho hay mấy ngày qua các nhóm zalo từ cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ dân phố liên tục nhắc thống kê “nhà tôi có bình chữa cháy”).
Thứ nữa, cơ quan chức năng xới xáo việc rà soát nhà nào xây không đủ điều kiện phòng cháy, cơi tầng trái phép thì… cắt ngọn. Thêm việc là phòng bị chỗ nào dễ gây cháy nổ…
Chung quy là nhao lên lo lắng mà nếu thử để giây phút tĩnh lặng suy nghĩ có khi thấy chuyện “mất bò mới lo làm chuồng” thường lặp đi lặp lại vậy. Vì rằng, nếu chuyện phòng cháy chữa cháy là đương nhiên, thường xuyên, đã là nếp phản xạ trong ý thức thì lẽ ra phải sớm tính đến cái gốc vấn đề.
Vậy bắt đầu xử lý cái gốc vấn đề thế nào? Là ngay ở trật tự câu chữ “phòng cháy” trước “chữa cháy”. Xưa cũng như nay, “thủy hỏa đạo tặc”, khi “giặc” nước và lửa đã tràn tới, bùng lên thì khó đỡ.
Nhiều nước giàu mà bao trận lũ lụt, sóng thần, cháy rừng, cháy phố… còn cuốn phăng biết bao nhà cửa, tài sản. Bởi thế khó chống “giặc” nước lửa mà chỉ có thể phòng bị để giảm thiệt hại, tương tự với thiên tai, người ta bây giờ hay nói “phòng tránh” vậy.
Để phòng cháy có lẽ vừa phải chi tiết, chi li, vừa có kế hoạch tổng thể, toàn diện, giải quyết cả gốc lẫn ngọn. Trừ những ngọn nguồn gây cháy do trời làm (sấm sét, núi lửa…) đành chịu, nhưng những hiểm họa từ nhân tạo gây ra thì đều cần dự lường cách phòng tránh.
Chẳng hạn, các khu nhà ổ chuột chen chúc, chung cư đông đúc lộn xộn, quán karaoke đóng kín, chợ chất chồng hàng hóa, kho xăng, cửa hàng ga… đều là nguồn ẩn họa dễ rước bà hỏa, phải thường trực, thường xuyên kiểm soát, kiểm tra việc phòng cháy.
Bên cạnh đó, phải rà thường xuyên các điều kiện để phương tiện có thể tiếp cận khi cháy nổ bùng lên. Ví như đường thoát hiểm, đường hành lang cho lực lượng chữa cháy, không thể để bịt bùng, ai cũng lấn ra chiếm dụng được.
(Nói đâu xa, ngay ở đô thị trẻ như Tam Kỳ, ở nhiều khu dân cư mới, tình trạng lấn chiếm hết đường thoát hiểm phía sau các dãy nhà mà chưa giải tỏa được?!).
Lại nữa, phải có các hồ chứa nước, tụ tiếp nước và kiểm tra xem có đáp ứng yêu cầu vận hành khi hữu sự không (có trường hợp xe chữa cháy đến lấy nước chữa cháy thì hồ khô rang, tụ tiếp nước bị bịt kín, nên trong thời gian xoay xở khắc phục thì đám cháy đã thiêu rụi cả rồi). Như thế, tổng thể từ quy hoạch đến quản lý xây dựng (nhất là đô thị) đều phải đảm bảo từ đầu các điều kiện phòng cháy.
Cuối cùng là kỹ năng phòng cháy, chữa cháy. Có phương tiện, thiết bị mà chẳng biết sử dụng sao cho kịp thời, hiệu quả, thì cũng… chết cả. Chuyện đó phải trông cậy cơ quan chức năng huấn luyện cho các tổ cộng đồng tại chỗ, đến từng người dân.
Không ngẫu nhiên khi một video về anh cảnh sát hướng dẫn kỹ năng phòng cháy, thoát khỏi đám cháy lại được đông đảo người dân chia sẻ rầm rộ. Đó là vì người ta rất cần biết cách nào giữ được tính mạng, tài sản của mình trước hiểm họa cháy nổ mà nhìn chỗ nào cũng lo.