Phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở Phú Ninh: Mạnh dạn sản xuất theo hướng hàng hóa

HÀN GIANG 26/09/2023 08:45

Phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi ở huyện Phú Ninh giai đoạn 2018 - 2023 có bước phát triển về lượng và chất. Nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ.

Hội Nông dân huyện Phú Ninh trao giấy khen các cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi giai đoạn 2018 - 2023. Ảnh: N.Đ
Hội Nông dân huyện Phú Ninh trao giấy khen các cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi giai đoạn 2018 - 2023. Ảnh: N.Đ

Nhiều mô hình cho thu nhập trăm triệu đồng

Năm 2018, hộ ông Hồ Văn Pháp (thôn Phú Yên, xã Tam Đàn) mạnh dạn trồng thí điểm rau màu các loại trên diện tích 1.000m2. Mô hình cho hiệu quả, ông chuyển đổi toàn bộ ruộng lúa, đất màu, đất trồng lạc, khoai sang trồng rau chuyên canh.

Ông Pháp tiếp tục nhân rộng mô hình bằng cách mua đất của các hộ liền kề, nâng diện tích trồng rau chuyên canh của gia đình lên 8.000m2. Theo ông Pháp, để sản xuất hiệu quả cao, ông vừa làm vừa học hỏi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, bố trí từng loại rau cho thích hợp với loại đất.

Theo Hội Nông dân huyện Phú Ninh, giai đoạn 2018 - 2023, bình quân hàng năm, số lượng hội viên, nông dân đăng ký đạt danh hiệu nông dân SXKDG các cấp đạt 70,13% so với hộ nông dân. Kết quả bình chọn, có 4.548 hộ nông dân đạt danh hiệu hộ SXKDG các cấp; trong đó, cấp xã 3.137 hộ, huyện 1.186 hộ, tỉnh 205 hộ và trung ương 8 hộ. Nhiều địa phương có số hộ đăng ký và đạt danh hiệu SXKDG cao là xã Tam An, Tam Phước, Tam Dân, Tam Thành, Tam Đàn.

“Mô hình này cho thu nhập hằng năm khoảng 250 triệu đồng, trừ chi phí và công chăm sóc gia đình tôi lãi khoản 160 triệu đồng. So với trồng lúa, đậu, mè, mô hình trồng rau chuyên canh thu lãi gấp 7 lần; giải quyết việc làm thường xuyên cho 3 lao động địa phương với mức lương 3,5 triệu đồng/tháng/người. Tôi còn giúp đỡ tiền học phí cho 2 sinh viên nghèo, đến nay 2 cháu đều đã ra trường và có việc làm ổn định” - ông Pháp chia sẻ.

Trước đây, vợ chồng ông Nguyễn Thanh Trung (thôn Trường Mỹ, xã Tam Thái) phải làm đủ các nghề nhưng cũng không thoát khỏi cảnh khó khăn.

Được sự hướng dẫn kỹ thuật của Hội Nông dân xã và hỗ trợ vay 50 triệu đồng, ông Trung đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi hơn 200 con thỏ thịt, trừ các khoản chi phí còn lãi ròng 60 triệu đồng ở năm đầu. Làm ăn hiệu quả, ông Trung tìm tòi học hỏi thêm kinh nghiệm ở nhiều nơi, trên sách báo, internet… và mạnh dạn đầu tư mở rộng mô hình nuôi thỏ.

Ông Trung cho biết: “Hiện chuồng trại của tôi có 100 cặp thỏ sinh sản, hơn 500 con thỏ thịt và hơn 300 con thỏ con. Mỗi tháng tôi xuất bán khoản 5 - 7 tạ thỏ thương phẩm cho các quán ăn, nhà hàng đặc sản trong và ngoài tỉnh. Trừ chi phí mỗi năm gia đình tôi thu lãi hơn 120 triệu đồng. Có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm đầy đủ tiện nghi trong gia đình và cho các con ăn học”.

Liên kết sản xuất

Phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi (SXKDG) giai đoạn 2018 - 2023 tại Phú Ninh đã sản sinh nhiều hộ gia đình tiêu biểu, đạt thu nhập hơn một tỷ đồng/năm.

Có thể kể đến hộ gia đình ông Đặng Xuân Hòa (thôn Tân Phú, xã Tam Phước); Đỗ Quang Diêm Khánh (thôn Tân Quý, xã Tam Vinh) với mô hình chăn nuôi heo siêu nạc kết hợp với dịch vụ cung ứng thức ăn gia súc, gia cầm cho thu nhập hơn 2,5 tỷ đồng/năm. Còn hộ ông Nguyễn Văn Học (thôn An Thiện, xã Tam An) với mô hình chăn nuôi gà đẻ trứng công nghệ cao với doanh thu hơn 9 tỷ đồng/năm...

Nhằm mở rộng quy mô, trao đổi kinh nghiệm, tăng hiệu quả SXKD, nhiều hộ nông dân SXKDG đã tham gia thành lập chi, tổ hội nghề nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm liên kết.

Tiêu biểu như chi hội chăn nuôi bò 3B ở thôn Hòa Bình (xã Tam Thái); chi hội nông dân nghề nghiệp nuôi ốc bưu đen tại thôn Đại An (xã Tam Đại); tổ hội nghề nghiệp hồ tiêu xã Tam Thành...

Theo bà Lê Thị Bích Phượng - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Ninh, thời gian qua, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi nghề nghiệp sang làm dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, giải quyết lao động tại địa phương.

Phong trào nông dân SXKDG giai đoạn 2018 - 2023 của huyện đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động nông thôn và nâng cao tỷ lệ lao động phi nông nghiệp. Trong phong trào đã xuất hiện nhiều hộ có quy mô sản xuất lớn, thu hút nhiều lao động, mang lại thu nhập hàng năm từ hàng triệu đồng đến hàng tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2023 - 2028, phong trào nông dân thi đua SXKDG Phú Ninh tiếp tục gắn với cuộc vận động “Toàn dân xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và tổ chức xây dựng thôn nông thôn mới kiểu mẫu.

Các cấp Hội Nông dân chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tập trung nguồn lực hỗ trợ cho nông dân phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn và sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị.

Vận động nông dân liên kết với nhau để tập trung ruộng đất, nâng quy mô sản xuất, phát triển các mô hình trang trại, gia trại, hợp tác xã, tham gia liên kết với doanh nghiệp, để tạo ra vùng sản xuất hàng hoá tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng nhãn hiệu.

“Phong trào nông dân thi đua SXKDG chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã nông nghiệp làm ăn hiệu quả cao gắn với phát triển mô hình chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp theo phương thức “5 tự, 5 cùng”.

Tăng cường liên kết với các công ty, doanh nghiệp để sản xuất, tiêu thụ, nâng cao chất lượng, giá thành sản phẩm của nông dân. Hỗ trợ xây dựng và phát triển các loại hình tổ hợp tác, hợp tác xã do hội hướng dẫn thành lập; mô hình, ý tưởng nông dân khởi nghiệp bằng các nguồn vốn, cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ hợp tác, hợp tác xã hoạt động hiệu quả” - bà Phượng nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở Phú Ninh: Mạnh dạn sản xuất theo hướng hàng hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO