Theo gương Bác

Học Bác để hành động

HÀN GIANG 19/05/2025 07:50

Việc thực hiện Chỉ thị số 05 ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, trở thành việc làm thường xuyên, tự giác và lan tỏa mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân của tỉnh.

img_20250515_192515.jpg
Ngày 15/5, tại Nhà lưu niệm Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi (Điện Bàn), Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Quảng Nam tổ chức chương trình “Tuyên dương Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác và Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Ảnh: THU VUI

Góp sức xây dựng quê hương

Tuyến giao thông nông thôn đi từ doanh nghiệp Phước Kỳ Nam đến nhà ông Đoàn Tâm (khối phố Đông Yên, phường Hòa Thuận, TP.Tam Kỳ) có chiều dài gần 1km vừa được mở rộng mặt đường 2,5m lên 9m và đổ bê tông kiên cố.

Để mở rộng đường, hàng chục hộ dân bị ảnh hưởng tự nguyện hiến hơn 4.600m2 đất sản xuất nông nghiệp, tháo dỡ vật kiến trúc bàn giao mặt bằng. Trong đó, hộ ông Nguyễn Mại (78 tuổi) - Chi hội trưởng Người cao tuổi khối phố Đông Yên đã hiến 870m2 đất sản xuất nông nghiệp.

Ông Mại cho hay, gia đình cũng hiến 200m2 đất nông nghiệp phục vụ mở rộng tuyến đường Tam Kỳ - Phú Ninh. Khi có chủ trương làm đường, gia đình ông đồng ý hiến ngay diện tích đất bị ảnh hưởng chứ chẳng hề suy tính thiệt hơn.

“Thấy được lợi ích khi đường được đầu tư mở rộng khang trang, gia đình tôi tiên phong hiến đất để tham gia vận động các hộ. Đó cũng là cách góp sức cho quê hương phát triển theo lời Bác dạy” - ông Mại tâm tình.

anh 05 TK
Từ sự đồng thuận hiến đất của người dân khối phố Đông Yên, tuyến đường giao thông đi từ doanh nghiệp Phước Kỳ Nam đến nhà ông Đoàn Tâm được mở rộng 2,5m lên 9m, đang được đổ bê tông. Ảnh: NGUYÊN ĐOAN

Theo ông Trần Minh Tiền - Bí thư Đảng ủy phường Hòa Thuận, nhằm huy động sự đồng thuận của nhân dân trong việc tháo gỡ khó khăn về hạ tầng giao thông, bồi thường giải tỏa, từ năm 2017, Đảng ủy phường Hòa Thuận xây dựng mô hình Tổ dân vận bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án trên địa bàn. Đây là một trong gần 25 mô hình học tập và làm theo Bác được phường xây dựng và duy trì hiệu quả.

“Từ hoạt động hiệu quả của Tổ dân vận, hàng chục dự án lớn nhỏ trên địa bàn được triển khai thực hiện thuận lợi khi nhận được sự đồng thuận của nhân dân. Trong 10 năm qua, nhân dân đã tự nguyện hiến gần 12.000m2 đất để làm đường giao thông nông thôn, góp phần đưa diện mạo đô thị của phường ngày càng khang trang” - ông Tiền nói.

Tại TP.Tam Kỳ, việc thực hiện học tập và làm theo Bác ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, trở thành việc làm thường xuyên, tự giác của cán bộ, đảng viên và lan tỏa mạnh mẽ trong nhân dân.

Hiện, toàn thành phố có hơn 200 mô hình đang hoạt động hiệu quả, góp phần giải quyết tốt các vấn đề nổi cộm, phát sinh trong dân, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền.

Bí thư Thành ủy Tam Kỳ - Nguyễn Thị Thu Lan nói, với quan điểm “Học Bác để hành động”, Thành ủy Tam Kỳ đã chỉ đạo gắn việc học tập và làm theo Bác với cải cách hành chính, xây dựng chính quyền phục vụ, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, giải quyết kịp thời đơn thư, phản ánh của người dân.

Cùng với đó, việc thực hiện nêu gương của cán bộ, đảng viên - đặc biệt là người đứng đầu được coi là yếu tố then chốt. “Qua 10 năm, nhiều địa phương, đơn vị đã cụ thể hóa nội dung học Bác thành cam kết tu dưỡng, rèn luyện; đưa việc đánh giá kết quả làm theo Bác trở thành tiêu chí quan trọng trong xét thi đua, khen thưởng và đánh giá cán bộ hằng năm” - bà Lan chia sẻ.

Thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”

Thời gian qua, Ban Thường vụ Huyện ủy Phú Ninh chỉ đạo cấp ủy, tổ chức đảng xác định các nội dung đột phá và giải quyết hiệu quả những vấn đề bức xúc, nổi cộm trên địa bàn, tạo sự chuyển biến rõ nét trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

anh-1-1-.jpg
Tác phẩm sân khấu hóa của Đảng bộ xã Tam Đại tham gia Hội thi tuyên truyền về học tập và làm theo Bác năm 2024 do Huyện ủy Phú Ninh tổ chức. Ảnh: NGUYÊN ĐOAN

Thường trực Huyện ủy Phú Ninh đánh giá, với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND, các cơ quan, ban, ngành thuộc huyện và các địa phương đã tập trung giải quyết các vấn đề tồn tại, nổi cộm liên quan đến vấn đề công tác cán bộ, đất đai, tài nguyên môi trường, giải phóng mặt bằng...

Địa phương cơ bản đã xử lý, giải quyết được một số nội dung liên quan đến giải phóng mặt bằng thi công các dự án của Trung ương, tỉnh và huyện (cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, quốc lộ 40B, đường liên kết vùng, các tuyến ĐH...); cấp “sổ đỏ” cho nhân dân, thanh toán nợ xây dựng cơ bản, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và hạn chế những phát sinh mới.

Từ đó, góp phần quan trọng trong việc ổn định tình hình tư tưởng, tâm trạng xã hội trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, hoàn thành nhiệm vụ chính trị của huyện.

Theo Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy, một trong những điểm nhấn của việc thực hiện Chỉ thị 05 trên địa bàn tỉnh là hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu mỗi cấp ủy lựa chọn ít nhất từ một đến hai nhiệm vụ trọng tâm, đột phá; hoặc những khó khăn, bức xúc, nổi cộm để tổ chức sinh hoạt chuyên đề, bàn giải pháp và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.

Qua đó, góp phần quan trọng vào việc thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao, kịp thời giải quyết những vấn đề khó khăn, nổi cộm, bức xúc tại cơ quan, đơn vị, địa phương; tạo được sự đồng thuận, niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền.

Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Huỳnh Thị Thùy Dung nhìn nhận, việc học tập và và làm theo Bác đã có tác động rất rõ nét, sâu sắc đến đời sống chính trị - xã hội của tỉnh nói chung, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi nói riêng.

Trước hết, tác động lớn nhất có thể khẳng định và nhìn thấy rõ nét đó là sự chuyển biến về nhận thức, về thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” trong tổ chức cuộc sống gia đình, phát triển kinh tế, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Trong 10 năm qua, nhiều cách làm hay, mô hình thiết thực, gắn “học với làm” đã hình thành ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và mang lại hiệu quả tích cực.

Có thể kể đến như: Mô hình “Giữ rẫy sạch, làng sạch, lòng dân yên”; “3 cán bộ, công chức giúp 1 hộ dân thoát nghèo”, “Vận động nhân dân khai hoang, mở rộng diện tích canh tác lúa nước, không xâm phạm rừng tự nhiên”, “Trồng cây dược liệu trên đất hoang”, “Vườn sâm kết đoàn”…

“Những mô hình trên không chỉ lan tỏa tinh thần trách nhiệm, ý thức cộng đồng mà còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, góp thêm tiếng nói, hành động đẹp vào sự phát triển chung của miền núi. Từ đó, tạo sự lan tỏa lớn trong cộng đồng để xây dựng cuộc ngày càng ấm no, hạnh phúc như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời” - bà Dung chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Học Bác để hành động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO