(QNO) – Chiều nay 15/8, kết luận cuộc làm việc với UBND huyện Phú Ninh về tình hình thực hiện 2 Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) và giảm nghèo bền vững, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn nêu rõ: Phú Ninh còn 4 tiêu chí huyện NTM nâng cao chưa đạt, nên cần phải có cách làm cụ thể, huy động tốt các nguồn lực, tranh thủ sự hỗ trợ của tỉnh để thực hiện hoàn thành huyện NTM nâng cao vào cuối năm 2025.
Đến nay, Phú Ninh duy trì 9/9 tiêu chí huyện NTM, trình hồ sơ về tỉnh đề nghị xác nhận đảm bảo duy trì huyện NTM năm 2023.
Về kết quả thực hiện Bộ tiêu chí huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025, Phú Ninh đạt 5/9 tiêu chí, còn 4/9 tiêu chí chưa đạt (6 chỉ tiêu chưa đạt). Tổng kinh phí thực hiện Chương trình NTM từ năm 2023 (kể cả vốn năm 2022 chuyển sang năm 2023) chuyển sang thực hiện năm 2024 gần 10 tỷ đồng. Đến ngày 13/8/2024 mới giải ngân được hơn 2,7 tỷ đồng (đạt 27,5%).
Về thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững, đến nay, Phú Ninh còn 447 hộ, tỷ lệ 1,93%. Trong đó, 423 hộ nghèo không có khả năng; 24 hộ nghèo đa chiều có khả năng lao động, tỷ lệ 0,11%. Còn 288 hộ cận nghèo, tỷ lệ 1,24%; hộ cận nghèo đa chiều có khả năng lao động là 156 hộ, tỷ lệ 0,53%.
Tại cuộc làm việc, đại diện các ngành của tỉnh đã trao đổi về các nội dung được UBND huyện Phú Ninh kiến nghị; cũng như lưu ý về việc tổ chức thực hiện các tiêu chí chưa đạt trong việc xây dựng các tiêu chí NTM, nhất là tiến độ thực hiện các tiêu chí huyện NTM nâng cao. Nhiều ý kiến đề nghị, Phú Ninh cần ưu tiên nguồn lực để thực hiện các tiêu chí NTM nâng cao chưa đạt, với quyết tâm phải hoàn thành xây dựng huyện NTM nâng cao vào cuối năm 2025.
Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn ghi nhận những kết quả đạt được của Phú Ninh trong việc thực hiện 2 Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững. Đồng thời cho rằng, khối lượng nhiệm vụ của 2 chương trình còn lại rất nhiều, áp lực lớn, cấp ủy chính quyền huyện, xã với quyết tâm chính trị cao nhất, đồng lòng, khắc phục các khó khăn, phát huy sự đồng thuận, vào cuộc của nhân dân để triển khai thực hiện hoàn thành theo kế hoạch.
Theo đồng chí Trần Anh Tuấn, huyện cần soát xét lại tất cả các nhiệm vụ trong từng chương trình, xác định đầu việc rõ ràng, chủ động làm việc với xã, đăng ký làm việc với tỉnh để kịp thời, tháo gỡ vướng mắc, hướng dẫn thực hiện hiệu quả. Tiếp tục giao công việc cụ thể cho Ban chỉ đạo huyện, lãnh đạo huyện theo dõi từng công việc, nhóm chương trình đã xác định, trên cơ sở đó mới thực hiện được.
Nhanh chóng hoàn thành các hồ sơ để có mã số đảm bảo cho phân bổ nguồn vốn. Trên cơ sở đó, thực hiện hoàn thành đấu thầu, phê duyệt các dự án, chương trình thuộc nguồn vốn sự nghiệp để triển khai thực hiện. Tập trung cao độ cho công tác giải ngân, với phương châm đảm bảo giải ngân 100% vốn khi có điều kiện, địa bàn, đối tượng; chỉ chuyển trả nguồn trong trường hợp bất khả kháng…