Phú Ninh tập trung xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao

HOÀNG ĐẠO – HẢI CHÂU – MỸ LINH – HỒ QUÂN 11/11/2021 14:49

(QNO) - Chia tách từ Tam Kỳ đến nay đã 16 năm, Phú Ninh đứng trước không ít khó khăn phải làm lại từ đầu nhiều thứ nhưng cũng có nhiều cơ hội định hình trong chiến lược phát triển. Trong câu chuyện mới đây với các đồng chí lãnh đạo huyện cho thấy có nhiều triển vọng từ quy hoạch xây dựng vùng huyện Phú Ninh giai đoạn đến năm 2030 đã được phê duyệt. Trong đó, mục tiêu đưa Phú Ninh trở thành huyện nông thôn mới (NTM) nâng cao được tập trung nhiều nhất trong tầm nhìn gần.

 

 
Huyện Phú Ninh nhìn từ flycam. Ảnh: QNO
Huyện Phú Ninh nhìn từ flycam. Ảnh: QNO

Tháng 6.2021, UBND tỉnh Quảng Nam đã ra quyết định phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng huyện Phú Ninh giai đoạn đến năm 2030, đây là được xem là chiến lược bền vững để phát triển kinh tế - xã hội, định hình diện mạo của huyện nông thôn mới Phú Ninh trong tương lai. Theo quy hoạch này, phạm vi ranh giới bao gồm toàn bộ địa giới hành chính huyện Phú Ninh, có tổng diện tích đất tự nhiên 255,65km2, với 11 đơn vị hành chính với 10 xã và 1 thị trấn. Tính chất quy hoạch là vùng động lực phát triển kinh tế - xã hội của hành lang Nam Quảng Nam; là vùng phát triển về công nghiệp, dịch vụ, thương mại của tỉnh; là một trọng điểm du lịch phía Nam tỉnh Quảng Nam.

 
Đường lên huyện nông thôn mới Phú Ninh. Ảnh: QNO
Đường lên huyện nông thôn mới Phú Ninh. Ảnh: QNO

Huyện Phú Ninh được chia thành 3 phân vùng phát triển: Phân vùng 1 (Vùng Đông kênh chính Bắc Phú Ninh): gồm thị trấn Phú Thịnh, xã Tam An, xã Tam Đàn, xã Tam Phước, xã Tam Thái; một số thôn thuộc xã Tam Dân, xã Tam Vinh, xã Tam Lộc, xã Tam Thành, xã Tam Đại. Diện tích khoảng 93km2. Định hướng chủ yếu là “Nông nghiệp theo hướng công nghệ cao - công nghiệp - thương mại và dịch vụ”.

Phân vùng 2 (Vùng Tây kênh chính Bắc Phú Ninh và Bắc quốc lộ 40B): gồm một số thôn của các xã Tam Đại, Tam Dân, Tam Vinh, Tam Lộc, và thôn Lộc Yên, xã Tam Thành; diện tích tự nhiên 60km2; định hướng chủ yếu là phát triển “Nông nghiệp - chăn nuôi tập trung - vùng cây nguyên liệu, dược liệu”.

Phân vùng 3 (Vùng Tây kênh chính Bắc Phú Ninh và Nam quốc lộ 40B): gồm xã Tam Lãnh, một số thôn của các xã Tam Đại, Tam Dân; diện tích tự nhiên 102km2; định hướng chủ yếu là phát triển “Bảo tồn thiên nhiên, nguồn nước - du lịch - lâm nghiệp”.

Trong đó, phân vùng 1 (vùng Đông kênh chính Bắc Phú Ninh) sẽ là vùng động lực của huyện, ưu tiên đầu tư.

Huyện ủy Phú Ninh vừa qua cũng đã ban hành Nghị quyết 04 về xây dựng và phát triển đô thị thị trấn Phú Thịnh, khu trung tâm xã Tam Dân, xã Tam Đàn giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030.

Quang cảnh Phú Ninh hôm nay (Video: HỒ QUÂN – HOÀNG ĐẠO - HẢI CHÂU)

Theo Bí thư Huyện ủy Vũ Văn Thẩm, Phú Ninh sẽ huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội, đa dạng hóa hình thức đầu tư để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, tập trung các công trình, dự án quan trọng, có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, giải pháp đối với nhóm đô thị gồm Thị trấn Phú Thịnh, trung tâm xã Tam Đàn, Tam Dân là đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị theo hướng đồng bộ, gắn với tiêu chuẩn đô thị văn minh. Đến năm 2025, sẽ hoàn thiện hạ tầng giao thông khung của thị trấn Phú Thịnh và khớp nối một số trục giao thông vùng lõi đô thị, kết nối với TP.Tam Kỳ và các địa phương lân cận.

Phú Ninh phát triển từng ngày. Ảnh: QNO
Phú Ninh phát triển từng ngày. Ảnh: QNO

Đồng thời, UBND huyện sẽ rà soát điều chỉnh bổ sung quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch phát triển đô thị, đầu tư phát triển hạ tầng thiết yếu tại trung tâm các xã Tam Dân, Tam Đàn đạt một số tiêu chí cơ bản của đô thị loại V gắn với hình thành các khu dân cư và phát triển thương mại - dịch vụ. Các hạ tầng bổ trợ cũng được đầu tư đồng bộ như nâng cấp các chợ trên địa bàn huyện, đảm bảo nguồn nước sạch cung cấp cho các xã, thị trấn và các vùng thương mại – dịch vụ trọng điểm, khu, cụm công nghiệp.

Phú Ninh phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản xuất thương mại – dịch vụ đạt gần 6.100 tỷ đồng.

 
 
Làng quê nông thôn mới trở nên khang trang. Ảnh: QNO
Làng quê nông thôn mới trở nên khang trang. Ảnh: QNO

Qua từng năm, tranh thủ các nguồn hỗ trợ, đặc biệt là từ nguồn vốn của Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới, cộng với sự nỗ lực của địa phương, Phú Ninh đã thay đổi từ vùng đất đồi dốc trở nên trù phú hơn, nhiều người dân sau một thời gian nỗ lực dã có thể đứng trước cơ hội đổi đời.

“Một ví dụ điển hình về sự thay đổi tư duy sản xuất của cộng đồng là trước đây, cánh đồng tại thôn Đàn Trung (xã Tam Dân) rất manh mún, nhưng khi triển khai dồn điền đổi thửa thì đồng ruộng được tổ chức lại vuông vức, thuận tiện việc đưa cơ giới hóa xuống đồng ruộng. Người dân Phú Ninh đã tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp. Hằng năm có trên 623ha diện tích sản xuất lúa giống hàng hóa, cho sản lượng 2.400 tấn mỗi năm” – Chủ tịch UBND huyện Huỳnh Xuân Chính cho biết.

Không chỉ kinh tế mà văn hóa - xã hội cũng chuyển biến giúp đời sống nhân dân thêm ấm no, hạnh phúc. Ảnh: QNO
Không chỉ kinh tế mà văn hóa - xã hội cũng chuyển biến giúp đời sống nhân dân thêm ấm no, hạnh phúc. Ảnh: QNO

Để duy trì các tiêu chí, UBND huyện đã chỉ đạo xã Tam Lộc tập trung xây dựng kế hoạch duy trì, nâng chuẩn các tiêu chí xã NTM trong năm 2021. Đồng thời, tập trung xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện phương án quản lý, cho thuê đất công ích do UBND tỉnh bàn giao cho xã quản lý để giải quyết dứt điểm khiếu kiện, khiếu nại đông người ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, góp phần khắc phục tiêu chí ANTT và hoàn thành 19/19 tiêu chí vào cuối năm 2021.

Cùng với đó, huyện đã phê duyệt điều chỉnh, bổ sung phương án khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu cho 6 thôn sau sáp nhập gồm thôn An Mỹ (xã Tam Lãnh), Lâm Môn (xã Tam Vinh), Thành Mỹ (xã Tam Phước), Đại An (xã Tam Đại), thôn Tây Lộc (xã Tam Lộc), Dương Đàn (xã Tam Dân). Đến nay, các địa phương đang lập hồ sơ minh chứng trình huyện thẩm định công nhận để nâng tổng số thôn được công nhận lên 19 thôn.

Xây dựng nông thôn mới lấy nhân dân làm chủ thể. Ảnh: QNO
Xây dựng nông thôn mới lấy nhân dân làm chủ thể. Ảnh: QNO

Vùng nông thôn mới Phú Ninh trù phú (Video: HỒ QUÂN – HOÀNG ĐẠO - HẢI CHÂU)

Được nhà nước hỗ trợ, ông Lê Tùng Vương (thôn Trường Lộc, xã Tam Thành) đã triển khai mô hình trồng rau theo chuẩn nông nghiệp công nghệ cao. Cần mẫn với mô hình mà ông tâm huyết, thương hiệu rau của anh Vương đã có chỗ đứng ổn định trên thị trường, đặc biệt cải bó xôi anh trồng đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao năm 2018. “Khi tham gia OCOP, tôi được chính quyền hỗ trợ rất nhiều từ vốn vay, thiết kế bao bì sản phẩm, tiếp cận thị trường… Những thứ mà người nông dân sẽ không thể tự mình làm được hoặc có làm được thì chi phí rất lớn. Nhờ đó mà mình có cơ hội phát triển thương hiệu tốt hơn”.

Người dân khấm khá từ mô hình kinh tế nông nghiệp. Ảnh: QNO
Người dân khấm khá từ mô hình kinh tế nông nghiệp. Ảnh: QNO

Giai đoạn 2018 – 2020, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” của Phú Ninh có tổng cộng 17 sản phẩm của 15 chủ thể được xếp hạng 3 sao. Năm 2021 có thêm 3 sản phẩm là khô gà lá chanh (HTX Nông nghiệp sạch Tam Vinh), khô nấm bào ngư sả chanh (Cơ sở sản xuất nấm sạch Văn Tin, thôn Tân Quý, Tam Vinh), bò khô xé sợi Vy Trân (Cơ sở sản xuất, kinh doanh Vy Tran, Tam Phước). “Về kết quả thực hiện phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2018-2020, huyện đã huy động 9 HTX nông nghiệp, 1 doanh nghiệp, 1 chủ trang trại và 1 cá nhân tham gia làm chủ trì. Có tổng cộng 16 dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, kinh tế vườn, qui mô đến 1.017 hộ nông dân tham gia liên kết và được hưởng lợi từ việc tham gia chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm” – ông Huỳnh Xuân Chính cho biết. Đến nay, đã có 9/10 xã trên địa bàn huyện tham gia phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với tổng kinh phí thực hiện các dự án hơn 51 tỷ đồng.

Kinh tế nông nghiệp huyện Phú Ninh (Video: HỒ QUÂN – HOÀNG ĐẠO - HẢI CHÂU)

Giai đoạn 2021-2025, UBND huyện Phú Ninh khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện Hiện đã thu hút được Công ty CP Đầu tư và phát triển Đất Quảng Star khảo sát, xây dựng 2 dự án gồm Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm măng tây trên địa bàn 2 xã Tam An và Tam Đại, quy mô 4ha và dự án Liên kết sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm từ cây sen trên địa bàn 2 xã Tam An và Tam Phước, quy mô 5 ha. Các dự án hiện đang rà soát hoàn thiện trình phê duyệt với kinh phí dự kiến khoảng 2,3 tỷ đồng.

 
Ưu tiên cho hạ tầng để mời gọi các nhà đầu tư. Ảnh: QNO
Ưu tiên cho hạ tầng để mời gọi các nhà đầu tư. Ảnh: QNO

Cùng với mục tiêu kinh tế nông nghiệp bền vững, hiện đại, Phú Ninh cũng đang tiến đến xây dựng thành mảnh đất hứa với các nhà đầu tư trên các lĩnh vực công nghiệp – thương mại – dịch vụ. Huyện đã xây dựng quy trình tiếp nhận và giải quyết hồ sơ thu hút đầu tư theo hướng tập trung đầu mối, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể trong việc thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư, xây dựng hệ thống thông tin địa lý GIS về xúc tiến đầu tư để giới thiệu tiềm năng, lợi thế và các vị trí, lĩnh vực ưu tiên thu hút của huyện. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 5 năm qua đạt trên 5.100 tỷ đồng… Nhờ đó, từ 2015 đến nay, toàn huyện đã có 34 nhà đầu tư đăng ký với tổng vốn trên 2.626 tỷ đồng, trong đó, có 26 dự án được tỉnh quyết định chủ trương đầu tư, có 5 doanh nghiệp đang hoạt động, 7 doanh nghiệp đang đầu tư xây dựng.

Các ngành công nghiệp - dịch vụ được lựa chọn để tạo nguồn thu lớn, sử dụng nhiều lao động địa phương và bảo vệ môi trường. Ảnh: QNO
Các ngành công nghiệp - dịch vụ được lựa chọn để tạo nguồn thu lớn, sử dụng nhiều lao động địa phương và bảo vệ môi trường. Ảnh: QNO

Phú Ninh đã tiên phong trong việc kêu gọi doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào mảng hạ tầng cụm công nghiệp. Năm 2017, Công ty TNHH Đầu tư quốc tế Phú Ninh quyết định chọn Phú Ninh làm nơi phát triển. Tiên phong đầu tư Cụm CN Đồi 30 với khá nhiều khó khăn nhưng doanh nghiệp này quyết tâm tạo nên điểm sáng về xã hội hóa trong kêu gọi xúc tiến đầu tư, xây dựng hạ tầng công nghiệp cho địa phương này.

Nhiều nhà đầu tư đã chọn Phú Ninh làm đại bản doanh. Ảnh: QNO
Nhiều nhà đầu tư đã chọn Phú Ninh làm điểm đến lâu dài. Ảnh: QNO

“Với nguồn vốn khoảng 80 tỷ đồng, đến nay chúng tôi đã hoàn thiện hạ tầng cho CNN Đồi 30 giai đoạn 1 và khoảng 80% cho giai đoạn 2. Hiện đã có 7 doanh nghiệp vào đây sản xuất và mục tiêu cho tương lai là chúng tôi sẽ hoàn thiện thủ tục Dự án mở ộng CCN Đồi 30 có diện tích trên 40ha. Song song với đầu tư hạ tầng thì chúng tôi chủ động xúc tiến đầu tư để tìm kiếm khách hàng tiềm năng cho mình” – ông Mai Thành Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư quốc tế Phú Ninh nói.

Cũng theo doanh nghiệp này, chiến lược phát triển sẽ ưu tiên chọn lọc các nhà đầu tư ở các mảng sản xuất phù hợp với quy hoạch CCN Đồi 30 vừa tạo nguồn thu cho địa phương, hỗ trợ lao động địa phương có việc làm. Đặc biệt, mục tiêu bảo vệ môi trường được đặt lên hàng đầu nên doanh nghiệp này không mời gọi các nhà đầu tư các lĩnh vực dễ gây ô nhiễm. Doanh nghiệp đang tiến hành xây dựng hệ thống xử lý nước thải đồng bộ cho CCN Đồi 30, khớp nối với các CCN khác trong tương lai.

Phú Ninh phát triển mạnh công nghiệp – dịch vụ (Video: HỒ QUÂN – HOÀNG ĐẠO - HẢI CHÂU)

Hiện nay, huyện đang xúc tiến đẩy nhanh việc kêu gọi nhà đầu tư đăng ký kinh doanh hạ tầng tại KCN Phú Xuân. Các CCN Hòa Bình, Tam Dân, đã lựa chọn nhà đầu tư và đang triển khai quy hoạch chi tiết. Toàn huyện có 19 doanh nghiệp đang hoạt động tại các CCN, giá trị công nghiệp bình quân mỗi năm hơn 1.500 tỷ đồng.

“Dự báo thời gian tới sẽ có nhiều lao động địa phương từ các tỉnh, thành phía nam và TP.Đà Nẵng về quê định cư và tìm kiếm việc làm. Để giải quyết việc làm ổn định cho con em địa phương, huyện Phú Ninh đã sẵn sàng các điều kiện đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp để đón đầu làn sóng lao động hồi hương” – ông Trần Quốc Doanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh nhấn mạnh.

Tiềm năng du lịch văn hóa - lịch sử cũng được khai thác tối đa. Ảnh: QNO
Tiềm năng du lịch văn hóa - lịch sử cũng được khai thác tối đa. Ảnh: QNO

Phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp bình quân hàng năm trên 15,2% và đạt  gần 4.650 tỷ đồng vào năm 2025. Phú Ninh sẽ thu hút các nhà đầu tư bằng việc hình thành và phát triển môi trường số an toàn, tiện ích, tạo môi trường khởi nghiệp sáng tạo, chủ động tiếp cận và tận dụng các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ; khuyến khích, hỗ trợ để hình thành các doanh nghiệp số có đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của huyện.

Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phú Ninh tập trung xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO