(QNO) - Giúp hội viên phụ nữ nghèo phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững là phòng trào mạnh và đều khắp của Hội LHPN Thăng Bình thời gian qua. Từ việc nắm bắt tình hình đời sống, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, nhất là chị em có hoàn cảnh khó khăn, hội đề ra giải pháp hỗ trợ kịp thời theo phương châm “giúp cái hội viên cần, chứ không giúp cái hội có”.
Tiếp sức kịp thời
Bà Phan Thị Thùy Trang - Chủ tịch Hội LHPN huyện Thăng Bình cho hay, hằng năm, Hội LHPN huyện Thăng Bình chỉ đạo cơ sở khảo sát đánh giá, phân loại hộ nghèo, xây dựng kế hoạch giúp phụ nữ nghèo làm chủ hộ thoát nghèo bền vững. Căn cứ chỉ đạo của hội cấp trên và tình hình thực tế của địa phương, Hội LHPN huyện giao chỉ tiêu, yêu cầu cụ thể. Theo đó, mỗi năm, mỗi cơ sở hội giúp ít nhất 2 hộ thoát nghèo. Giai đoạn từ 2015 - 2020, các cấp hội đã giúp hàng trăm hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo, riêng năm 2021, Hội LHPN từ huyện đến cơ sở đã giúp 47 hộ thoát nghèo bền vững với số tiền hỗ trợ 559 triệu, trong đó Quỹ vì người nghèo huyện 259 triệu, còn lại tiền đóng góp của hội viên phụ nữ.
Nghề nuôi dúi giờ đây đã không còn xa lạ với những nông dân chân lấm tay bùn ở xã Bình Lãnh. Cách đây gần 2 năm, gia đình chị Huỳnh Thị Ngọc Tĩnh vẫn còn nằm trong danh sách hộ nghèo của xã Bình Lãnh. Qua rà soát, cùng với nghị lực vươn lên, từ nguồn kinh phí Quỹ vì người nghèo huyện và nguồn kinh phí đối ứng của Hội LHPN xã đã hỗ trợ chị 10 con dúi giống trị giá 15 triệu đồng. Vay mượn thêm, chị Tĩnh làm chuồng trại kiên cố và nhân đàn lên gấp đôi.
“Dúi cái chỉ cần 3 tháng là sinh sản. Dúi con nuôi một tháng có thể xuất chuồng với giá bán khoảng 500 ngàn đồng/kg. Chỉ cần có dúi bán, đầu ra thì không phải lo nghĩ. Dúi rất dễ nuôi, mỗi ngày cho ăn một lần gồm hạt bắp, tre, mía, còn thời gian mình làm việc khác” - chị Tĩnh nói thêm.
Nghị lực vươn lên
Mắt kém, tay run, vậy mà chị Phan Thị Thanh Tám (thôn Bình Túy, xã Bình Giang) vẫn nắn nót viết cho bằng được lá đơn xin rút khỏi hộ cận nghèo. Chị Tám vốn là mẹ đơn thân. Cuối năm vừa rồi, con trai đã xin vào làm công nhân tại Cụm công nghiệp Hà Lam - Chợ Được. Chị nghĩ cuộc sống cũng đã dần ổn định, nên đã tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ cận nghèo.
Chị Tám cho hay: "Gia đình tôi cũng đã ổn định. Nhiều hộ còn khó khăn hơn. Bây giờ mong ước được cái máy nước mía để bán kiếm thêm thu nhập. Chừ tôi đau cột sống không làm việc nặng được".
Lẽ ra, nếu có người đàn ông bên cạnh, thì những công việc nặng nhọc như phun thuốc trừ sâu hay cuốc đất, bà Lê Thị Nguyện (74 tuổi thôn Quý Hương, xã Bình Qúy) không phải tự làm. Mấy chục năm nay, bà Nguyện vẫn ở vậy nuôi mẹ già đã ở tuổi 92 tuổi, kinh tế phụ thuộc vào 4 sào lúa và hoa màu. Sau đối thoại với hộ nghèo vừa rồi, mong ước của bà Lê Thị Nguyện là được hỗ trợ con bò cái sinh sản. “Chừ yếu rồi, trông cho có con bò nuôi để phát triển kinh tế gia đình. Chứ chừ già làm chuyện chi được” - bà Nguyện cho hay.
Mong ước của chị Tám, bà Nguyện hay 28 hộ phụ nữ khác trong năm nay sẽ trở thành hiện thực khi được Hội LHPN huyện đồng hành tiếp sức bằng việc hỗ trợ sinh kế.
Ông Nguyễn Thanh Phong - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện cho hay: "Thực hiện chương trình phối hợp giữa mặt trận và các tổ chức chính trị của huyện, đầu năm mặt trận đã họp thống nhất việc hỗ trợ giúp đỡ cho hộ nghèo, cận nghèo. Nguồn Quỹ vì người nghèo năm nay dự kiến cấp huyện 2,5 tỷ đồng. từ nguồn quỹ này, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện sẽ hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo.
“Đối với Hội LHPN huyện Thăng Bình, số tiền hỗ trợ lên đến hơn 405 triệu đồng, vậy nên từ năm nay Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện sẽ trích nguồn đối ứng lên 60% từ Quỹ vì người nghèo huyện để cùng với Hội LHPN huyện và cơ sở tiếp sức cho chị em phụ nữ nghèo trên hành trình đầy khó khăn này” - ông Phong nhấn mạnh.