Cuộc sống thường ngày

Phu sâm ở Ngọc Linh

THIỆN TÙNG 05/12/2024 09:30

Phu sâm là những người thực hiện công việc vận chuyển ở vùng sâm Ngọc Linh, họ như “shipper” chuyên trị đường rừng, thiếu họ, có lẽ sẽ rất khó khăn để hình thành và duy trì một vườn sâm.

PHU SAM
Một chuyến vận chuyển hàng lên vườn sâm Ngọc Linh ở Nam Trà My. Ảnh: THIỆN TÙNG

Chịu khó

Phu sâm hầu hết là người đồng bào dân tộc thiểu số, vóc dáng tuy nhỏ, nhưng có sức bền. Một người chỉ nặng 50kg, vác một vật thể có trọng lượng bằng mình, ngược dốc vài tiếng, là hình ảnh hết sức bình thường trên núi Ngọc Linh.

Ở huyện Nam Trà My, vận chuyển sâm và các đồ đạc liên quan đến trồng, chăm sóc, khai thác sâm... được xem là nghề chính của nhiều người, trong đó có Miễn - chàng trai Xơ Đăng năm nay ngoài 20 tuổi, đã làm nghề này hơn hai năm nay.

Hằng tuần, chủ vườn sẽ vận chuyển lên vườn lượng lớn tư trang, thực phẩm và đồ dùng thiết yếu cho cả tuần. Phần lớn trong đó là rau, thịt, cá tươi; thi thoảng là máy móc, thiết bị, nhẹ thì tivi, máy lọc nước, nặng thì tủ lạnh, giường nằm.

Trước khi xuất phát từ Tăk Pỏ (trung tâm huyện Nam Trà My), chủ vườn sẽ báo cho Miễn chuẩn bị xuống núi để cõng đồ đạc. Vì mỗi chặng đường từ vườn xuống nơi tập kết khá xa, nên Miễn không bao giờ đi tay không xuống núi. Trên vai cậu thường sẽ là đồ cũ cần sửa chữa, thay mới, hoặc một thùng đầy ắp sâm, giao lại cho chủ vườn.

Hàng đến điểm tập kết, Miễn chất gọn trong bao lớn, buộc chặt miệng bao, luồn hai sợi dây đai vòng quanh, rồi khoác lên vai. Những thứ có thể cõng thêm như chiếu, chăn, Miễn chất lên trên, kết quả kiện hàng cao quá đầu.

Hàng nặng, đường trơn trượt, nên mỗi bước đi của Miễn đều phải rất chắc chắn. Thi thoảng, anh bạn dừng ở lưng chừng dốc, thả hàng xuống để lấy lại sức. “Mình cứ chất thêm một tí, nặng hơn, nhưng giảm được số chuyến phải đi. So với việc phải lên xuống tốn thời gian, thì mình chấp nhận khuân một, hai lần cho khỏe” - nói xong, Miễn lại vác hàng đi tiếp.

Mưu sinh

Những ai có dịp lên vùng sâm Ngọc Linh, vào được đến vườn, sẽ hiểu cảm giác đi đường núi vất vả thế nào. Vườn gần có thể mất 30 phút, vườn xa, trên đỉnh, bốn tiếng đồng hồ đi cũng không xuể.

z6086274055261_fa0995439e7084f9e5109cb6dd8e8c20.jpg
Phụ nữ ở Trà My cũng tham gia vận chuyển hàng lên vườn sâm. Ảnh: THIỆN TÙNG

Nhiều năm trước, khi chưa có quy định về vật liệu trồng sâm, những phu sâm là lực lượng chính đảm nhận khuân vác lưới rào vườn, vật liệu làm trại, khoanh luống... Giờ, vẫn nghề ấy, đồ đạc chủ yếu là sâm và nhu yếu phẩm, nhưng ít có chuyến hàng nào dưới 20 ký. Nặng nhọc với họ là chuyện thường, làm sao cho xong việc, có tiền lo cho gia đình mới đáng để họ bận tâm.

Tôi hỏi Việt, một chủ vườn sâm trẻ, về kinh phí để làm ra một vườn sâm, anh nhẩm tính một hồi, rồi chắc nịch khoảng 1 tỷ. “Tiền thuê đất, vật liệu, nhân công, giống sâm... nhiều thứ phải lo. Nhưng cực nhất vẫn là giai đoạn làm cho ra hình hài một vườn sâm. Trước đây, khi chưa có quy định về vật liệu, một ký lưới B40 dưới kia 23 nghìn đồng, mình mua ở Trà Linh 25 nghìn đồng, tiền thợ cõng 5 nghìn/kg, nhân lên cũng một bội” - Việt nói.

Theo Việt, trước đây vì nhu cầu nhiều, nên mỗi chuyến, người vận chuyển cõng cuộn lưới đến 50kg, nhưng Việt thấy thương anh em, nên tách nhỏ ra, còn 25-30 ký/cuộn. Những kiện hàng khác đều vậy. Cũng theo anh, người cõng hàng thường là thợ làm vườn lâu năm của mình, chỉ khi vận chuyển nhiều, hoặc nặng, mới phải tìm người làm thời vụ.

Như Viễn, gắn bó với chủ vườn thời gian đủ lâu, nhờ tính chịu thương, chịu khó, nên được yêu quý và tin tưởng giao cho việc trông coi vườn sâm, lương mỗi tháng 7-8 triệu đồng, hôm nhiều hàng, chủ vườn cho thêm 100 nghìn đồng/chuyến.

Nhiều phu sâm gắn bó lâu hơn, có khi được tặng sâm giống, trồng luôn tại vườn, hoặc tự mở vườn riêng. So với việc quanh quẩn bên nương rẫy, hay về làm công nhân dưới thành phố, thì mưu sinh ở rừng, lại tốt hơn với họ.

Người Xơ Đăng vốn quen với núi, dẻo dai, thạo đường, quan trọng là đã quen với vất vả ở rừng, quen việc gồng gánh, nên vườn sâm gia đình, họ tự làm mọi thứ. Để đưa được một củ sâm đến tay người tiêu dùng, là không ít mồ hôi, nước mắt của chủ vườn và cả người làm thuê. Dẫu họ chung một mục đích mưu sinh, mỗi người một áp lực, một gánh nặng khác nhau, nhưng không thể phủ nhận những vất vả mà người làm nghề vận chuyển ở vùng sâm đang trải qua.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phu sâm ở Ngọc Linh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO