Phước Sơn gian nan tái thiết vùng cao

THÀNH CÔNG - HỒ QUÂN 16/10/2023 06:09

Dù đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để khôi phục hạ tầng, đặc biệt là các tuyến đường huyết mạch nối các xã vùng cao nhưng công tác tái thiết ở huyện Phước Sơn vẫn gặp nhiều khó khăn. Địa phương này đang tập trung đôn đốc, chỉ đạo để tiến độ các tuyến đường giao thông đến vùng cao được đẩy nhanh.

UBND huyện Phước Sơn đã nhiều lần làm việc để đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc của nhà thầu liên quan vấn đề khan hiếm vật liệu và giá cả vật liệu tăng cao.
UBND huyện Phước Sơn đã nhiều lần làm việc để đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc của nhà thầu liên quan vấn đề khan hiếm vật liệu và giá cả vật liệu tăng cao.

Cách trở vùng cao

Thiên tai đổ xuống Phước Sơn, nhất là đợt mưa lớn gây sạt lở đặc biệt lớn vào cuối năm 2020 khiến địa phương này đối mặt với những thiệt hại nghiêm trọng về hạ tầng. Thống kê cho thấy, chỉ riêng thảm họa sạt lở vào năm 2020 đã khiến địa phương này chịu thiệt hại khoảng 800 tỷ đồng, 13 người chết và mất tích, nhiều nhà cửa trôi sập hoàn toàn và hư hại...

Ba tuyến giao thông huyết mạch bao gồm ĐH1 (đoạn Phước Kim - Phước Thành), ĐH2 (đoạn Phước Thành - Phước Lộc) và ĐH5 (đoạn Phước Công - Phước Lộc) là tuyến kết nối chính để đi vào 3 xã vùng cao Phước Sơn. Đây cũng là địa bàn bị thiệt hại nặng nề nhất về hạ tầng giao thông qua các mùa mưa lũ. Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất huyện Phước Sơn, tuyến ĐH1 có chiều dài mặt đường hơn 13km với 2 cây cầu phải xây mới cùng hàng loạt công trình cống, tường chắn, công trình phòng hộ... với tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng. Tương tự, tuyến ĐH2 có chiều dài mặt đường hơn 8km, tổng mức đầu tư 152 tỷ đồng, tuyến ĐH5 có chiều dài mặt đường hơn 9km với tổng vốn đầu tư 90 tỷ đồng.

Công tác tái thiết được đặt ra hết sức cấp thiết. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, việc khôi phục hạ tầng đối mặt với nhiều khó khăn. Đặc biệt, tuyến đường giao thông huyết mạch đi các xã Phước Kim, Phước Thành, Phước Lộc vẫn ngổn ngang.

Ông Hồ Văn Phú - người dân thôn 3 xã Phước Lộc cho hay, tuyến đường liên thôn đã được sửa sang trở lại sau đợt sạt lở. Song đường đi lại từ Phước Lộc sang Phước Công hoặc Phước Thành thi công quá chậm, vẫn còn ngổn ngang đất đá khiến việc đi lại của người dân rất khó khăn.

“Trời nắng còn đi lại được chứ trời mưa lầy lội, nhiều đoạn sạt lở sâu, rất nguy hiểm. Mỗi khi có việc phải ra trung tâm huyện hoặc sang các xã khác, bà con phải vượt qua nhiều đoạn đường sạt lở, rất lo lắng” - ông Phú nói.

Ông Trần Hồng Quân - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất huyện Phước Sơn nói, tuyến ĐH1 cơ bản thi công hoàn thành các hạng mục thoát nước, giao thông không bị ách tắc song đơn vị thi công không đảm bảo theo hợp đồng đã ký kết. Từ ngày 1/6 vừa qua, nhà thầu đã tạm dừng thi công để chờ ý kiến chỉ đạo tháo gỡ khó khăn vướng mắc về giá vật liệu tăng cao.

“Hiện nay các nhà thầu tham gia dự án thực hiện không đảm bảo theo hồ sơ, mưa lũ thường xuyên xảy ra gây xói lở nền mặt đường, nguy hiểm cho người tham gia giao thông và phát sinh thêm khối lượng thiết kế đối với tuyến ĐH2.

Cả tuyến ĐH5 cũng gặp tình trạng tương tự, thậm chí có nhà thầu không triển khai thi công. Chúng tôi đã nhiều lần có văn bản yêu cầu đẩy nhanh tiến độ song nhà thầu vẫn cố tình không thực hiện. Nếu thời gian đến vẫn không thi công thì nguy cơ các đoạn tuyến bị sạt lở nền mặt đường có thể đứt đường, không lưu thông được” - ông Quân thông tin.

Đôn đốc tiến độ

Theo lãnh đạo UBND huyện Phước Sơn, dự án khôi phục, tái thiết các tuyến ĐH1, ĐH2 và ĐH5 có khối lượng công việc rất nhiều, nhưng không đầu tư theo công trình khẩn cấp, toàn bộ phải thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy trình. Cuối năm 2021, Phước Sơn mới hoàn thành đấu thầu, ký hợp đồng thi công.

Tuyến giao thông ĐH1 có thời gian thực hiện dự kiến đến tháng 10/2024, tính đến đầu tháng 10 vừa qua đã thực hiện được hơn 41 tỷ trong tổng số hơn 135 tỷ đồng giá trị hợp đồng xây lắp, đạt 30% giá trị hợp đồng.

Đối với tuyến ĐH2, thời gian hoàn thành dự kiến vào tháng 3/2025, giá trị khối lượng đạt được của các nhà thầu khoảng 23,9 tỷ đồng trong tổng số hơn 130 tỷ đồng giá trị hợp đồng xây lắp. Tuyến ĐH5 dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2024, giá trị khối lượng đạt được mới chỉ xấp xỉ 9% giá trị hợp đồng.

Ông Hồ Công Điểm - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn nói, những khó khăn về giá cả vật liệu xây dựng, xăng dầu và sự khan hiếm nguyên vật liệu là nguyên nhân khiến tiến độ thi công các tuyến đường bị chậm.

“UBND huyện đã tập trung lãnh chỉ đạo để giải quyết hậu quả sau thiên tai, tái thiết lại các địa bàn bị ảnh hưởng do sạt lở, mưa lũ. Bên cạnh 7 khu tái định cư hoàn thành, sắp xếp ổn định dân cư, chính quyền Phước Sơn tập trung chỉ đạo chủ đầu tư, các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ các tuyến đường phục vụ nhân dân đi lại ở 5 xã vùng cao.

Điều kiện hiện nay hết sức khó khăn, giá cả tăng đột biến, sự khan hiếm của nguyên vật liệu tại chỗ, giá xăng dầu tăng đã ảnh hưởng tiến độ chung. Chúng tôi nhiều lần làm việc với nhà thầu để bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc, yêu cầu các đơn vị thi công phải tập trung các đoạn xung yếu để trước mắt phục vụ được nhu cầu đi lại của người dân, từng bước khôi phục, hoàn thiện, giải quyết bớt khó khăn cho người dân vùng cao” - ông Hồ Công Điểm cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phước Sơn gian nan tái thiết vùng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO