(Xuân Quý Mão) - Qua vùng Đại Lộc, đầu xuân, nhiều lễ hội gắn với bản sắc văn hóa vùng miền, thể hiện tâm thức, tín ngưỡng dân gian.
Lễ hội khai sơn
Đại Lộc là vùng đất có nhiều lễ hội văn hóa đậm sắc màu dân gian, vùng miền. Cư dân vùng Đồng Chàm (nay đã sáp nhập với 2 thôn khác thành thôn Tam Hiệp, xã Đại Sơn), cư dân thôn An Định (xã Đại Đồng) có tục cúng thần rừng, cúng thần núi hay còn gọi là tục cúng cửa rừng.
Cư dân vùng Nghĩa Tây, xã Đại Nghĩa cũng tổ chức lễ khai sơn còn gọi là lễ khai hạ (hạ nêu) và sau lễ này là xem như hết tết, nhà nhà lại trở về đời sống thường nhật.
Vào mùng 7 tháng Giêng, cư dân vùng Nghĩa Tây tập trung tại khu vực Dinh ông Cao Các và miếu Thần Nông để cúng bái. Người Nghĩa Tây còn cho rằng, nghi thức này cúng Ông Hổ, chúa sơn lâm.
Dinh ông Cao Các tọa lạc trên một đồi đá, thuộc rìa dãy núi Sơn Gà, bên dưới có miếu thờ Ông Cọp. Ông Cao Các là sơn thần được phong là “thượng đẳng thần”. Theo lệ làng sau khi cúng sơn thần, mở cửa rừng, người dân mới được vào rừng.
Từ sáng sớm, ban lễ tự làng Nghĩa Tây và đại diện một số chủ rừng, người làm nghề rừng đã chuẩn bị lễ vật với 7 mâm cúng có 7 con gà luộc và các phẩm vật. Lễ hội khai sơn thiên về phần lễ với nghi thức cúng tế, không có phần hội.
Theo ông Võ Văn Thu - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Nghĩa Tây, lễ cúng cửa rừng hằng năm do Ban dân chính thôn và đại diện các chư tộc phái, chủ rừng đảm nhận, có chánh bái, tả bái, hữu bái. Dân làng còn cúng Thần Nông dịp này để nhớ ơn vị thần phù hộ nông nghiệp, bảo hộ rừng rú, mùa màng, hoa màu.
“Lễ khai hạ, khai sơn, tức là lễ mở cửa rừng theo tập tục ở làng nhằm cầu xin một năm mưa thuận gió hòa để con cháu làm ăn được mùa, bội thu, dân làng bình an vô sự khi vào rừng sản xuất, trồng trọt. Đây là tập tục có từ lâu đời, Ban dân chính thôn và các chư tộc phái năm nào cũng đứng ra chủ trì việc cúng tế” - ông Thu nói.
Lễ cúng thần sông nước
Theo các nhà nghiên cứu, lễ cúng tế thần sông nước vùng Đại Lộc gắn với tục thờ “Tam vị thủy tướng” và phần hội với đua ghe truyền thống, còn gọi là tục đảo thủy. Phần lễ có nghi thức cúng tế, khấn vái thần sông nước diễn ra ở Dinh thờ Tam vị Thủy tướng, Dinh Ông (Bàu Ông) và cúng trên sông Vu Gia ở Ái Nghĩa, nhằm khấn mời chư thần về dự lễ, cầu phù hộ cho cộng đồng được an lành, việc làm ăn được thuận lợi, mưa thuận gió hòa.
Phần hội là đua ghe nan trên Bàu Ông (do xã Đại Nghĩa tổ chức) hoặc đua thuyền trên sông Vu Gia (do huyện Đại Lộc tổ chức). Những truyền thuyết dân gian kể lại, có những năm hạn hán khắc nghiệt, sau khi hành lễ cúng bái, đua ghe đảo thủy thì sau đó trời đổ mưa.
Tục đua ghe Bàu Ông diễn ra vào sáng mùng 8 tháng Giêng. Theo “Địa chí Đại Nghĩa” (NXB Đà Nẵng, 2007), đến ngày đua ghe, các thôn mang ghe về dự lễ, các ghe bơi đều đến Bàu Ông, xếp hàng trước dinh thờ Tam vị thủy tướng.
Các đội bơi mang lễ vật gồm trầu cau, áo giấy, vào dinh cúng lạy trước khi hội đua ghe diễn ra. Lệ đua là các ghe đua 4 vòng đôi, cự ly chừng 400m, ghe nào thắng phải cắm cờ, bơi diễu hành trước dinh 3 vòng để cáo với thần.
Còn lễ hội đua ghe trên sông Vu Gia qua Ái Nghĩa diễn ra vào mùng 6 tháng Giêng. Để đảm bảo công tác chuẩn bị, ngay từ chiều mùng 5 Tết, ban tổ chức lễ hội và đại diện nhiều thuyền đua đã có mặt trên sông và mâm lễ cúng thần sông, cúng đất. Các lễ hội này vẫn có 2 nội dung chính là phần lễ với hai nghi thức: túc yết và chánh tế; phần hội là đua ghe, tiệc khao các đội đua.
Huỳnh Ngọc Trảng - Vu Gia trong “Địa chí Đại Nghĩa” cho biết: “Các lễ hội ở Đại Nghĩa, Đại Lộc thể hiện sự ngưỡng vọng về trục thiêng chung và cùng chia sẻ niềm tin, suy ngẫm về truyền thống cộng đồng, về công đức của tiền nhân.
Lễ hội đã góp phần củng cố, làm mới lại sợi dây liên kết cộng đồng. Những bữa tiệc, những buổi sinh hoạt cộng đồng làng xóm là hình thức vui chơi, thi tài (đua ghe) cũng làm nồng ấm tình làng nghĩa xóm và các quan hệ xã hội, vun đắp tình làng nghĩa xóm bền chặt thêm”...
Theo ông Phan Vân Trình - Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT-TH huyện Đại Lộc, các lễ hội ở Đại Nghĩa, Đại Lộc không có hiện tượng “biến tướng” hay thương mại hóa. Ở các lễ hội, cư dân bản địa đóng vai trò là chủ thể, là linh hồn của lễ hội dân gian.