UBND tỉnh vừa ban hành Chỉ thị số 16 về việc thực hiện các giải pháp nhằm ngăn chặn triệt để hành vi phá rừng, lấn, chiếm đất rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Chỉ thị yêu cầu toàn tỉnh thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương và Tỉnh ủy, UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, xử lý tình trạng phá rừng, lấn, chiếm đất rừng trái pháp luật; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Từ tỉnh đến cơ sở nâng cao quyết tâm hành động của các cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị có liên quan và mỗi cán bộ, đảng viên về công tác bảo vệ rừng.
Người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền, ngành liên quan, chủ rừng phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra phá rừng, lấn, chiếm, đất rừng trên địa bàn quản lý; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có biểu hiện buông lỏng, bao che cho các hành vi vi phạm.
UBND cấp huyện chỉ đạo cơ quan, đơn vị chức năng thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ rừng, quản lý đất rừng.
Tập trung chỉ đạo điều tra, xử lý dứt điểm các vụ phá rừng, lấn, chiếm đất rừng xảy ra trên địa bàn; phối hợp kiểm tra ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm về lâm nghiệp nói chung và hành vi phá rừng, lấn, chiếm đất rừng nói riêng.
Theo dõi, quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các công trình, dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trên địa bàn; xử lý nghiêm việc lợi dụng chuyển mục đích sử dụng rừng để khai thác rừng, phá rừng, lấn, chiếm đất rừng trái pháp luật.
UBND cấp xã đề cao trách nhiệm trong tổ chức quản lý, bảo vệ diện tích rừng, đất rừng chưa giao, chưa cho thuê và chịu trách nhiệm về phá rừng, mất rừng, chiếm đất rừng do vi phạm pháp luật xảy ra trên diện tích quản lý.
Tăng cường giám sát cộng đồng trong việc thực hiện hợp đồng khoán bảo vệ rừng theo các chương trình, dự án về lâm nghiệp. Đồng thời, rà soát nhu cầu giao rừng của cá nhân, cộng đồng dân cư trên địa bàn xã để trình UBND cấp huyện lập kế hoạch, trình phê duyệt và tổ chức thực hiện, đảm bảo toàn bộ diện tích rừng phải có chủ quản lý thực sự.
UBND cấp xã và các phòng chức năng phối hợp kiểm tra, rà soát nguồn gốc đất trước khi thực hiện đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp.
Trường hợp đất có nguồn gốc từ phá rừng, lấn, chiếm đất rừng để trồng rừng, sản xuất thì không thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đồng thời tổ chức thu hồi, quản lý, sử dụng theo đúng quy định pháp luật.
Sở NN&PTNT phối hợp với các sở ngành, địa phương quản lý tốt diện tích rừng, đất rừng theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt; thực hiện chặt chẽ nội dung tham mưu trình các chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, trồng rừng thay thế, giao rừng cho thuê rừng…; phương án huy động lực lượng trong việc bảo vệ rừng và chữa cháy rừng.
Chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm phối hợp cùng các ngành, UBND cấp xã, Ban quản lý rừng trong công tác tuần tra bảo vệ rừng, đặc biệt là những địa bàn trọng điểm thường xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật.
Kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ rừng theo quy chế quản lý rừng. Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, bảo vệ rừng nhằm phát hiện sớm biến động về mất rừng, cháy rừng để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, lực lượng công an các địa phương phối hợp điều tra, tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo tội phạm về các hành vi vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp, công khai kết quả xử lý nhằm giáo dục, răn đe phòng ngừa chung; nâng cao hiệu quả công tác điều tra, xử lý tội phạm...